Cuộc chiến ớn lạnh trong lòng Châu Âu

Người ta không khỏi giật mình lo ngại trước thực tế đang có những cơn sóng ngầm chiến tranh chảy cuồn cuộn trong lòng Châu Âu. Điều này được thấy rõ qua những động thái quân sự cấp tập, hối hả và tiềm ẩn đầy nguy cơ từ các nước trong khu vực.
Cuộc chiến ớn lạnh trong lòng Châu Âu

Có một điều có thể thấy rất rõ rằng, chỉ trong vòng vỏn vẹn vài tháng qua, khu vực Châu Âu đã chứng kiến không biết bao nhiêu các cuộc tập trận, diễn tập quân sự và cả những mà triển khai, dàn trận vũ khí rầm rộ. Có thể nói, trong suốt nhiều thập kỷ nay, chưa bao giờ mức độ diễn ra các cuộc tập trận quân sự lại gia tăng ở tần suất và quy mô như hiện nay. Hình thức tập trận cũng vô cùng đa dạng, phong phú. Ngoài các cuộc tập trận của từng nước riêng lẻ là những cuộc tập trận chung giữa hai nước hay những cuộc tập trận quốc tế, quy tụ hàng loạt nước.
 
Tuần trước, người ta chứng kiến màn trình diễn sức mạnh không quân lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ ở các nước Baltic. Những chiếc chiến đấu cơ thả bom giả tung ra khói mịt mù. Cùng với đó, những khẩu đại bác M-61 bắn đạn thật và máy bay gầm rú trên bầu trời, gây ra những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Toàn bộ khung cảnh chẳng khác gì một cuộc chiến tranh ác liệt đang xảy ra. Đây là một phần nội dung trong khuôn khổ cuộc tập trận kéo dài 4 tuần của Mỹ và nó là một phần của hàng loạt những cuộc tập trận không ngừng nghỉ, kéo dài suốt thời gian của tất cả các lực lượng trong quân đội Mỹ, từ không quân, hải quân và lục quân, ở khu vực Châu Âu. Những hành động dương oai diễu võ của Mỹ kéo dài từ Estonia ở phía bắc đến Bulgaria ở phía nam.
 
Hiện tại, các lực lượng hải quân thường trực của NATO đã dồn về Scotland để tham gia cuộc tập trận Joint Warrior lớn nhất từ trước đến nay với sự góp mặt của đến 50 tàu chiến, 70 máy bay và 13.000 quân đến từ 14 nước. Cuộc tập trận kéo dài từ ngày 11 đến 24/4. Cuộc tập trận do Hải quân Hoàng gia Anh dẫn đầu này có bài diễn tập đầy hàm ý là truy đuổi tàu ngầm đối thủ. Bài tập này được cho là để phát đi thông điệp cho Nga khi trước đó vài tháng Anh từng nghi ngờ một một tàu ngầm Nga xâm nhập vào vùng biển của họ.
 
Tiếp đó, hôm 13/4, NATO lại khởi động một cuộc tập trận quốc tế mang tên "Fire Thunder" tại Lithuania với sự tham gia của các lực lượng đến từ Litva, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Mỹ.
 
Trên đây chỉ là một vài trong số rất rất nhiều cuộc tập trận mà NATO và các nước đồng minh đã tiến hành ở khu vực Đông Âu trong thời gian vừa qua và sẽ tiến hành trong thời gian tới.
 
Về phần mình, Nga cũng vừa thông báo một loạt kế hoạch tập trận mới trong thời gian sắp tới, trong đó có cuộc tập trận pháo kích bằng đạn thật với sự tham gia của các tàu chống hạm trên Thái Bình Dương.
 
Trước đó, trong tháng trước, Nga đã tiến hành một loạt cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm huấn luyện khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Biển Bắc cũng như các đơn vị tại các quân khu miền Tây, miền Nam và miền Đông nước này. Khoảng 80 ngàn binh sĩ và hàng ngàn đơn vị vũ khí đã được huy động tham gia các cuộc tập trận nói trên.
 
Cùng với các cuộc tập trận không ngừng nghỉ khiến khu vực Đông Âu liên tục nóng bỏng, các nước còn tiến hành các vụ triển khai vũ khí và thực hiện các chuyến bay tuần tra. Vừa rồi, Estonia, Latvia và Lithuania đã tiếp nhận hàng trăm xe bọc thép cùng xe tăng và trực thăng tiến vào đất của họ. Đây là một diễn biến hết sức bất thường bởi lần cuối cùng xe tăng lăn bánh trên các đường phố ở những nước này là cách đây hơn 20 năm.
 
Ngoài ra, Nga và các nước NATO còn khiến khu vực Châu Âu thêm nóng bỏng bởi những chuyến bay tuần tra và các cuộc đối đầu trên không nghẹt thở.
                                                      
Mới đây, Mỹ đã sôi sùng sục cáo buộc một chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 của Nga đã áp sát một cách đầy nguy hiểm với một chiếc máy bay do thám RC-135U của Mỹ ở khu vực biển Baltic, gần vùng Kaliningrad của Nga.
 
Những vụ việc như trên hiện đang xảy ra thường xuyên hơn bao giờ hết ở bầu trời Châu Âu.
 
Rõ ràng, đang có một trò chơi quân sự nguy hiểm đang diễn ra ở Châu Âu giữa Nga và đối thủ chính của họ là liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO do Mỹ đứng đầu. Những động thái quân sự diễn ra liên tiếp nói trên chứa đựng nguy cơ đầy ớn lạnh, theo đó chỉ cần một sự hiểu sai hành động của một bên với phía bên kia cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thảm khốc ở Châu Âu – một cuộc chiến thực sự kinh hoàng bởi có sự tham gia của hai cường quốc hạt nhân hùng mạnh nhất thế giới.
 
Đúng như nhận định của ông Ian Keans, Giám đốc Mạng lưới lãnh đạo Châu Âu ở London, “nếu một chỉ huy hay một phi công chỉ cần mắc một sai lầm hoặc đưa ra một quyết định tồi trong tình huống chạm trán thì chúng ta dễ dàng phải đối mặt với thương vong và vòng xoáy bạo lực leo thang khó dừng lại”.
 
Cùng với các diễn biến quân sự cực kỳ đáng lo ngại như trên, khu vực Châu Âu còn chứng kiến tình trạng Nga và các nước sát Nga tăng chi tiêu quân sự.
 
Cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo theo một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng và nguy hiểm nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Theo: VnMedia