Cuba thận trọng trong việc sản xuất vaccine chống virus Corona chủng mới

VietTimes – Cuba là nước có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất vaccine. Quốc gia này đang nỗ lực phát triển vaccine chống lại virus Corona chủng mới. Nga cũng đang xem xét chuyển giao loại vaccine được họ phát triển cho Cuba sản xuất.
Cuba được coi là quốc gia đối phó có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và có tiềm năng sản xuất vaccine chống virus Corona mới (Ảnh: Deutsche Welle)

Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 20/8, công tác phòng chống dịch của Cuba đã khá hiệu quả cho đến gần đây. Nhưng kể từ vài ngày trước, số ca nhiễm virus Corona chủng mới ở quốc đảo Caribe này đã bùng phát trở lại. Chính phủ Cuba đầu tuần trước thông báo rằng thủ đô La Havana đã bước vào một đợt "phong tỏa" mới. Các nhà hàng và quán bar đã bị buộc phải đóng cửa trở lại, giao thông công cộng bị đình chỉ và bãi biển bị ngừng đón khách.

Cuba hiện đang đặt hy vọng vào một loại vaccine mới hiệu quả. Ông Francisco Duran, Giám đốc dịch tễ học của Bộ Y tế Cuba hôm thứ Ba (18/8) đã tiết lộ Cuba đang phát triển một loại vaccine chống virus Corona chủng mới. Ông Eduardo Martinez, người đứng đầu Công ty công nghệ sinh học Cuba BioCubaFarma, cho biết trên Twitter: "Toàn bộ hệ thống nghiên cứu và phát triển y tế của đất nước chúng ta sẽ coi việc phát triển vaccine chống virus Corona chủng mới là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay Viện Finlay (Finlay-Institute) của chúng ta đã giành được sự phát triển thực chất và có tiến độ nhanh chóng trong thực hiện dự án này”.

Cuba có ngành công nghệ sinh học phát triển và các phòng thí nghiệm mạnh (Ảnh: Deutsche Welle)

Cuba có kinh nghiệm phong phú

Viện nghiên cứu Finlay ở La Havana là trung tâm nghiên cứu khoa học cấp quốc gia của Cuba chuyên nghiên cứu và sản xuất vaccine. Theo thông tin của các phương tiện truyền thông Cuba, Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) của Viện đang nghiên cứu bốn loại vaccine khả thi, một trong số đó đã thể hiện hiệu quả đáng kể trong giai đoạn thử nghiệm. Ông Rolando Pérez, Giám đốc Khoa học và Đổi mới của BioCumaFarma, cho biết thêm: "Trước đại dịch COVID-19 hiện nay, chúng tôi có hai ưu tiên lớn: thử nghiệm nhanh chóng và quy mô lớn để tiến hành giám sát dịch tễ; phát triển các loại vaccine cụ thể để giúp công tác chống dịch của đất nước”; nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết.

Ông Gerardo Guillén, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Y tế sinh học của Trung tâm GCIB, hồi cuối tháng 6 đã nói với báo chí rằng nghiên cứu của Cuba tập trung vào “vaccine dạng hạt hình dạng tương tự virus với ưu thế tăng cường và kích hoạt hệ thống miễn dịch. Đây là thế mạnh của nghiên cứu vaccine của Cuba”. Ông nêu ví dụ về vaccine viêm gan B mãn tính được phát triển ở Cuba, đây là vaccine đầu tiên trên thế giới phòng bệnh mãn tính qua đường mũi. “Ngày nay, khi đối mặt với COVID-19, chúng tôi tin rằng miễn dịch thông qua màng nhầy về mặt lý thuyết có thể đóng một vai trò lớn hơn về hiệu quả chống lại virus”.

 Khác với các nước đang phát triển khác, Cuba có ngành công nghệ sinh học và các phòng thí nghiệm mạnh. Kinh nghiệm về công nghệ sinh học vaccine của Cuba có lợi cho việc nghiên cứu phát triển vaccine phòng virus Corona chủng mới. Điều này cũng khiến Cuba trở thành đối tác hấp dẫn cho các dự án nghiên cứu. Ông José Moya, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) chỉ ra: “Gần 80% vaccine sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng Quốc gia Cuba do chính Cuba sản xuất. Đây chính là thực lực sản xuất vaccine của Cuba. Cuba có Viện Finlay và cũng có một lĩnh vực công nghệ sáng tạo khổng lồ".

Tiến sĩ Francisco Duran, Giám đốc dịch tễ học của Bộ Y tế Cuba cảnh báo: sẽ không có vaccine hiệu quả trên quy mô lớn trong thời gian ngắn, cần phải thực sự cầu thị...(Ảnh: cubanews.acn.cu)

“Chúng ta cần phải thực sự cầu thị”

Theo thông tin của báo chí, Cuba có thể tham gia sản xuất loại vắc xin "Sputnik-V" do Nga phát triển đang gây xôn xao dư luận. Tuần trước, Nga đã tuyên bố phát triển một loại vaccine phòng virus Corona mới, thu hút sự chú ý của quốc tế. Vì loại vaccine "Sputnik-V" này chưa trải qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III nên đã bị nhiều người nghi ngờ và chỉ trích. Tuy nhiên, Cuba sẽ không bỏ qua trình tự thẩm định phê duyệt, vì nhìn chung chính phủ Cuba tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của Tổ chức Y tế Thế giới.

Ông Kirill Dmitriev, chủ tịch Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), đơn vị tài trợ cho việc phát triển vaccine "Sputnik-V", cho biết trong một cuộc hội nghị trực tuyến: "Cuba có năng lực sản xuất vaccine tuyệt vời. Chúng tôi đang thảo luận việc sản xuất với nhiều người Cuba. Tôi tin rằng Cuba sẽ trở thành một trung tâm sản xuất vaccine quan trọng”. Ông Ditriyev chỉ ra rằng: “Nếu sự hợp tác của chúng tôi với chính phủ và các công ty Cuba diễn ra thuận lợi, dự kiến vaccine sẽ được sản xuất tại Cuba vào tháng 11 tới. Hiện tại hai bên cũng cần phải thương lượng chi tiết”.

Mặc dù Nga đã thông báo việc phát triển vaccine đã đạt được nhiều tiến bộ trong nghiên cứu vaccine trên khắp đất nước, nhưng ông Francisco Duran, Giám đốc dịch tễ học của Bộ Y tế Cuba cảnh báo rằng, sẽ không có vaccine hiệu quả trên quy mô lớn trong thời gian ngắn. Ông nói: “Chúng ta cần phải thực sự cầu thị” và chỉ ra rằng biện pháp phòng ngừa hiệu quả duy nhất hiện nay là “đeo khẩu trang, tuân thủ các quy định về vệ sinh và giữ khoảng cách với nhau”.