Camera giám sát là sản phẩm nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin do dữ liệu của camera thường được truyền về máy chủ nước ngoài. Nhiều loại camera không rõ xuất xứ trên thị trường được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và được rao bán trên các trang mạng xã hội.
Việc ban hành các tiêu chuẩn cho camera nhập khẩu và chủ động sản xuất camera "Make in Vietnam" là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho người dùng cá nhân cũng như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.
Được biết, mới đây, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành một bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát. Bộ tiêu chí này được coi là "cẩm nang" để các doanh nghiệp tham khảo khi nhập khẩu và sản xuất thiết bị, tiến tới xây dựng một Bộ quy chuẩn có tính bắt buộc.
VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT), về bộ tiêu chí mới ban hành.
PV: Được biết Cục An toàn Thông tin, Bộ TT&TT vừa Ban hành bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát. Nó có ý nghĩa thế nào đối với việc ngăn chặn nguy cơ lộ lọt thông tin nhạy cảm thưa ông?
Ông Trần Đăng Khoa: Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát được Bộ TT&TT ban hành gồm có ba nội dung chính. Thứ nhất là các yêu cầu về kỹ thuật đối với thiết bị camera giám sát và các ứng dụng liên kết để đảm bảo an toàn. Thứ hai là các vấn đề liên quan đến quản lý và thứ ba là liên quan đến bảo đảm nhận thức.
Chúng tôi đã cùng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, các doanh nghiệp sản xuất camera, bàn bạc và trao đổi kỹ lưỡng để đưa vào những nội dung, tiêu chí phù hợp với thực tiễn Việt Nam để đảm bảo nâng cao nhận thức và bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân cho người dùng.
Bộ tiêu chí đã nêu lên những vấn đề rất cụ thể, chẳng hạn như không được sử dụng mật khẩu mặc định, mật khẩu phải có tính chất không dễ đoán. Đặc biệt, các thiết bị camera và ứng dụng liên kết phải thông báo cho người dùng biết việc lưu trữ, xử lý dữ liệu được thực hiện tại quốc gia nào. Phải có chức năng cho phép người dùng cài đặt để xử lý, lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân của Việt Nam.
Các doanh nghiệp sản xuất camera cần phải làm gì để đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật mà bộ tiêu chí đặt ra?
Ông Trần Đăng Khoa: Bộ tiêu chí này là một bước đệm để chúng tôi nghiên cứu và ban hành quy chuẩn quốc gia về an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát. Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp camera nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất camera nói riêng nên nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể đáp ứng được các nội dung, tiêu chí này, từ đó có thể tăng cường chất lượng sản phẩm của mình cũng như đáp ứng được nhu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân của Việt Nam về bảo đảm an toàn thông tin mạng nói chung và trên thiết bị camera giám sát nói riêng.
Hiện tại, camera giám sát do Việt Nam sản xuất đang lép vế so với các thiết bị nước ngoài. Việc đáp ứng bộ tiêu chí này có mang lại lợi thế gì hơn cho các doanh nghiệp camera Việt Nam trong việc lấy lại thị phần, cũng như giảm bớt được camera trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường?
Ông Trần Đăng Khoa: Việc ban hành bộ tiêu chí này và sắp tới đây là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ mở ra một hướng mới cho vấn đề sản xuất và lựa chọn camera giám sát cho Việt Nam. Những chiếc camera trôi nổi, không đáp ứng quy chuẩn sẽ dần dần bị cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân không sử dụng nữa.
Đó là một lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất camera, đặc biệt là các doanh nghiệp đáp ứng quy chuẩn và quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thông tin nói chung cũng như bảo vệ dữ liệu của người dân nói riêng.
Trong quá trình xây dựng tiêu chí, chúng tôi cũng đã trao đổi, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng cũng như các doanh nghiệp sản xuất camera. Các doanh nghiệp rất tự tin là các sản phẩm của mình hoàn toàn có thể đáp ứng và đáp ứng tốt bộ tiêu chí này.
Cục An toàn Thông tin có khuyến nghị gì đối với các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp khi lựa chọn mua sắm thiết bị camera giám sát?
Ông Trần Đăng Khoa: Đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước, khi lựa chọn sử dụng camera giám sát, chúng tôi khuyến nghị họ nên nghiên cứu kỹ và áp dụng các tiêu chí kỹ thuật để lựa chọn sản phẩm. Đây là yêu cầu cơ bản áp dụng chung cho tất cả các loại camera.
Đối với các lĩnh vực đặc thù có yêu cầu cao hơn thì cơ quan, tổ chức cần nghiên cứu để bổ sung thêm các yêu cầu kỹ thuật, quản lý đặc thù đối với thiết bị camera giám sát mà mình mong muốn.
Một thống kê cho thấy số lượng camera của các hộ gia đình ở Việt Nam chiếm 70%, một con số khá lớn. Xin ông đưa ra lời khuyên cho cá nhân lắp đặt thiết bị camera giám sát tại Việt Nam?
Ông Trần Đăng Khoa: Khi lựa chọn thiết bị camera giám sát, người sử dụng sẽ quan tâm đến hai yếu tố. Thứ nhất là chức năng, trong đó có chức năng an toàn. Thứ hai là giá thành sản phẩm.
Hiện nay theo nghiên cứu của chúng tôi thì các mẫu camera, đặc biệt là camera do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có giá thành trải đều các phân khúc, từ giá rẻ cho đến phân khúc cao cấp, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của người dùng.
Đối với các loại camera giá rẻ trôi nổi trên thị trường thì chúng tôi khuyến nghị người dùng cần hết sức lưu ý để đảm bảo lựa chọn được sản phẩm vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, vừa bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân và rộng hơn nữa là vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng.
Hy vọng bộ tiêu chí mới ban hành sẽ là một tài liệu tham chiếu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi lựa chọn camera giám sát sử dụng cho mục đích của mình.
Cảm ơn ông!