COVID-19: Kế hoạch mở cửa của chính phủ Anh bị chỉ trích là “nguy hiểm và vô đạo đức”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hơn 4.000 nhà khoa học, bác sĩ, y tá và các chuyên gia khác đã ký một bức thư phản đối kế hoạch gỡ bỏ phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch của chính phủ Anh vào ngày 19/7.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt câu hỏi: "Không mở cửa trong vài tuần tới thì khi nào?" (Ảnh: iNews)
Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt câu hỏi: "Không mở cửa trong vài tuần tới thì khi nào?" (Ảnh: iNews)

“Chúng tôi tin rằng quyết định này là nguy hiểm và quá sớm”, họ viết trong một bức thư gửi tới tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet.

“Chính phủ Anh cần phải cân nhắc lại chiến lược hiện tại của họ và đưa ra các bước đi khẩn cấp để bảo vệ người dân, trong đó có trẻ em. Chúng tôi tin rằng chính phủ đang thực hiện một thí nghiệm nguy hiểm và vô đạo đức, và chúng tôi kêu gọi chính phủ ngừng ngay kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát vào ngày 19/7/2021” – họ nói thêm.

Nhóm này cũng chỉ ra rằng, chính phủ Anh nên trì hoãn kế hoạch tái mở cửa cho đến khi tất cả mọi người được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao. Cho đến khi đạt được điều đó, các biện pháp y tế công cần phải bao gồm cả các biện pháp mà WHO khuyến cáo (đeo khẩu trao ở trong không gian kín, ngay cả khi đã được tiêm vaccine).

Bức thư, ban đầu chỉ có chữ ký của vài chục nhà nghiên cứu, nay đã thu được hơn 4.200 chữ ký trên mạng.

“Chính phủ đã đưa ra lựa chọn mở cửa khiến trẻ em có nguy cơ bị lây nhiễm hàng loạt, thay vì bảo vệ chúng trong trường học và tiêm vaccine” – Tiến sĩ Deepti Gurdasani, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại ĐH Queen Mary, người tổ chức viết bức thư trên, nói – “Đây là hành động vô đạo đức và không thể chấp nhận được”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đó tuyên bố rằng các biện pháp hạn chế chặn COVID-19 sẽ được gỡ bỏ vào ngày 19/7, đồng thời gọi ngày này là “Ngày Tự do” và thêm rằng: “Nếu chúng ta không thể mở cửa trong vài tuần tới… vậy thì khi nào mới có thể?”.

Ông Johnson nói rằng, quyết định cuối cùng về việc “mở cửa” nước Anh sẽ được đưa ra vào ngày 12/7, sau khi xem xét các dữ liệu mới nhất về dịch bệnh.

Như một phần trong kế hoạch gỡ bỏ, sẽ có sự chuyển dịch từ hạn chế pháp lý sang trách nhiệm cá nhân, ông Johnson nói. Điều này có nghĩa là gỡ bỏ các điều luật về đeo khẩu trang, giãn cách xã hội hay chỉ thị làm việc tại nhà.

Các biện pháp hạn chế phòng dịch ở Anh hiện bao gồm duy trì khoảng cách an toàn khoảng hơn 1 m, sử dụng các sản phẩm khẩu trang ở những nơi đông người và khi tham gia giao thông công cộng, hạn chế số lượng người tham gia đám cưới và tang lễ, đóng cửa các hộp đêm, đo thân nhiệt những người ra/vào quán cà phê và nhà hàng.

Các chuyên gia bệnh dịch học đã kêu gọi chính phủ Anh áp dụng những chính sách khôn khéo hơn, như đeo khẩu trang và đầu tư tiền mua máy lọc không khí lắp trong trường học và công sở, cùng lúc chờ đợi thêm đến khi tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn… trước khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

“Ngược lại với những tuyên bố mà các nhà khoa học thuộc chính phủ đưa ra, không hề có sự đồng thuận về khoa học đối với kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp chống dịch vào ngay 19/7. Ngược lại, có sự bất đồng sâu sắc” – biên tập viên của Lancet, Tiến sĩ Richard Horton nói trong một tuyên bố.

Hiệp hội Y khoa Anh cũng lên tiếng phản đối kế hoạch của chính phủ.

Trong hôm 7/7, một quan chức cấp cao của WHO đã kêu gọi sự cảnh giác cao độ khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19. “Chúng tôi yêu cầu chính phủ các nước không để mất những gi đã đạt được ở thời điểm này”, Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói.

Không chỉ đích danh một nước cụ thể, ông Ryan nói rằng sẽ là “nhận định nguy hiểm” khi cho rằng các quốc gia đã tiêm chủng một bộ phận lớn dân số của họ có thể kiểm soát được tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19.

Theo chính phủ Anh, 86,4% người lớn ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19 và 64,6% đã được tiêm đầy đủ.

Trong hôm 7/7, Anh tiếp tục ghi nhận thêm 32.000 ca nhiễm mới COVID-19, mức tăng mạnh trong tháng này. Anh từng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nền nhất do COVID-19 ở châu Âu, với hơn 128.000 ca tử vong và gần 5 triệu ca nhiễm.