Cục trưởng Cục An toàn Thông tin: Muốn chuyển đổi số thành công, rất cần niềm tin số!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục An toàn thông tin - cho rằng niềm tin số là nền tảng cho các hoạt động kinh tế xã hội trong kỷ nguyên số. Tạo lập niềm tin số là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công.
Các chuyên gia thống nhất rằng mọi tổ chức, cá nhân đều có vai trò và trách nhiệm bảo đảm an toàn môi trường sống mới - môi trường mạng.
Các chuyên gia thống nhất rằng mọi tổ chức, cá nhân đều có vai trò và trách nhiệm bảo đảm an toàn môi trường sống mới - môi trường mạng.

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng (Vietnam Security Summit 2021) do Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Tập đoàn IEC tổ chức theo hình thức trực tuyến.

6 nhóm hành động cụ thể để tạo lập niềm tin số

Trao đổi tại phiên thảo luận chính của Vietnam Security Summit 2021, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đưa ra quan điểm, định hướng, mục tiêu cũng như những hành động cụ thể mà Bộ TT-TT thấy cần phải làm trong thời gian tới để tạo lập niềm tin số, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về an toàn thông tin mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông dự báo, vào năm 2025, mỗi giây sẽ có 3.000 cuộc tấn công mạng và 12 mã độc mới, tăng tương ứng 3 lần và 2,4 lần so với năm 2020. Cũng trong thời điểm này, số lỗ hổng, điểm yếu an toàn thông tin mới xuất hiện mỗi ngày là khoảng 70, tăng 1,75 lần so với năm 2020.

Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục An toàn thông tin - nêu 6 nhóm hành động cụ thể cần phải được tập trung triển khai để tạo lập niềm tin số.

Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục An toàn thông tin - nêu 6 nhóm hành động cụ thể cần phải được tập trung triển khai để tạo lập niềm tin số.

Người đứng đầu Cục An toàn thông tin cũng cho biết, định hướng của Chính phủ, Bộ TT-TT trong lĩnh vực an toàn không gian mạng là “An toàn không gian mạng cho tất cả, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng”.

Với định hướng đó, Bộ TT-TT đã xác định 8 mục tiêu cần đạt được thời gian tới gồm: Duy trì thứ hạng 25, hướng tới thứ hạng 20 về chỉ số GCI; Mỗi người dân có một “Hiệp sĩ” bảo vệ; Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có 1 đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ; 100% bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn thông tin theo 4 lớp; bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin 11 lĩnh vực quan trọng; 100% người sử dụng được tiếp cận nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin; tỷ lệ thông tin tiêu cực duy trì dưới 10%; và 100% nền tảng số tuân thủ quy định pháp luật.

Vì vậy, theo ông Phúc, từ nay đến năm 2025, có 6 nhóm hành động cụ thể cần phải được tập trung triển khai. Đó là: Bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng số; Bảo vệ dữ liệu số; Bảo vệ hệ thống thông tin cơ quan Đảng, Nhà nước; Bảo vệ hệ thống thông tin trong các lĩnh vực quan trọng; Xây dựng môi trường mạng an toàn; Bảo đảm thông tin lành mạnh trên không gian mạng.

Với mỗi nhóm này, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, Bộ TT-TT đều đưa ra các nội dung công việc cụ thể cần triển khai. Đơn cử như, để xây dựng môi trường mạng an toàn, bên cạnh việc phổ cập ứng dụng an toàn không gian mạng, Bộ TT-TT cũng sẽ tiếp tục triển khai gán nhãn tín nhiệm mạng, phát triển cổng không gian mạng quốc gia; phát triển nền tảng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...

“Niềm tin số là nền tảng cho các hoạt động kinh tế xã hội trong kỷ nguyên số. Tạo lập niềm tin số là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công. Vì vậy, tạo niềm tin số là một thách thức rất lớn cho không chỉ của Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới”, ông Phúc nhận định.

An ninh mạng là nền tảng của kinh tế số

Cũng tại hội thảo, ông Sam Cheng Qingjun - Giám đốc quan hệ công chúng và các vấn đề chính phủ của Huawei, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế số Trung Quốc, thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Trung Quốc, cho rằng an ninh mạng đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế số, giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Ông Sam Cheng Qingjun - Giám đốc quan hệ công chúng và các vấn đề chính phủ của Huawei, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế số Trung Quốc, thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Trung Quốc - trao đổi trực tuyến.

Ông Sam Cheng Qingjun - Giám đốc quan hệ công chúng và các vấn đề chính phủ của Huawei, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế số Trung Quốc, thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Trung Quốc - trao đổi trực tuyến.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng kết nối. Ngày nay, ngày càng nhiều người trong chúng ta dựa vào Internet và cơ sở hạ tầng cơ bản của nó để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống xã hội và công việc của mình” - Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế số Trung Quốc nêu quan điểm.

Tuy vậy, theo ông Sam, tác động của COVID-19 đối với tất cả nền kinh tế trên toàn cầu, đã tạo ra một cơn địa chấn - với nhiều doanh nghiệp và dịch vụ bị gián đoạn do mọi người phải làm việc từ xa vì giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đã phải chuyển sang làm việc ở môi trường trực tuyến nhiều hơn và ngay lập tức thiết lập các giải pháp làm việc từ xa cho nhân viên.

Việc chuyển sang thế giới trực tuyến không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp mà ngày càng có nhiều người tận dụng Internet để hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của họ như phát triển và duy trì các mối quan hệ xã hội, trò chơi trực tuyến, phim ảnh, âm nhạc, xem phim trực tuyến, mua sắm trực tuyến, học trực tuyến, quản lý các vấn đề tài chính của họ và giao dịch với các cơ quan chính phủ.

“Tháng 3/2020, Trung Quốc đã ban hành văn bản đẩy nhanh việc xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng “thông minh +”, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin thế hệ mới. Bộ TT&TT Trung Quốc đẩy nhanh việc quảng bá và ứng dụng công nghệ 5G và thúc đẩy các kịch bản ứng dụng như 5G + VR để hỗ trợ phát triển nền kinh tế truyền hình trực tiếp (livestream), đặc biệt là hỗ trợ nông dân ở vùng nông thôn có thể bán hàng trực tuyến và livestream trên các nền tảng thương mại điện tử” – ông nêu thực tế triển khai ở Trung Quốc.

Ông Sam Cheng Qingjun cũng cho rằng ngành ICT đóng vai trò lớn trong việc giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, góp phần thúc đầy nền kinh tế số. Tuy nhiên, những rủi ro về bảo mật là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Năm 2020 cả thế giới chứng kiến ​​các lỗ hổng bảo mật và các cuộc tấn công mạng đạt mức cao mới về số lượng và quy mô. Các sự cố về mã độc tiền chuộc và rò rỉ dữ liệu liên tục xuất hiện. Theo WHO, số lượng tấn công mạng trong năm 2020 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2019 và theo khảo sát của Gartner, 61% các giám đốc công nghệ cho biết sẽ tăng cường đầu tư vào mạng và bảo mật thông tin.