Công ty vỏ bọc: Không bất hợp pháp, cũng chẳng tốt đẹp!

Việc nhiều cá nhân và tổ chức ở Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama đã gây xôn xao dư luận trong nước suốt tuần qua.
Công ty vỏ bọc: Không bất hợp pháp, cũng chẳng tốt đẹp!

Nhiều người đã lên tiếng đặt dấu hỏi về sự trong sạch của những cá nhân và tổ chức này, trong khi nhiều người khác thì tỏ ra công tâm hơn, với quan điểm có tên trong hồ sơ này không đồng nghĩa với phạm pháp.

Vậy nên nhìn nhận vụ việc này thế nào?

Điều làm đa phần dư luận trong và ngoài nước “dị ứng” nhất với những cá nhân và tổ chức sở hữu và/hoặc quản lý các công ty vỏ bọc (shell company) là các công ty này chỉ tồn tại trên giấy, không có trụ sở làm việc, không có tài sản, không nhân viên, mà cũng chẳng có một ngành nghề kinh doanh cụ thể nào. Chủ sở hữu thực sự của công ty thậm chí có thể dùng các chi tiết cá nhân của một người khác khi đăng ký thành lập công ty để đảm bảo tính riêng tư, bảo mật, che giấu sự liên quan của mình với công ty. Các công ty này thường được đăng ký tại địa chỉ của một công ty làm dịch vụ thành lập những công ty vỏ bọc tại một quốc gia hoặc lãnh thổ được gọi là “thiên đường thuế” như Bahamas, Bermuda, Cook, quần đảo Cayman, Panama, Jersey, quần đảo Virgin...

Chưa hết, người ta cũng có thể dễ dàng mua lại một công ty vỏ bọc khác có lịch sử “hoạt động” từ vài năm trước. Khi hoạt động dưới vỏ bọc của công ty có “thâm niên” này, người chủ của nó sẽ gặp thuận lợi hơn trong nhiều giao dịch, ví dụ như vay vốn. Việc vay vốn sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu dưới tư cách của một công ty mới được thành lập tuần trước, tháng trước... Nếu người chủ của nó là tội phạm thì việc sở hữu công ty như vậy sẽ làm mờ dấu vết tội phạm của người này.

“Công dụng”


Sự tồn tại của các công ty vỏ bọc và việc sử dụng chúng cho một mục đích nào đó thường chỉ có hại, hoặc chí ít thì chẳng tốt đẹp gì, nếu nhìn từ lợi ích quốc gia và trật tự xã hội.

Mặc dù là hợp pháp song do tính chất “ma” như trên, các công ty vỏ bọc dễ bề được sử dụng cho những hành vi phạm pháp nên dù chưa bị “lộ” thì các công ty vỏ bọc này và các ông chủ của chúng vẫn thường có hình ảnh rất xấu và phản cảm trong con mắt của dư luận. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chưa biết thực hư thế nào nhưng khi Hồ sơ Panama xuất hiện, nó đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình đây đó trên thế giới đòi các quan chức có tên trong hồ sơ này từ chức ngay lập tức.

Mục đích chủ yếu đầu tiên các công ty vỏ bọc là để tránh thuế. Bằng các thủ thuật kế toán để chuyển giá, các công ty xuyên quốc gia thường xuyên chuyển lợi nhuận về các công ty vỏ bọc ở các thiên đường thuế nhằm tránh phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp ở những nước có mức thuế lên tới vài chục phần trăm, trong đó có Việt Nam.

Tuy không ít người ở trong và ngoài nước cho rằng hành vi này không phải là bất hợp pháp nhưng thực tế thì những nước như Mỹ đã và đang tìm cách truy thu hàng tỉ đô la tiền thuế mà những doanh nghiệp đã “né” được bấy lâu nay. Điều tương tự cũng đang được quyết tâm thực hiện ở Việt Nam khi ai cũng thấy một điều hiển nhiên vô lý là các công ty lớn, kể cả công ty đa quốc gia, liên tục tăng trưởng doanh thu và mở rộng hoạt động nhưng hầu như báo lỗ để không phải trả một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào tại Việt Nam.

Mục đích thứ hai của các công ty vỏ bọc là che giấu tài sản ở dưới dạng, ví dụ, bất động sản ở nước ngoài, hay tài khoản tại Thụy Sỹ. Che giấu sự sở hữu những tài sản này không chỉ nhằm trốn thuế, tránh thuế, mà còn để trốn tránh những quy định và luật lệ khác tại nơi cư trú như luật lệ về phòng chống tội phạm, luật lệ về công khai hóa và minh bạch tài sản, hay các luật lệ về tài chính.

Người chủ thực sự của những tài sản này có thể là một quan chức chính phủ nhưng vì không muốn để lộ danh tính thực nên trên giấy tờ pháp lý thì những tài sản này là thuộc sở hữu của một công ty vỏ bọc. Khi người ta muốn khám phá sâu hơn nữa người chủ thực sự của công ty này là ai thì sẽ vấp phải bức tường bảo mật. Hành vi che giấu một cái gì đó thì không hẳn là phạm pháp hay đáng lên án. Nó chỉ trở thành hành vi phạm pháp khi các cơ quan chức năng chứng minh được sự dính dáng trực tiếp giữa quan chức này với công ty vỏ bọc đó, hay thông qua một loạt mối liên hệ nhằng nhịt với các công ty vỏ bọc khác để không phải khai báo và chịu sự chế tài của các luật lệ và quy định ở nơi cư trú.

Mục đích thứ ba của việc sử dụng công ty vỏ bọc là lợi dụng khe hở pháp luật trong đầu tư nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà, ví dụ, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc từ Hồng Kông luôn chiếm một tỷ trọng lớn. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều người từ Trung Quốc chuyển tiền sang công ty vỏ bọc mở ở Hồng Kông để rồi đầu tư ngược lại vào Trung Quốc dưới tư cách là nhà đầu tư nước ngoài nhằm hưởng những ưu đãi mà chính quyền Trung Quốc dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Mục đích thứ tư, và không nhất thiết là mục đích cuối cùng, là giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro pháp lý khi đầu tư vào những nước có hệ thống pháp luật yếu kém. Giả sử nhà đầu tư nước ngoài có một liên doanh ở Việt Nam với đối tác là một pháp nhân Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại rằng khi có tranh chấp thì tòa án địa phương sẽ ra phán quyết ưu ái hơn cho đối tác Việt Nam. Để tránh tình trạng này, nhà đầu tư nước ngoài mở một công ty vỏ bọc ở quần đảo Virgin thuộc Anh được điều chỉnh bởi luật pháp của Anh.

Tác động

Điểm qua bốn “công dụng” chính nói trên của các công ty vỏ bọc tại các thiên đường thuế thì thấy chỉ có mục đích thứ tư là có ý nghĩa tương đối tích cực, nhưng tất nhiên là đối với cá nhân nhà đầu tư. Còn ba mục đích còn lại thì không chỉ làm lợi cho cá nhân mà, ngược lại, thậm chí là phạm pháp và/hoặc có ý nghĩa rất tiêu cực với quốc gia, với xã hội. Quốc gia mất đi một nguồn thu thuế lớn. Giới tội phạm và gian lận có một công cụ đắc lực để rửa tiền, che giấu tài sản (có được từ các hành vi phạm pháp). Xã hội thì thêm phân hóa bởi bất bình đẳng giàu nghèo giãn rộng, giới có thu nhập cao ngày càng giàu hơn một phần bởi những hành vi cả phạm pháp lẫn hợp pháp thông qua các công ty vỏ bọc.

Cần làm gì?

Tóm lại, mặc dù hoàn toàn có thể là hợp pháp nhưng rõ ràng sự tồn tại của các công ty vỏ bọc và việc sử dụng chúng cho một mục đích nào đó thường chỉ có hại, hoặc chí ít thì chẳng tốt đẹp gì, nếu nhìn từ lợi ích quốc gia và trật tự xã hội.

Quay trở lại với các trường hợp bị nêu danh tính ở Việt Nam. Một số cá nhân liên đới đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định sự dính líu của mình với các công ty vỏ bọc là... bình thường, kèm theo đó là một số phân bua, biện bạch.

Tuy cần giữ thái độ thận trọng cần thiết, nhưng các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần khẩn trương làm việc với từng cá nhân và tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama để làm rõ động cơ và lịch sử những giao dịch của họ liên quan đến các công ty vỏ bọc.

Cũng cần nói thêm về một số kiến giải và khuyến nghị xem ra có phần “chệch hướng” của một số chuyên gia. Nhiều người đề nghị hướng điều tra tập trung vào chuyện chuyển tiền ra nước ngoài, xem đó có phải là đầu tư, kinh doanh hay không, hay tiền gửi có hợp pháp hay không, có vi phạm các quy định quản lý ngoại hối hay không...

Khi có giao dịch chuyển tiền chính thống (qua ngân hàng), các khoản tiền này phải là hợp pháp mới chuyển được. Vấn đề đáng nói là mục đích thật sự chứ không phải là mục đích danh nghĩa của các khoản tiền được chuyển đã khai báo. Ví dụ, mục đích thật sự là tẩu tán tài sản thông qua một giao dịch chuyển tiền thanh toán hóa đơn nhập khẩu hoàn toàn hợp pháp cho một nhà xuất khẩu là một công ty “ma” ở Cayman. Làm sao để phát hiện ra và chứng minh được mục đích thật sự này mới là việc khó và cơ quan chức năng Việt Nam cần phải làm. Cần tránh những tuyên bố và khẳng định thiếu thuyết phục như “hiện nay, các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ các quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam đối với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài...” nên có thể... yên tâm!

Theo TBKTSG