“Cơn bão” 1,3 triệu lao động hồi hương sớm khiến "động cơ thiếu nhiên liệu"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Từ đầu tháng 10/2021, khi các doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại hoạt động, họ phải đối diện với một vấn nạn đau đầu: tình trạng thiếu hụt lao động.
Ít nhất 1,3 triệu lao động đã “hồi hương” trong và sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư (Ảnh: Tuổi trẻ)
Ít nhất 1,3 triệu lao động đã “hồi hương” trong và sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, ít nhất 1,3 triệu lao động đã “hồi hương” trong và sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Theo nhiều chuyên gia, thiếu hụt lao động đang là một vấn đề đại sự trong công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Thành phố mở lại, vì sao người lao động vẫn bỏ chạy?

Trong suốt hai tuần đầu tháng Mười năm 2021 kể từ khi TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, cho dù các hoạt động kinh tế đã mở cửa trở lại, xu hướng người lao động bỏ phố về quê vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Bất chấp mưa lạnh, đói khát và rủi ro dọc quãng đường dài hàng ngàn kilomet, từng dòng người chạy xe máy, đi xe đạp, thậm chí đi bộ, mang theo con nhỏ và chút tư trang gói vội, lầm lũi lên đường, hướng về quê nhà.

Vì sao những người lao động nghèo vẫn nhất quyết “khăn gói” về quê, khi lẽ ra, hết thời gian giãn cách họ phải ở lại tìm kiếm việc làm vì tài chính của đại đa số người lao động đã cạn kiệt?

Tổng cục Thống kê cho biết “thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập”. Ảnh: IE.

Tổng cục Thống kê cho biết “thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập”. Ảnh: IE.

Khi được hỏi, phần lớn những người lao động hồi hương đều chưa có dự tính gì cho tương lai.

Ám ảnh những ngày tháng nhốt mình trong các căn phòng trọ chật hẹp vài chục mét vuông, nhờ vào từng kí gạo, gói mì cứu trợ để cầm hơi qua ngày quá khủng khiếp nên đối với họ, về được đến quê nhà dù “rau cháo nuôi nhau” cũng là điều may mắn.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, người sống trong tâm dịch TP.HCM suốt ba tháng qua, chia sẻ rằng đến khi TP.HCM trở thành một tâm dịch lớn, ông mới giật mình nhận ra ở đây cũng đầy các khu ổ chuột không khác gì Delhi, Mumbai, nơi người nghèo sống trong những những phòng trọ chật chội của các khu nhà trọ cho thuê với không gian sống, điều kiện sống tối thiểu.

Đó cũng chính là những nơi bị dịch tấn công dữ dội nhất, dai dẳng nhất.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam. Ảnh: IE.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam. Ảnh: IE.

“Chúng ta thử đặt mình vào vị trí những người sống trong những phòng trọ chật hẹp ở các khu nhà cấp 4 cho thuê, với không gian sống, điều kiện sống tối thiểu; cả ngày ở nhà nhìn nhau, không có công ăn, việc làm và thu nhập nhiều tháng trời.

Vẫn phải trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, vẫn phải mua đồ ăn, thức uống; còn ở ngay nơi dịch rình rập và có thể biến bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào thành bệnh nhân với kết cục khó nói trước, nhất là trong điều kiện yếm thế của họ.

Viễn cảnh sắp được đi làm, sắp có thu nhập có lẽ chưa đủ hấp dẫn để giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi vừa mới trải qua,” Tiến sĩ Lương Hoài Nam nhận định.

Khi được hỏi, phần lớn những người lao động hồi hương đều chưa có dự tính gì cho tương lai. Ảnh: IE.

Khi được hỏi, phần lớn những người lao động hồi hương đều chưa có dự tính gì cho tương lai. Ảnh: IE.

Trong khi đó, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, thẳng thắn cho rằng nguyên nhân chính là các trung tâm công nghiệp này chống dịch không có kế hoạch, lộ trình cụ thể khiến người lao động không biết tương lai ra sao trong khi nguồn tài chính dự trữ của họ đã cạn kiệt.

“Do không có kế hoạch chống dịch cụ thể nên cứ hết 15 ngày giãn cách lại tiếp tục kéo dài thêm 15 ngày nữa khiến tương lai của người lao động bất định.

Ngay cả bây giờ khi đại dịch đã cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương đã mở cửa trở lại nhưng trong số 17 sân bay vẫn có nhiều sân bay bế quan toả cảng; hoạt động giao thống đường bộ, đường sắt cũng tương tự khiến nguồn cung đầu vào cho sản xuất không được đáp ứng.

Đầu ra của sản phẩm cũng bị nhiều nút thắt khiến người lao động không biết việc làm của họ sẽ ra sao cho dù nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Vì vậy, họ buộc phải lựa chọn về quê vì không còn cách nào khác”, ông Nam nhấn mạnh.

Máy móc, nhà xưởng đều trở nên vô dụng vì “doanh nghiệp như một động cơ không đủ nhiên liệu” khi thiếu công nhân. Ảnh: IE.

Máy móc, nhà xưởng đều trở nên vô dụng vì “doanh nghiệp như một động cơ không đủ nhiên liệu” khi thiếu công nhân. Ảnh: IE.

Thị trường lao động khủng hoảng nghiêm trọng

Tại cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng đầu năm được tổ chức mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết “thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập”.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tính riêng trong quý III vừa qua, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, có 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; khoảng 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Những người lao động ngược ra Bắc được tiếp sức trên đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: IE.

Những người lao động ngược ra Bắc được tiếp sức trên đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: IE.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đông Nam Bộ là vùng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất với 62,8%, tiếp theo là Đồng bằng sông Cửu Long với 65,4%. Lao động có việc làm trong quý III năm 2021 tiếp tục giảm sâu chưa từng thấy từ trước tới nay, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước.

Uỷ ban Xã hội của Quốc hội chỉ ra rằng, cùng với tình trạng việc làm chính thức bị thu hẹp, tỷ lệ lao động phi chính thức có việc làm hiện nay được ghi nhận là cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, chiếm 57,4% tổng số lao động có việc làm.

Những đoàn người liên tục ngược ra phía Bắc, vượt hàng ngàn km giữa cơn giá lạnh chỉ để mong sớm về lại quê nhà. Ảnh: IE.

Những đoàn người liên tục ngược ra phía Bắc, vượt hàng ngàn km giữa cơn giá lạnh chỉ để mong sớm về lại quê nhà. Ảnh: IE.

Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng số người bị tước đi cơ hội có việc làm chính thức, rơi vào trạng thái dễ tổn thương do việc làm không ổn định với thu nhập thấp, ít có cơ hội tham gia, thụ hưởng an sinh xã hội.

Cần ít nhất hai năm để “động cơ có đủ nhiên liệu”

Từ đầu tháng 10/2021, khi các doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại hoạt động, bên cạnh vấn đề vốn, họ phải đương đầu với một vấn đề nan giải khác: tình trạng thiếu hụt lao động.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, có hơn 2 triệu trong tổng số 3,5 triệu người từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đang làm việc tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai có nguyện vọng về quê. Đó là chưa tính đến hàng vạn người đã về quê trong đợt dịch vừa qua.

Một khảo sát đối với khoảng 300 doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và các sản phẩm thiên về kỹ thuật cho thấy, chỉ có khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi TP.HCM mở cửa.

Người dân lặn lội mưa gió vượt hàng ngàn km bất chấp nguy hiểm để về quê. Ảnh: Tuổi trẻ.

Người dân lặn lội mưa gió vượt hàng ngàn km bất chấp nguy hiểm để về quê. Ảnh: Tuổi trẻ.

Nếu tình trạng này tiếp diễn, không có giải pháp kịp thời, nhiều doanh nghiệp cho biết, máy móc, nhà xưởng đều trở nên vô dụng vì “doanh nghiệp như một động cơ không đủ nhiên liệu”.

“Doanh nhân chúng tôi là lực lượng gián tiếp, còn công nhân lao động mới là người trực tiếp tạo ra của cải trong xã hội. Nếu thiếu lực lượng này, sẽ rất khó phục hồi hoạt động doanh nghiệp”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công lo lắng.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh lao động là vấn đề “đại sự” cho cả trước mắt và lâu dài mà Chính phủ cần ưu tiên.

Bởi theo nhận định của ông Thành, ngay với đầu tàu kinh tế lớn là TP.HCM cũng phải mất ít nhất 2 năm mới lấy lại được nguồn lao động như trước khi xảy ra đại dịch.

Ông Mai Hữu Tín (Chủ tịch tập đoàn U&I). Ảnh: IE.

Ông Mai Hữu Tín (Chủ tịch tập đoàn U&I). Ảnh: IE.

Theo ông Mai Hữu Tín (Chủ tịch tập đoàn U&I, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương) cho rằng nhiều người lao động không thấy được nơi họ kiếm sống là quê hương thứ hai.

Thành quả từ nguồn lao động giá rẻ này chưa được tái phân bổ hợp lý cho các phúc lợi tối thiểu từ nơi ăn chốn ở, đến chế độ y tế, trường học cho con cái.

Làm thế nào để chăm lo tốt hơn cho cuộc sống người lao động, giúp họ “an cư lạc nghiệp”, do vậy đã trở thành một trọng tâm thảo luận trong các cuộc họp của Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh thành, trung tâm công nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.

Người dân giúp nhau đón bà con từ phía Nam ngược ra Bắc tại địa phận Nghệ An. Ảnh: Q.Huy.

Người dân giúp nhau đón bà con từ phía Nam ngược ra Bắc tại địa phận Nghệ An. Ảnh: Q.Huy.

Mới đây, trong cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chương trình nhà ở xã hội cho công nhân một lần nữa được đặt ra như một giải pháp căn cốt.

Tổng Liên đoàn đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù cho phép Tổng Liên đoàn được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch Khu công nghiệp tại các địa phương có lượng công nhân đông như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội.

Tại cuộc họp HĐND tuần này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng khẳng định Thành phố đang lên kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp.

Cần chuyển đổi một phần nhỏ đất nông nghiệp là đủ để xây nhà ở xã hội cho người lao động. Ảnh: IE.

Cần chuyển đổi một phần nhỏ đất nông nghiệp là đủ để xây nhà ở xã hội cho người lao động. Ảnh: IE.

“Một chương trình nhà ở xã hội rõ ràng, được cam kết, là rất cần thiết, có trọng lượng và có sức thuyết phục hơn rất nhiều để thu hút người lao động nghèo về lại thành phố”, Tiến sĩ Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Theo ông Nam, TP.HCM không hề thiếu quỹ đất để xây nhà ở xã hội, đặc biệt khi đất nông nghiệp chiếm hơn 50% diện tích nhưng chỉ tạo ra 0,8% GDP cho Thành phố.

Chỉ cần chuyển đổi một phần nhỏ đất nông nghiệp là đủ để xây nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu công nghiệp hoá hiện tại và lâu dài của đầu tàu kinh tế của Việt Nam này.

Tuy nhiên, đây là bài toán dài hạn. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trước mắt, lãnh đạo các trung tâm công nghiệp đang tính tới giải pháp hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp tiến hành cải thiện hệ thống các khu trọ, làm việc với chủ các nhà trọ để hỗ trợ miễn hoặc giảm chi phí thuê trọ (khoảng 50%) trong 3 tháng tới./.