COVID-19: Nhật Bản sắp ban bố tình trạng khẩn cấp, có thể kéo dài 6 tháng

VietTimes -- Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp bắt đầu từ ngày 7/4 trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới. Chính quyền Tokyo cũng chuẩn bị công bố gói kích thích nhằm giảm nhẹ tầm ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, tránh một cuộc suy thoái.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể ban bố tình trạng khẩn cấp trong ngày 7/4 (Ảnh: Reuters)

Hơn 3.500 người đã xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới ở Nhật Bản, trong khi con số tử vong đã lên tới 85. Mặc dù con số này chưa thể so sánh với một số “điểm nóng” dịch COVID-19 trên thế giới, nhưng lại tăng đều theo từng ngày và tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở thủ đô Tokyo, nơi ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm.

Theo tờ báo Yomiuri, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có khả năng sẽ ban bố lệnh khẩn cấp sớm hơn, trong khi hãng thông tấn Kyodo nói rằng các biện pháp mới có thể có hiệu lực bắt đầu từ ngày 8/4.

Tình trạng khẩn cấp sẽ trao quyền cho các Thị trưởng được ra chỉ thị người dân ở trong nhà, đóng cửa các cơ sở kinh doanh, nhưng không được phép ra lệnh phong tỏa như ở một số quốc gia khác. Đối với đa số trường hợp, chính quyền sẽ không áp dụng những hình phạt cho người vi phạm các chỉ thị, thay vào đó dựa vào ý thức và sự tôn trọng chính quyền của người dân.

Sức ép ngày càng tăng đối với chính quyền của Thủ tướng Abe phải đưa ra hành động, mặc dù ông vẫn nêu quan ngại về việc đưa ra các biện pháp quá hấp tấp, đặc biệt là về chỉ thị hạn chế di chuyển và đóng cửa cơ sở kinh doanh bởi chúng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của người dân.

Ngoài tình trạng khẩn cấp, một gói kích thích kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD dự kiến sẽ được chính quyền Tokyo công bố trong tuần này. Tuy nhiên, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Theo quan sát, việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản. Một cuộc thăm dò do hãng JNN – thuộc đài TBS – công bố hôm đầu tuần này cho thấy 80% những người cho ý kiến nói rằng Thủ tướng Abe nên ban bố tình trạng khẩn cấp, trong khi 12% nói rằng điều đó không cần thiết. Tỷ lệ ủng hộ ông Abe đã giảm 5,7 điểm so với tháng trước xuống còn 43,2%.

Ông Kenji Shibuya, Giám đốc Viện Y tế công thuộc ĐH King, London, cho rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản là quá chậm trễ, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh ở thủ đô Tokyo. “Đáng lẽ ra phải ban bố tình trạng khẩn cấp ngay vào ngày 1/4”, ông nói.

Một người đàn ông mang khẩu trang đi bộ ở khu Ginza, thủ đô Tokyo, Nhật Bản (France24)

Đánh hồi chuông cảnh báo về số người nhiễm COVID-19 không thể truy rõ nguồn gốc, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike hồi tuần trước chỉ ra rằng bà muốn chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp như một cách để giúp người dân tăng cường thực thi biện pháp giãn cách xã hội.

Một chuyên gia trong ủy ban chống dịch COVID-19 của chính phủ nói rằng Nhật Bản có thể tránh được mức tăng đột biến số ca nhiễm bằng cách giảm sự tiếp xúc giữa người với người tới 80%.

Theo một đạo luật được sửa đổi trong tháng 3 vừa qua nhằm chặn dịch COVID-19, Thủ tướng có thể ban bố tình trạng khẩn cấp nếu như bệnh dịch gây ra “mối đe dọa sống còn” đối với cuộc sống của người dân và nếu sự lây lan của dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế nước nhà.

Chính phủ Nhật Bản có khả năng sẽ áp dụng tình trạng khẩn cấp đối với Vùng thủ đô Tokyo (Greater Tokyo) và có thể là cả tỉnh Osaka và Hyogo ở phía Tây nước này; giới truyền thông cho hay. Đài TBS nói rằng chính phủ đang cân nhắc về khoảng thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp là 6 tháng, và các tỉnh được áp dụng  sẽ tự quyết định khoảng thời gian thực thi các biện pháp.

Mặc dù số ca nhiễm ở Nhật Bản rất nhỏ nếu so với 335.000 can nhiễm và hơn 9.500 ca tử vong ở Mỹ, nhưng giới chuyên gia lo ngại rằng số bệnh nhân tăng đột biến có thể khiến cho hệ thống y tế Nhật bị quá tải.

Cuối tuần trước, Thị trưởng Tokyo và một số thành phố khác đã yêu cầu người dân ở trong nhà, tránh đi tới những nơi đông người, tránh ra đường vào buổi tối và làm việc tại nhà. Biện pháp này mang lại chút hiệu quả, nhưng không kỳ vọng của giới chuyên gia.