|
Cửa khẩu Tuy Phần Hà thuộc thành phố cùng tên hiện đang ở trong tình trạng báo động khẩn cấp về dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Đa Chiều). |
Hắc Long Giang xuất hiện các vụ lây nhiễm nghiêm trọng
Theo trang tin Đông Phương ngày 18/4, Bộ Chỉ huy chống dịch thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang ngày 17/4 đã thông báo, sau khi một nữ lưu học sinh họ Hàn lây bệnh cho một người đàn ông 87 tuổi họ Trần, hai người đã tới điều trị tại hai bệnh viện và gây lây nhiễm chéo khiến tổng cộng 43 người bao gồm các thày thuốc, người bệnh và người nhà bệnh nhân bị nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh không có triệu chứng. Vụ việc khiến 13 quan chức nhà nước, bao gồm giám đốc và phó giám đốc của một số bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm.
Ông Trần trước đó được đưa vào Khoa Đột quỵ não của Bệnh viện số 2 thành phố Cáp Nhĩ Tân và Khoa Hô hấp của Bệnh viện số 1 trực thuộc Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân điều trị cho đến khi được xác nhận nhiễm COVID-19 vào ngày 10/4. 3 y tá trong bệnh viện và ít nhất 10 bệnh nhân trong cùng phòng đã bị lây nhiễm. Sau khi các bệnh nhân khác bị lây nhiễm, người nhà của họ cũng bị lây bệnh khi đến bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân.
|
Bệnh viện số 1 Đại học Y khoa Cáp Nhỉ Tân nơi xảy ra vụ lây nhiễm tập thể nghiêm trọng (Ảnh: DF).
|
Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Liêu Ninh cùng ngày 17/4 thông báo, Trương Hoa, 46 tuổi, ở thành phố Phủ Thuận, đã cùng cha đến điều trị tại Bệnh viện số 1 của Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân và ở lại viện chăm sóc; sau khi trở về Phủ Thuận thì bị xác nhận nhiễm bệnh. Chuỗi lây nhiễm đã lan rộng xuyên tỉnh. Cho đến nay, đã có 26 bệnh nhân COVID-19 được xác nhận và 17 bệnh nhân bị lây nhiễm nhưng không có triệu chứng trong vụ lây nhiễm chéo nghiêm trọng này.
Về để xảy ra vụ việc này, ông Từ Dũng, Giám đốc Bệnh viện số 2 thành phố Cáp Nhĩ Tân, đã bị cách chức; Lý Hồng Vĩ, phó giám đốc, và Quan Ngọc Cường, Phó trưởng phòng Y vụ, đã bị cảnh cáo nghiêm khắc, 2 Phó giám đốc của Bệnh viện Số 1 trực thuộc của Đại học Y khoa cũng bị cảnh cáo nghiêm khắc và ghi hồ sơ...
Ngoài ra, Ủy ban Y tế và Sức khỏe của tỉnh Hắc Long Giang sáng 1/4 cho biết, trong 24 giờ qua tỉnh này đã ghi nhận 20 trường hợp bị bệnh mới được xác nhận, trong đó có 7 trường hợp người bản địa ở Cáp Nhĩ Tân và 13 bệnh nhân nhập cảnh Trung Quốc từ Nga.
|
Nhân viên cửa khẩu chỉnh lý hồ sơ người nhập cảnh (Ảnh: DF).
|
Ngày 17/4, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh ủy Hắc Long Giang thông báo, thành phố Cáp Nhĩ Tân đã có thêm 26 ca bệnh và 19 trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng được ghi nhận kể từ ngày 9/4 là do lãnh đạo thành phố nảy sinh “tinh thần mệt mỏi, tâm lý cầu may, chủ nghĩa hình thức, quan liêu” khiến xuất hiện các ổ dịch và lây nhiễm chéo trong các bệnh viện ở thành phố Cáp Nhĩ Tân.
Thông báo nói, vì lý do này, các ông Trần Viễn Phi, phó thị trưởng Cáp Nhĩ Tân, Phó chỉ huy trưởng Tổ lãnh đạo công tác phòng dịch thành phố; Đinh Phùng Chu, Bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban y tế và sức khỏe thành phố, cùng 16 người khác đã bị xử lý kỷ luật.
Ngày 17/4, một cuộc hội nghị truyền hình đã được tổ chức tại tỉnh Hắc Long Giang. Ông Trương Khánh Vĩ, Bí thư tỉnh ủy, thừa nhận đã tình hình dịch bệnh đã phục hồi ở Cáp Nhĩ Tân và những nơi khác. Thành ủy Cáp Nhĩ Tân, chính quyền thành phố và Đại học y khoa Cáp Nhĩ Tân đã phải kiểm điểm bằng văn bản gửi tới tỉnh ủy và chính quyền tỉnh.
Thành phố Tuy Phần Hà đã ở trong tình trạng báo động
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 17/4, ông Cao Phúc, giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc (CDC), cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CGTN: “Tình trạng của Tuy Phần Hà hiện đã đáng báo động” và “ở vào tình trạng báo động khẩn cấp”. Nhưng ông cũng tuyên bố: “Chúng tôi đã sẵn sàng”.
|
Thành phố Tuy Phần Hà hiện đã bị tái phong tỏa (Ảnh: Heilongjiang Daily).
|
CDC Trung Quốc hiện đã cử một đội xét nghiệm virus Corona mới đến Tuy Phần Hà. Số lượng xét nghiệm hàng ngày có thể đạt tới 1.000 mẫu và sẽ được tăng cường khi cần thiết. Đồng thời, các đội y tế khẩn cấp ở bên ngoài Hắc Long Giang cũng sẽ được tăng viện để hỗ trợ khi cần thiết.
Thành phố Tuy Phần Hà, thuộc tỉnh Hắc Long Giang ở biên giới Trung-Nga, đã áp dụng các biện pháp đóng cửa, quản lý khép kín. Thành phố nhỏ với dân số chỉ 70.000 người này đã phải đối mặt với áp lực lớn từ các ca bệnh nhập cảnh trong vài tuần qua.
Tính đến 24h00 ngày 16/4, tổng số có 362 trường hợp được xác nhận bị bệnh đã được nhập cảnh Tuy Phần Hà. Ngoài ra còn có 5 trường hợp nghi nhiễm và 47 trường hợp dương tính nhưng không triệu chứng; 1.337 người đang được theo dõi y tế.
Trước đó, tối 13/4, quyền Thị trưởng Tuy Phần Hà Vương Vĩnh Bình khi trả lời phỏng vấn CCTV đã nói, đến thời điểm đó, đã có 243 người nhập cảnh qua cửa khẩu Tuy Phần Hà được xác nhận bị bệnh và 102 ca nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng cùng 8 ca nghi nhiễm; ngoài ra 1.479 người đang bị cách ly theo dõi.
Tuy Phần Hà cũng đã khẩn cấp thành lập một bệnh viện cabin vuông, dự kiến sẽ sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân không có triệu chứng, những bệnh nhân nhẹ sẽ được đưa vào các bệnh viện khác trong thành phố. Bệnh nhân có triệu chứng nặng sẽ được chuyển đến thành phố Mẫu Đơn Giang, cách đó hơn 100 km để điều trị.
Nhiều nhân viên y tế vừa mới rút khỏi tỉnh Hồ Bắc trong những ngày gần đây cũng đã được phái đến tỉnh Hắc Long Giang để đối phó với một đỉnh dịch bệnh mới khác.
|
Thông báo tại sân bay Hải Khẩu (Hải Nam) coi Vũ Hán, Mãn Châu Lý, Tuy Phần Hà, Việt Tú, Bảo An, Yết Dương là những vùng có dịch (Ảnh: DF).
|
Vũ Hán vẫn còn 1 cộng đồng dân cư bị coi là “khu vực có nguy cơ trung bình”
Theo trang tin Đông Phương, thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh hiện đã bỏ phong tỏa, ngày 17/4, Bộ Chỉ huy phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hồ Bắc ra thông báo: tất cả các huyện, thị trong toàn tỉnh hiện đã không còn khu vực nguy cơ cao nào, nhưng Vũ Hán vẫn còn một khu vực nguy cơ trung bình. Theo đánh giá của các chuyên gia CDC tỉnh Hồ Bắc thì 75 huyện, thị trong tỉnh đã là các khu vực nguy cơ thấp; riêng Vũ Hán có 13 quận thì 12 là khu vực nguy cơ thấp, còn 1 nơi duy nhất thuộc loại khu vực nguy cơ trung bình là quận Kiều Khẩu.
6 quận, huyện ở tỉnh Quảng Đông bị coi là “vùng dịch”, nhiều nơi siết quản lý
Theo Đông Phương ngày 18/4, hiện nay các tỉnh và thành phố khác đã coi 6 quận, huyện ở Quảng Đông như Bạch Vân, Việt Tú ở thành phố Quảng Châu và quận Bảo An, thành phố Thâm Quyến là “khu vực dịch bệnh”. Những người đã đến các nơi này trong vòng 14 ngày đều phải khai báo riêng và mọi hành khách đến từ Quảng Châu đều bị coi là đối tượng phòng ngừa và kiểm soát trọng điểm.
Tỉnh Hải Nam ngày 14/4 đã ban hành “Thông báo về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh ngoại nhập”, trong đó nêu rõ, các thành phố Tuy Phần Hà ở Hắc Long Giang, thành phố Mãn Châu Lý ở Nội Mông, thành phố Yết Dương tỉnh Quảng Đông và quận Việt Tú ở Quảng Châu là các khu vực dịch bệnh nguy cơ cao và trung bình. Bất cứ ai có tiền sử đến các nơi đó trong vòng 14 ngày đều phải trình kết quả xét nghiệm axit nucleic tại địa phương trong vòng 7 ngày gần nhất và xác nhận rằng họ được xác nhận âm tính thì mới được nhập cảnh Hải Nam.
|
Thông báo ở Thành Đô nói những người đến từ các vùng có dịch Vũ Hán, Quảng Châu và nước ngoài nhập cảnh đều phải chủ động khai báo và bị cách ly tại nhà 14 ngày (Ảnh: DF).
|
Thành phố Ngân Xuyên, Ninh Hạ, cũng áp dụng cách ly theo dõi y tế 14 ngày đối với du khách đến từ Vũ Hán và Quảng Châu. Một cộng đồng ở Thành Đô, Tứ Xuyên, cũng thông báo nói, những người trở về từ “các khu vực dịch bệnh bùng phát như Vũ Hán, Quảng Châu và nước ngoài) cần phải chủ động báo cáo và cách ly tại nhà trong 14 ngày”.
Theo Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc, tình hình dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc đã giảm, nhưng vùng Đông Bắc đã bước vào tình trạng khẩn cấp. Tính đến ngày 17/4, các địa phương cả nước đã báo cáo có 27 ca bệnh mới được xác nhận, trong đó 17 trường hợp nhập cảnh và 10 trường hợp là người bản địa (7 ở Hắc Long Giang, Quảng Đông 2 và 1 trường hợp ở Tứ Xuyên), 5 trường hợp nghi nhiễm mới, tất cả đều được nhập từ nước ngoài (3 ở Thượng Hải, 2 ở Hắc Long Giang).