Cổ đông lớn muốn thoái bớt vốn tại VietABank trước thềm "chuyển nhà” lên HoSE

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương muốn bán 17 triệu cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ngay trước thềm nhà băng này có kế hoạch chuyển từ UPCoM lên HoSE.
Cổ đông lớn muốn thoái bớt vốn tại VietABank.

Tập đoàn Đầu tư Việt Phương vừa đăng ký bán 17 triệu cổ phiếu VAB theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh, thời gian thực hiện từ ngày 28/5-26/6. Tạm tính theo thị giá VAB hiện tại (14.000 đồng/đơn vị), công ty sẽ thu về khoảng 238 tỷ đồng từ thương vụ này.

Nếu giao dịch thành công, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương sẽ giảm số cổ phần từ 65,9 triệu cổ phiếu xuống 48,9 triệu cổ phiếu, tương ứng hạ tỷ lệ sở hữu từ 12,21% xuống 9,06%.

Động thái thoái bớt một phần vốn của Tập đoàn Đầu tư Việt Phương khả năng để đáp ứng quy định Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ ngân hàng).

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương do bà Phương Minh Huệ, từng là Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) VietABank, đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Gần đây nhất, hồi đầu tháng 3, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 6.800 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng.

Trước đó, theo danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ tính tới 16/11/2024, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và người có liên quan sở hữu hơn 107 triệu cổ phiếu VAB, tương ứng 19,84% vốn VietABank. Tỷ lệ này vượt trần so với mức quy định tại Luật mới (Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ ngân hàng).

Ngoài ra, ông Phương Hữu Việt - cựu Chủ tịch HĐQT VietABank, đang giữ 24,55 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,55% vốn. Người có liên quan của ông Việt cũng đang nắm 75,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,05% vốn. Tổng cộng số cổ phiếu ông Việt và người có liên quan tới ông chiếm 18,6% vốn VietABank.

Danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn VietABank không còn cổ đông Đỗ Thị Ngọc Hà – em dâu bà Phương Minh Huệ, do giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 1% và cổ đông Lê Thị Lan - mẹ vợ ông Phương Hữu Việt đã thoái hết vốn. Dù vậy, người liên quan hai cổ đông này vẫn nắm tỷ lệ cao, lần lượt là 13,47% và 16,75%

"Chuyển nhà" lên HoSE

Ở một diễn biến khác, tới đây, gần 540 triệu cổ phiếu VAB của VietABank sẽ "chuyển nhà" từ UPCoM lên HoSE. Hiện, sàn HoSE đang có tổng cộng 18 mã cổ phiếu ngân hàng, HNX chỉ có 2 mã (BAB, NVB) và UPCoM có 7 mã (Vietbank, Kienlongbank, Saigonbank, BVBank, ABBank, PGBank và VietABank).

Giai đoạn trước, hoạt động kinh doanh của VietABank không có nhiều nổi trội với lợi nhuận trước thuế khoảng 100-300 tỷ đồng/năm và chỉ bứt tốc khi giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2021. Kể đó đến nay, ngân hàng thu về mức lợi nhuận trước thuế bình quân gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Bước sang quý I/2025, VietABank ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 6% lên 440 tỷ đồng. Ngân hàng còn giảm mạnh 48% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích lập hơn 87 tỷ đồng. Ngân hàng thu về lãi trước thuế gần 353 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

So với kế hoạch 1.306 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2025, VietABank thực hiện được 27% mục tiêu sau quý I.