Clip: Độc đáo cây cầu nâng dầm cho tàu thuyền chui qua ở Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đà Nẵng được biết đến như một địa danh sở hữu những cây cầu độc đáo, từ cầu quay sông Hàn đến cầu Rồng phun lửa, nhưng ít ai biết đến một cây cầu nữa được điều khiển nâng hạ dầm cho tàu chui qua.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi nâng dầm cho tàu thuyền đi qua
Cầu Nguyễn Văn Trỗi nâng dầm cho tàu thuyền đi qua

Đó là cầu Nguyễn Văn Trỗi, nằm bên cạnh cầu Trần Thị Lý xây mới được Đà Nẵng giữ lại như một di tích và hoán đổi công năng sử dụng làm cầu đi bộ, di tích tham quan dành cho du khách đến với Đà Nẵng.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi được Hãng thầu RMK của Mỹ xây dựng những năm 1960, gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ. Đây là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn, được xây dựng nhằm chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng Tiên Sa vào nội đô Đà Nẵng, để quân đội Mỹ vận hành cỗ máy chiến tranh khốc liệt tại khu vực miền Trung Việt Nam.

Toàn cảnh cầu Nguyễn Văn Trỗi có thể nâng dầm cho tàu thuyền đi qua
Toàn cảnh cầu Nguyễn Văn Trỗi có thể nâng dầm cho tàu thuyền đi qua

Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bê tông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng (do kết cấu móng bị yếu). Cùng với cầu Long Hồ, dẫn từ thành phố Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh - Khánh Hòa (cũng do Hãng RMK xây dựng những năm 1960), cầu Nguyễn Văn Trỗi là một trong những cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam.

Sau giải phóng, cầu Nguyễn Văn Trỗi được cải tạo để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Đà Nẵng và được xem là tuyến đường bộ huyết mạch nối liền hai bờ Đông –Tây sông Hàn cho đến khi cầu quay Sông Hàn được đưa vào sử dụng năm 2000.

Clip: Cầu Nguyễn Văn Trỗi nâng dầm cho tàu thuyền đi qua

Sau 40 năm giải phóng đất nước, nhiều cây cầu mới được bắc qua sông Hàn, thì cầu Nguyễn Văn Trỗi được giữ lại để làm cầu đi bộ, đồng thời bố trí cảnh quan phù hợp, tạo điểm dừng chân cho người dân và du khách. Và đáp ứng nhu cầu qua lại của tàu thuyền trên sông, một nhịp giữa của cầu được cải tạo để có thể nâng hạ, tăng khoảng thông thuyền cho tàu ra vào.