CTCK dự báo thế nào về chứng khoán Việt Nam năm Quý Mão 2023?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giới phân tích tỏ ra khá thận trọng về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2023, dự báo VN-Index cao nhất chỉ quanh ngưỡng 1.200 – 1.300 điểm.
Chứng khoán năm 2023 được dự báo thế nào?
Chứng khoán năm 2023 được dự báo thế nào?

Sau những thăng trầm trong năm 2022, thị trường chứng khoán năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều biến động khi những yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá và lãi suất có thể vẫn phải đối diện với những “cơn gió ngược”.

CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect) dự báo, thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ chia thành hai nửa, với đà tăng khá mong manh và không ổn định trong những tháng đầu nhưng sẽ vững chãi đà tăng từ giữa năm khi những áp lực về lãi suất, tỷ giá giảm bớt.

Theo VNDirect, năm 2022, VN-Index thất thủ phần nhiều trước tâm lý bi quan, hơn là do sức khỏe nội tại. “Chúng tôi dự báo chỉ số sẽ quay trở lại mức 1.300 – 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 – 12,5 lần”, báo cáo viết.

VNDirect cho rằng, rủi ro chủ yếu của thị trường vẫn là lạm phát không thể giảm xuống mức đủ để các ngân hàng trung ương nới lỏng. Ngược lại, thị trường sẽ khởi sắc hơn khi các chính sách tháo gỡ cho trái phiếu doanh nghiệp được thực thi quyết liệt, hay Việt Nam được nâng hạng sớm hơn dự kiến.

Đồng quan điểm rằng áp lực tỷ giá và tăng lãi suất vẫn còn cao trong năm 2023, báo cáo chiến lược của CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) còn nhấn mạnh rằng hệ thống tài chính sẽ chịu áp lực khá lớn từ trái phiếu doanh nghiệp khi một lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong năm tới trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, Mirae Asset cho rằng mức P/E hiện tại của VN-Index – hiện đang khoảng 10−11 lần – vẫn còn rất hấp dẫn, và hiện đang là mức thấp nhất trong lịch sử.

Theo nhóm phân tích, mức P/E của thị trường trong 2023 sẽ trở lại mức hợp lý vào khoảng 12−13 lần nhờ áp lực tăng lãi suất giảm dần, tâm lý thị trường được cải thiện và sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt sau khi Trung Quốc nới lỏng giãn cách.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thị trường chứng khoán đã phản ánh phần nhiều với những triển vọng tiêu cực nhất trong năm 2022 như Trung Quốc đóng cửa, căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, tốc độ tăng gấp lãi suất của FED, khủng hoảng thanh khoản hệ thống gây ra bởi các sự kiện trong nước.

Theo VDSC, nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng có thể vẫn phải đối diện với những con sóng ngược, ít nhất trong nửa đầu năm 2023. Lộ trình tăng lãi suất của FED, kinh tế thế giới suy thoái, và khả năng chống chịu của thanh khoản hệ thống khi lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý 2/2023 là những vấn đề cần lưu tâm.

VDSC dự báo, trong năm 2023, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 930 – 1.270 điểm. Giá trị khớp lệnh bình quân có thể duy trì ở mức 13.000 – 16.000 tỉ đồng/phiên.

Báo cáo chiến lược của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra góc nhìn lạc quan về thị trường chứng khoán năm nay.

Cụ thể, KBSV cho rằng thị trường sẽ có cơ hội mở rộng thêm đà hồi phục vào quý 1/2023, tiếp nối nhịp hồi phục từ cuối năm 2022, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào 2 động lực chính là Trung Quốc mở cửa và FED chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất sau kỳ họp tháng 3.

Tuy nhiên, quý 2 có thể là thời điểm các lo ngại suy thoái kinh tế gây áp lực lên thị trường toàn cầu khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có dấu hiệu suy yếu rõ ràng hơn. Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn cũng khiến rủi ro gia tăng và VN-Index đứng trước nguy cơ quay lại xu hướng điều chỉnh.

Theo KBSV, trong nửa cuối 2023, sự chú ý của thị trường sẽ tập trung vào khả năng nới lỏng chính sách của các ngân hàng trung ương lớn, cũng như mức độ suy thoái của kinh tế Mỹ và EU.

Trong kịch bản cơ sở, KBSV dự báo VN-Index tại thời điểm cuối năm 2023 có thể ở mức 1.240 điểm. Ngược lại, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index được dự báo giảm về mốc 880 điểm.

“Kịch bản cơ sở với một cuộc suy thoái nhẹ xảy ra, đủ để các ngân hàng trung ương đảo ngược chính sách trong khi không gây tổn thất quá lớn đến kinh tế toàn cầu. Theo đó, chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội hồi phục trở lại với động lực đến từ động thái nới lỏng chính sách, trong khi nền tảng vĩ mô trong nước duy trì ổn định”, KBSV nhận định./.