Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2021 được sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông, do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) và Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức.
Vòng thi Sơ khảo tiếp theo được tổ chức vào ngày 16/10/2021, với điểm cầu chính tại Hà Nội. Tại vòng thi này, các đội sẽ thi thực hành về An toàn thông tin theo hình thức Vượt qua Thử thách theo chủ đề (jeopardy), trong vòng 8 tiếng. Thí sinh dự thi online hoàn toàn dưới sự giám sát của ban tổ chức và Ban giám khảo qua hệ thống camera kết nối vào nền tảng Hội nghị truyền hình.
Đặc biệt, vòng thi Sơ khảo năm nay được tổ chức hoàn toàn online, với sự tham gia của 101 đội thi, bao gồm 73 đội của 30 trường đại học và học viện Việt Nam và 28 đội thuộc 18 trường của 7 nước ASEAN khác (Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanma, Lào, Singapore và Thailand).
Các thí sinh dự thi trực tuyến tại vòng thi Sơ khảo năm nay . |
Các đội thi sẽ được chia thành 3 bảng: Bảng VN1 gồm 33 đội thi Việt Nam của các trường khu vực phía Bắc, Bảng VN2 gồm 40 đội thi Việt Nam khu vực Phía Nam và Bảng ASEAN gồm 28 đội của các nước ASEAN khác.
Ngoài hệ thống thi làm bài online, các thí sinh còn tham dự Lễ khai mạc, Lễ trao giải và tương tác tại Phòng thi online, dựa trên nền tảng Hội nghị truyền hình với điểm cầu chính tại Hà Nội.
Bảng VN1 và bảng VN2 sẽ chọn 5 Đội có thứ hạng thi Sơ khảo cao nhất; Bảng ASEAN sẽ chọn 7 đội có thứ hạng cao nhất (mỗi nước có 1 đội) vào vòng Chung khảo.
Ban Giám khảo vòng thi Sơ khảo làm việc tại điểm cầu chính. |
Vòng Chung khảo cuộc thi và lễ trao giải, bế mạc sẽ được tổ chức vào ngày 13/11/2021, với điểm cầu chính tại Hà Nội.
Trước đó, vòng Khởi động đã được tổ chức vào sáng ngày 9/10/2021 dưới hình thức thi trực tuyến (online) trong thời gian 4 tiếng, với mục tiêu giúp thí sinh làm quen với cách thức thi và dạng đề thi.
Tại Vòng thi khởi động đã có sự tham gia của 156 đội thi từ các cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng của Việt Nam và Trường thuộc các nước ASEAN. Kết quả cuối cùng có 120 Đội ghi điểm; 11 Đội thi hoàn thành tất cả các bài thi (đều là các Đội của Việt Nam), trong đó đội Blackpinker của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. HCM là đội đầu tiên hoàn thành phần thi và sớm hơn 1 tiếng so với thời gian quy định.
Điểm mới của cuộc thi năm nay là giải thưởng dành cho các đội đạt giải cao vòng Chung khảo. Ngoài giải thưởng của Ban tổ chức, đội đạt giải cao sẽ được nhận thêm giải thưởng hấp dẫn là các Voucher tham gia các kỳ thi, khóa học về ATTT chất lượng cao, trị giá lên tới hơn 1.000 USD của EC-Council, tổ chức đào tạo về ATTT nổi tiếng thế giới,
Năm 2021 là năm thứ 14 cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam và là lần thứ 3 cuộc thi mở rộng tới các nước ASEAN. Cuộc thi do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) và Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Đây là cuộc thi về ATTT duy nhất dành riêng cho sinh viên đại học ở khu vực ASEAN cũng như ở châu Á. Cuộc thi được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam duy trì tổ chức hàng năm với trách nhiệm xã hội nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin, thúc đẩy thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và Chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia; nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Việt Nam về ATTT theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế.
Đề thi vòng Sơ khảo gồm các thử thách (các bài tập) thuộc các lĩnh vực sau:
- Web application: Khai thác các lỗ hổng ứng dụng web (SQL injection, XSS, Session Hijacking…)
- Reverse engineering: Dịch ngược mã nguồn phần mềm, unpack các packer bảo vệ mã nguồn
- Pwnable: Tìm lỗi, khai thác các lỗ hổng trong các ứng dụng server, phần mềm, hoặc đoạn mã (ví dụ: buffer overflow, viết shellcode, format string…)
- Network/Forensic: Điều tra, phân tích các dấu vết số (phân tích gói tin, phân tích dump bộ nhớ, ram….)
- Crypto/ACM: Giải mã string, giải thuật, phân tích thuật toán, lập trình thuật toán…