Công an Hà Nội khẳng định tàng trữ sách lậu, sách giả có dấu hiệu hình sự

VietTimes – Công an Hà Nội vừa ra văn bản khẳng định vụ tàng trữ hơn 40.000 cuốn sách lậu, sách giả có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự.
Số lượng lớn sách giả, sách lậu tàng trữ, tiêu thụ tại Hà Nội (Ảnh: FNS)

Sau khi Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội kiểm tra, thu giữ hơn 40.000 cuốn sách lậu, sách giả tại nhà số 3 ngõ 89, Ngô Thì Sỹ và kho thuê ở Nhà văn hóa tổ dân phố 9, thuộc phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội hôm 8/1/2021, Công ty Văn hoá sáng tạo First News - Trí Việt (TP.HCM) có đơn đề nghị Công an Hà Nội khởi tố hình sự vụ việc

Qua điều tra và khám xét, toàn bộ số tang vật bị thu giữ khoảng gần 15 tấn, với tổng cộng hơn 40.000 cuốn sách bị làm giả, thuộc hơn 50 đầu sách của nhiều đơn vị phát hành tên tuổi như First News - Trí Việt, Alphabooks, Nhã Nam… Được biết, tại thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Khoái - chủ của hai kho sách trên - đã không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ nào để chứng minh cửa hàng đủ điều kiện in ấn và phát hành sách. Ngoài ra, bà Khoái cũng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số sách nói trên.

Tiếp nhận đơn của First News – Trí Việt, văn bản phản hồi của Công an Thành phố Hà Nội, do Thượng tá Ngô Xuân Hải ký, khẳng định nhận thấy hành vi kinh doanh của bà Nguyễn Thị Khoái có dấu hiệu vi phạm các quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015, ngày 10/3/2021, Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an Thành phố Hà Nội đã phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội chuyển toàn bộ hồ sơ, cùng tang vật tạm giữ của vụ việc trên cho Phòng An ninh điều tra – Công an Hà Nội tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Văn bản của Công an Hà Nội vừa được chuyển tới First News - Trí Việt

Về thực trạng buôn bán sách lậu, sách giả trên thị trường, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam cho rằng đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng, vì sách giả vi phạm Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, làm thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời gây tổn hại nặng nề cho tác giả và những người làm sách chân chính.

“Theo tôi để xử phạt thích đáng hành vi in, tàng trữ, lưu hành sách lậu, sách giả, phải kết hợp với các hình thức xử lý hình sự như cải tạo không giam giữ , hay phạt tù đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, theo điều 192 của Bộ luật hình sự 2015; tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định hướng dẫn tại Điều 225 Bộ Luật hình sự 2015; hay hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam tại Điều 226 Bộ Luật hình sự 2015. Phải kết hợp xử lý hình sự theo các điều khoản vừa nêu trên thì mới có khả năng ngăn chặn hữu hiệu hành vi sản xuất, buôn bán sách giả đang ngày càng nghiêm trọng như hiện nay”, ông Lê Hoàng chia sẻ.

Sách giả được thu giữ, chở lên cơ quan Công an Hà Nội (Ảnh: FNS)

Sách giả lộng hành là vấn nạn nhức nhối nhiều năm qua trong ngành xuất bản sách và chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Nhiều đơn vị từng bị phát hiện về hành vi kinh doanh và tiêu thụ sách giả, sau khi bị xử phạt hành chính vẫn tiếp tục buôn sách giả, đôi khi với mức độ lớn hơn nhiều lần. Hi vọng vụ việc lần này sẽ được giải quyết thỏa đáng, tạo tiền đề để đủ sức răn đe những ai đang có hành vi tàng trữ và buôn bán sách giả, sách lậu tại thị trường Việt Nam.