Cú lừa trên Twitter khiến 4.900 người không thể bỏ phiếu cho bà Clinton

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Douglass Mackey, một kẻ cựu hữu, bị cáo buộc phát tán những bức hình khiến nhiều người ủng hộ bà Hillary Clinton tưởng nhầm rằng họ có thể bỏ phiếu bằng tin nhắn trong năm 2016.
Kẻ phát tán thông tin giả mạo trên Twitter, Mackey, có thể đối mặt với án tù 10 năm (Ảnh: NYTimes)
Kẻ phát tán thông tin giả mạo trên Twitter, Mackey, có thể đối mặt với án tù 10 năm (Ảnh: NYTimes)

Người đàn ông chuyên thực hiện những cú lừa trên Twitter này đã bị bắt giữ trong hôm 27/1 vừa qua, và bị buộc tội phát tán thông tin giả trên mạng và lừa nhiều cử tri Dân chủ bỏ phiếu bằng điện thoại của họ thay vì đến điểm bỏ phiếu trong năm 2016.

Các công tố liên bang cáo buộc Douglas Mackey, 31 tuổi, tội cấu kết với những kẻ khác để phát tán meme trên Twitter nói rằng những người ủng hộ bà Hillary Clinton có thể bỏ phiếu bằng cách gửi tin nhắn tới một số điện thoại cụ thể.

Những kẻ đồng phạm không được nhắc tên trong vụ kiện, nhưng một trong số chúng là Anthime Gionet, một người cực hữu có biệt danh là “Baked Alaska”, người đã bị bắt giữ sau khi tham gia vụ bạo động trên Đồi Capitol hôm 6/1 vừa qua; theo New York Times.

Hậu quả của trò tung tin giả này, theo các công tố viên, là ít nhất 4.900 số điện thoại đã gửi tin nhắn để bỏ phiếu cho bà Clinton.

Mackey đã bị bắt giữ trong sáng hôm 27/1 tại West Palm Beach, Florida, trong một vụ án có thể coi là phát tán thông tin giả để chặn cử tri đầu tiên xảy ra trên Twitter.

“Với vụ bắt giữ Mackey, chúng tôi muốn cảnh báo rằng những kẻ muốn gây ảnh hưởng tới quy trình dân chủ theo cách này không thể hy vọng lẩn trốn trên không gian mạng, và phải chịu trách nhiệm cho tội của mình” – Seth DuCharme, quyền chưởng lý tại Brooklyn, nói.

Mackey, người đã được bảo lãnh với số tiền 50.000 USD, đối mặt với án tù lên tới 10 năm. Theo các công tố viên, chiến dịch thông tin giả của MacKey là nhằm gây ảnh hưởng để khiến nhiều người đi bỏ phiếu “theo hình thức không đúng về mặt pháp lý”.

Năm 2018, Mackey được phát hiện là chủ của một tài khoản Twitter có tên giả Ricky Vaughn, đăng tải thông tin ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump cùng lúc phát tán những thông tin mang hơi hướng dân tộc chủ nghĩa da trắng và bài Do Thái.

Tài khoản này có nhiều người theo dõi đến nỗi nó lọt vào danh sách 150 tài khoản ảnh hưởng lớn nhất tới kỳ bầu cử năm 2016 do M.I.T. Media Lab bình chọn, thậm chí vượt qua cả các tài khoản Twitter của các hãng tin như NBC News, CBS News.

Twitter đã đóng tài khoản này vào năm 2016, chỉ 1 tháng trước kỳ bầu cử, vì vi phạm các quy định của công ty. Vào thời điểm đó, tài khoản này có khoảng 58.000 người theo dõi. Chỉ 3 ngày sau, một đồng phạm của Mackey đã mở một tài khoản mới cho gã, và cũng nhanh chóng bị Twitter khóa; theo các công tố viên.

Hiện chưa rõ Mackey đã liên hệ như thế nào cho Gionet, kẻ cũng khá nổi tiếng trong số những nhà hoạt động dân tộc chủ nghĩa và cực hữu trên mạng xã hội. Một luật sư của Gionet đã từ chối đưa ra bình luận.

Mackey là một người dân đến từ bang Vermont, tốt nghiệp trường ĐH Middlebury. Gã từng làm công việc của một nhà kinh tế học tại công ty John Dunham & Associate, trụ sở ở Brooklyn trong vòng 5 năm, sau đó bị sa thải vào mùa Hè năm 2016; theo một đại diện của công ty này.

Bản cáo trạng nêu chi tiết về chiến lược phát tán thông tin giả của Mackey và 4 người đồng phạm. Trong các cuộc hội thoại nhóm riêng tư trên Twitter, những kẻ này đã thảo luận về cách gài những ảnh meme vào các đoạn hội thoại đang tạo xu hướng trên mạng, và thêm cả chú thích và màu sắc vào thông điệp để tạo thêm hiệu quả.

Âm mưu lừa đảo cử tri của nhóm này đã bắt đầu hình thành kể từ khi chúng chứng kiến một chiến dịch tương tự trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh năm 2016.

Từ đó, Mackey và đồng bọn đã tạo chiến dịch riêng của mình, chia sẻ nhiều bức ảnh hối thúc những cử tri ủng hộ bà Clinton đi bỏ phiếu cho bà vào Ngày bầu cử sử dụng một hashtag trên Twitter hoặc Facebook. Để giúp những hình ảnh này nhìn có vẻ hợp lệ, nhóm này đính thêm logo chiến dịch tranh của của bà Clinton và tạo liên kết với website chính thức của bà.

Một số meme mà nhóm này đăng tải dường như nhắm vào các cử tri da đen và gốc Latin. Một bức ảnh có hình một phụ nữ da đen đứng trước một tấm biển có nội dung ủng hộ bà Clinton, nói với nhiều người hãy bỏ phiếu cho bà Clinton bằng cách gửi tin nhắn đến một số điện thoại cụ thể. Mackey đã chia sẻ một hình ảnh tương tự có phần nội dung viết bằng tiếng Tây Ban Nha.

Vào thời điểm chưa đầy 1 tuần trước Ngày bầu cử năm 2016, Mackey đã gửi một thông điệp trên Twitter: “Rõ ràng chúng ta có thể chiến thắng ở Pennsylvania. Mấu chốt là phải tăng tỷ lệ những người da trắng không bằng cấp đi bỏ phiếu, và hạn chế người da đen đi bỏ phiếu”.

Thời điểm đó, Twitter mới bắt đầu gỡ bỏ những hình ảnh có thông tin sai lạc và chặn tài khoản của Mackey.