Con rể ông Donald Trump muốn biến tòa nhà từng bị NATO ném bom thành khách sạn triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một nhóm đầu tư do Jared Kushner đứng đầu đã đạt được thỏa thuận xây dựng một khách sạn trị giá 500 triệu USD ở Serbia.

Phần còn lại của tòa nhà Bộ Quốc phòng ở Belgrade từng bị NATO ném bom năm 1999, ảnh chụp vào ngày 23/3/2015 (Ảnh: Getty)
Phần còn lại của tòa nhà Bộ Quốc phòng ở Belgrade từng bị NATO ném bom năm 1999, ảnh chụp vào ngày 23/3/2015 (Ảnh: Getty)

Con rể của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Jared Kushner, và một cựu trợ lý Nhà Trắng khác đã ký hợp đồng với chính phủ Serbia để phát triển một khách sạn sang trọng trên địa điểm khu phức hợp quân sự từng bị NATO ném bom năm 1999.

Hôm 15/5, Belgrade đã ký một hợp đồng cho thuê 99 năm với Affinity Global Development, một công ty đầu tư có liên quan tới Kushner, tự hào có những bên hậu thuẫn lớn như quỹ tài sản nhà nước của Arab Saudi.

Hợp tác với Richard Grenell, người từng giữ chức vụ quyền giám đốc tình báo quốc gia trong chính quyền Trump, ông Kushner có kế hoạch chuyển đổi trụ sở quân đội Nam Tư cũ bị hư hại nặng nề thành một khách sạn trị giá 500 triệu USD.

Grenell, vào năm 2019 khi còn là đại sứ tại Đức và đang làm đặc phái viên tại Balkan, ông lần đầu tiên đề nghị các nhà đầu tư Mỹ tái phát triển khu tổ hợp quân đội bị ném bom. Kushner, người cũng có kế hoạch xây dựng các dự án khách sạn sang trọng ở nước láng giềng Albania, cho biết việc tái phát triển sẽ “nâng cao hơn nữa Belgrade để nó trở thành điểm đến quốc tế hàng đầu”.

Dự án ở Serbia sẽ bao gồm nhiều căn hộ và không gian bán lẻ cũng như đài tưởng niệm những người thiệt mạng trong chiến dịch ném bom của NATO. Thỏa thuận kêu gọi tái phát triển khu vực gồm 3 khối nhà và chia sẻ lợi nhuận với chính phủ Serbia. Chính phủ sẽ giữ quyền sở hữu địa điểm và sẽ vô hiệu hóa hợp đồng thuê nếu việc phát triển không hoàn thành đúng thời hạn.

Các chính trị gia của đảng đối lập đã dẫn đầu một cuộc biểu tình phản đối liên doanh trong hôm 16/5, trưng bày các biểu ngữ có nội dung: “Hãy ngừng trao trụ sở quân đội của Mỹ cho các công ty hải ngoại của Mỹ như một món quà”. Nhà lập pháp Dragan Jonic, người tham dự cuộc biểu tình, nói với các phóng viên: “Ai đó đang cố gắng dọn dẹp mớ hỗn độn mà họ đã gây ra, và họ không phải là những người nên đến nơi này”.

Một quan chức Serbia đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận với Kushner-Grenel, nói trong một tuyên bố rằng “chính phủ Serbia đã chọn một công ty có uy tín của Mỹ làm đối tác trong liên doanh này, công ty sẽ đầu tư vào việc hồi sinh tổ hợp Quốc phòng Quốc gia trước đây”.

Quỹ đầu tư của Kushner chủ yếu được tài trợ bởi những bên ủng hộ nước ngoài, bao gồm các nhà đầu tư ở Israel, Đức và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Các nhà phê bình cho rằng các dự án như khách sạn Serbia có thể tạo ra xung đột lợi ích vì nếu ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các quyết định về chính sách đối ngoại của ông có thể thúc đẩy lợi ích tài chính của các thành viên trong gia đình ông.

Các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã kêu gọi điều tra các dự án kinh doanh ở nước ngoài của Kushner vào tháng 3, sau khi tờ New York Times đưa tin về kế hoạch phát triển của ông ở vùng Balkan.

“Jared Kushner đang theo đuổi các thỏa thuận kinh doanh nước ngoài mới ngay khi Donald Trump trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa cho chức tổng thống”, nghị sĩ Jamie Raskin và Robert Garcia cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 3.

Kushner lập luận rằng với tư cách là một công dân bình thường, ông được tự do theo đuổi các cơ hội kinh doanh ở nước ngoài, bao gồm cả những cơ hội liên quan đến chính phủ nước ngoài.

Năm 1999, NATO đã can thiệp vào cuộc xung đột giữa chính phủ Serbia và phe ly khai Albania ở Kosovo. Máy bay phương Tây ném bom các mục tiêu ở Serbia và Montenegro trong 78 ngày, buộc Belgrade phải rút cảnh sát và quân đội khỏi Kosovo. Lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO lãnh đạo sau đó đã được triển khai tại tỉnh này.

Chính quyền Albania được phương Tây hậu thuẫn đã tuyên bố Kosovo độc lập vào năm 2008. Serbia và một số quốc gia, trong đó có Nga và Trung Quốc, vẫn coi Kosovo là lãnh thổ của Serbia.