CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HSX: HPG) vừa có văn bản, công bố thông tin phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Theo đó, dự kiến bắt đầu từ tháng 3 năm 2017, HPG sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2016 cho các cổ đông tập đoàn.
Đáng nói, tỷ lệ chi trả cổ tức của HPG là đặc biệt ấn tượng, lên đến 50%. Có nghĩa, với mỗi 10 cổ phiếu sở hữu, cổ đông sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu từ việc chi trả cổ tức.
Đây thực sự là một “cơn mưa tiền” dành cho các nhà đầu tư HPG. Bởi, giá trị thực nhận sẽ không chỉ nằm ở tỷ lệ chi trả khủng nêu trên. Nguồn lợi đầu tư sẽ còn được khuếch đại đáng kể nhờ vào thị giá vượt nhiều lần mệnh giá của cổ phiếu HPG. Chốt phiên giao dịch gần nhất (21/03), HPG đóng cửa ở mức 42.850 đồng/cổ phiếu.
Tính nhanh, với mỗi cổ phiếu HPG nắm giữ, nhà đầu tư sẽ thu về khoản lợi nhuận khoảng 21.000 đồng – một con số quá mỹ mãn trong bối cảnh đương thời của thị trường. Và các nhà đầu tư vào HPG có thể dễ dàng hiện thực hóa lợi tức kỳ vọng này, bằng cách chào bán một phần hoặc toàn bộ khối lượng cổ phiếu HPG đang sở hữu sau ngày chốt quyền. Rồi chờ đợi phần cổ phiếu chia cổ tức về tài khoản sau đó.
Theo thông báo, nguồn chi trả cổ tức sẽ được HPG trích từ lợi nhuận chưa phân phối. Báo cái tài chính hợp nhất sau kiểm toán mới được HPG công bố cho hay, cập nhật đến 31/12/2016, giá trị lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của tập đoàn này là 9.486 tỷ đồng; Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm nay (2016) là 6.169 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm trước là 3.317 tỷ đồng. Giá trị lợi nhuận lũy kế này, thậm chí đã vượt cả quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp (8.429 tỷ đồng).
Dự kiến, HPG sẽ phát hành tổng cộng 421,4 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2016. Và đương nhiên, trong “cơn mưa tiền” này, những người sở hữu càng nhiều cổ phần HPG sẽ càng vui.
Cập nhật đến cuối năm 2016, cổ đông lớn nhất của HPG vẫn là ông Trần Đình Long – người sáng nghiệp và cũng là đương kim Chủ tịch HĐQT Tập đoàn. Cá nhân ông Long nắm giữ 212 triệu cổ phần, tương đương với 25,149% vốn điều lệ HPG; Trong khi vợ ông – bà Vũ Thị Hiền – xếp ngay sau với quy mô sở hữu 61,4 triệu cổ phần (7,285% VĐL).
Ông Trần Tuấn Dương – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HPG nắm giữ 22,5 triệu cổ phần (2,675%). Pháp nhân có liên quan tới ông Dương – CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Phương Bắc – cũng sở hữu 5 triệu cổ phần HPG, chưa kể tới phần sở hữu của mẹ và chị gái vị CEO này.
Các lãnh đạo cấp cao khác của HPG như ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Doãn Gia Cường, Nguyễn Ngọc Quang, Tạ Tấn Quang, Nguyễn Việt Thắng sở hữu nhiều triệu cổ phần HPG khác.
Như vậy, sau khi quá trình phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2016 hoàn tất, dự kiến, quy mô tài sản ròng của các ông Trần Đình Long, Trần Tuấn Dương và các lãnh đạo khác của HPG sẽ được cải thiện đáng kể. Biết đâu, bảng xếp hạng tỷ phú năm tới của Forbes sẽ lại xuất hiện thêm một tỷ phú người Việt...
Dĩ nhiên, áp lực pha loãng sẽ tác động ít nhiều tới thị giá cổ phiếu HPG mà các nhân vật này sở hữu./.