Zalo là ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay. Theo thống kê của Sách trắng “Toàn cảnh kỹ thuật số năm 2023”, Zalo xếp trên Facebook trong danh mục "Nền tảng trò chuyện phổ biến nhất", với tỉ lệ tương ứng là 74% và 73%. Tiếp theo là Messenger với 58% và Instagram là 15%.
Thống kê đến hết năm 2023, Zalo có 75 triệu người dùng Việt, chiếm 74% dân số.
Zalo có một lợi thế là nền tảng công nghệ do người Việt sáng tạo dựa trên thói quen sinh hoạt của người Việt. Do đó, ứng dụng này dễ dàng chiếm được cảm tình của người Việt. Ngoài ra, những ưu điểm khác của Zalo là:
Tốc độ nhanh: Zalo được tối ưu hóa tốt cho thị trường Việt Nam, đảm bảo tốc độ gửi tin nhắn nhanh và ít gián đoạn, ngay cả trong điều kiện mạng yếu.
Đa chức năng: Ngoài việc nhắn tin, Zalo còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như gọi điện thoại, video call, gửi file, thanh toán điện tử qua ZaloPay và tích hợp các dịch vụ hành chính công.
Giao diện thân thiện: Giao diện đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với mọi lứa tuổi.
Được tùy chỉnh theo nhu cầu người Việt: Các tính năng và dịch vụ được thiết kế theo thói quen và nhu cầu của người dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, Zalo cũng có những nhược điểm như:
Hạn chế trong việc liên lạc quốc tế: So với các ứng dụng nhắn tin toàn cầu như WhatsApp hay Telegram, Zalo có ít người dùng ngoài Việt Nam hơn, làm hạn chế việc liên lạc với bạn bè và đối tác quốc tế.
Tùy biến hạn chế: Zalo ít cung cấp các tùy chọn tùy biến giao diện và chức năng so với một số ứng dụng khác.
Quảng cáo và thông báo: Một số người dùng cảm thấy bị phiền phức bởi quảng cáo và thông báo từ các dịch vụ của Zalo.
Khả năng mở rộng hạn chế: Ứng dụng Zalo hiện tại chưa có nhiều tính năng mở rộng hoặc tích hợp với các dịch vụ quốc tế như một số ứng dụng khác.
Khả năng bảo mật: Đã có một số trường hợp bị hack nick Zalo và sử dụng Zalo để lừa đảo.
Đặc biệt, thời gian gần đây Zalo đang bị than phiền rất nhiều vì âm thầm cắt bớt dung lượng lưu trữ miễn phí của mỗi người dùng từ 1GB xuống còn 500MB mà không đưa ra lý do. Một số người dùng cho rằng động thái này của Zalo là để ép người dùng mua dịch vụ ZCloud với giá 490.000 đồng/năm.
Trong khi Google cho người dùng lưu trữ miễn phí 15GB, iCloud của Apple cho miễn phí 5G, Messenger của Facebook cho lưu trữ vô hạn, thì việc Zalo chỉ cho người dùng Việt có 500MB lưu trữ là quá ít ỏi. Người dùng Zalo thường xuyên bắt gặp tình trạng file hoặc ảnh từng up lên Zalo sau một thời gian không còn tồn tại trên hệ thống.
Thế mạnh của Viber
Rakuten Viber đang có tham vọng trở lại đường đua ứng dụng OTT Việt Nam khi hồi tháng 7, ông Atanas Raykov, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Marketing và Tăng trưởng toàn cầu của Rakuten Viber, đã có chuyến thăm Việt Nam.
Ông Raykov cho biết theo khảo sát của Viber, trong năm 2023, số người sử dụng Viber thường xuyên tại Việt Nam đã tăng 20%; lượng người sử dụng Viber để gọi điện thoại cũng tăng 14-17%; số lượng người sử dụng khám phá các tính năng, ứng dụng khác trên Viber tăng 42%...
Làm đậm nét thêm cho nhận định này, ông David Tse, Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Rakuten Viber, cho biết mỗi tháng người dùng Viber tại Việt Nam gửi 474 triệu tin nhắn, thực hiện 16 triệu cuộc gọi và trao đổi 36 triệu hình ảnh trên ứng dụng này.
Viber tỏ rõ tham vọng tại thị trường Việt Nam khi đang tung ra hàng loạt tính năng mới phục vụ nhu cầu người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
Dường như những gì là nhược điểm của Zalo thì lại đang là ưu thế của Viber. Về khía cạnh bảo mật, Viber được đánh giá là một trong 3 ứng dụng nhắn tin có mức độ bảo mật hàng đầu (do tổ chức tiêu dùng châu Âu Stiftung Warentest bình chọn). Viber có giải pháp mã hóa đầu cuối cho các cuộc trò chuyện riêng tư, các nhóm hội thoại cũng như các cuộc gọi cá nhân. Theo công bố của Viber thì hãng không lưu trữ các tin nhắn của người dùng trên máy chủ, hạn chế tối đa việc bị kẻ thứ 3 đọc trộm.
Vấn đề bảo mật và tính riêng tư đang được người dùng Việt Nam quan tâm nhiều hơn khi trong quý 1/2024, Việt Nam đã hứng chịu 32.265 lượt tấn công mạng. Bà Mariia Martyrosian, Giám đốc Sáng tạo Tiếp thị và PR Toàn cầu của Rakuten Viber, cho biết để tăng cường mức độ bảo mật cho người dùng và các doanh nghiệp, gần đây Rakuten Viber đã giới thiệu một phương thức an toàn cho các thương hiệu để chia sẻ mật khẩu kích hoạt (mã OTP). Tính năng này hiện đang được thử nghiệm với các thương hiệu Việt Nam.
Trước đó, Rakuten Viber đã ra mắt tính năng "tin nhắn bảo vệ nâng cao" giúp xác minh số điện thoại của người nhận không liên quan đến hoạt động lừa đảo. Tính năng này đặc biệt hữu ích cho các ngân hàng, tổ chức tài chính và các công ty lưu trữ dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Không nằm ngoài trào lưu ứng dụng AI để cải thiện trải nghiệm người dùng, Viber đã tích hợp AI vào tính năng quảng cáo trên Viber. Chẳng hạn một thương hiệu trang sức có thể kết hợp với Viber, cho phép người dùng đeo thử trang sức qua môi trường ảo của ứng dụng. Các thương hiệu thời trang có thể giới thiệu sản phẩm một cách sinh động hơn rất nhiều.
Ngoài tính năng quảng cáo trên Viber, hãng này cũng có bộ giải pháp dành cho các doanh nghiệp sử dụng Viber, trong đó có các tính năng Viber tin nhắn doanh nghiệp, Viber cuộc gọi doanh nghiệp, cung cấp một “tổng đài trong ứng dụng" và người dùng từ bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng có thể truy cập miễn phí.
Tính năng quốc tế của Viber nói trên cũng chính là một thế mạnh của hãng so với ứng dụng Zalo. Trong khi Zalo chỉ giới hạn ở người dùng Việt Nam thì Viber có nhiều người dùng trên thế giới sử dụng.
Có nên dùng Viber thay thế Zalo?
Về ngắn hạn, Zalo vẫn sẽ là một ứng dụng phổ biến ở Việt Nam. Viber sẽ chưa thể soán ngôi của Zalo tại thị trường Việt Nam.
Theo như chia sẻ của ông Hoàng Nam Đức, Giám đốc Kinh doanh và Phát triển tại Rakuten Viber, trong giai đoạn này, Viber chưa muốn chạy đua về số lượng người sử dụng. Tuy nhiên, về dài hạn, với những tính năng hấp dẫn mà Viber đang đưa vào thị trường Việt Nam, ứng dụng này hoàn toàn có thể có được một số lượng người dùng đáng kể.
Khi sử dụng một ứng dụng mạng xã hội, trò chuyện trực tuyến, người dùng thường quan tâm đến 3 yếu tố: bảo mật, dung lượng lưu trữ và tính dễ sử dụng. Đây sẽ là những ưu tiên của Viber khi thâm nhập thị trường Việt Nam để có thể cạnh tranh với các ứng dụng khác đang có trên thị trường.