|
Đại sứ quán Triều Tiên tại thủ đô Madrid - nơi xảy ra vụ việc. |
Vụ đột kích bất ngờ
Theo báo El Confidencial của Tây Ban Nha, vào hồi 15h chiều ngày 22.2, một toán 10 người đàn ông không rõ danh tính và thân phận xông vào sứ quán Triều Tiên bắt giữ, đánh đập, tra khảo rồi trói chân tay, dán kín miệng 8 nhân viên sứ quán. Sau đó đám người này tiến hành lục soát từng căn phòng trong 4 giờ liền, lấy đi nhiều laptop, điện thoại và thẻ nhớ.
Một nữ nhân viên chạy thoát ra ngoài phố lớn tiếng kêu cứu, người dân Tây Ban Nha lập tức cấp báo cảnh sát, Khi cảnh sát địa phương tới hiện trường thì một người châu Á đứng chặn ở cổng, dùng tiếng Tây Ban Nha nói với cảnh sát: “Mọi việc đều rất ổn”. Thế nhưng, mấy phút sau những kẻ đột nhập bao gồm cả người đàn ông này đã lên 2 chiếc ô tô mang biển số ngoại giao của sứ quán Triều Tiên phóng ra ngoài trốn thoát. Khi cảnh sát vào bên trong tòa nhà sứ quán thì thấy cả 8 nhân viên bị trói với bao bố trùm đầu, có mấy người bị thương phải đưa vào bệnh viện cứu chữa. Cảnh sát cho rằng những kẻ dột nhập định tìm kiếm những văn kiện cơ mật liên quan đến cuộc gặp gỡ Kim – Trump.
|
Cảnh sát Tây Ban Nha tiến hành điều tra bên trong sứ quán Triều Tiên
|
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cũng gián tiếp xác nhận thông tin này, nói cảnh sát đang điều tra một vụ việc, nhưng ngoài việc nói có một công dân Triều Tiên bị thương, họ từ chối tiết lộ thêm các chi tiết khác.
Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha thì nói, đã tìm hiểu sự kiện này qua cảnh sát và giữ liên hệ chặt chẽ với đại sứ quán Triều Tiên. Hiện nay, đang trong quá trình điều tra nên không tiện đưa ra lời bình luận.
Ai là thủ phạm?
Tin tức cho biết, cảnh sát không loại trừ bất cứ động cơ gây án nào, trong đó có cướp của. Nhưng qua quá trình điều tra, việc ai là kẻ chủ mưu đằng sau vụ việc tựa hồ đã được giải đáp theo chiều hướng mới.
Theo báo El Pais (Quốc gia), kẻ chủ mưu đằng sau vụ đột kích này không phải là tội phạm thông thường. Nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết hành động này đã được lập kế hoạch tỉ mỉ, giống như một tổ quân sự. Những kẻ đột kích có mục tiêu rõ ràng, chỉ lấy đi các máy tính và smartphone, chúng có vẻ biết rõ thứ cần tìm.
Cả báo El Confidencial và El Pais đều nói, nhà đương cục Tây Ban Nha nghi ngờ CIA và đồng minh của họ tham gia vào vụ đột kích. Những người bị hại nói với các nhân viên điều tra: những kẻ đột kích nói tiếng Hàn, rất có thể đến từ Hàn Quốc, nhưng đây là những nhân viên CIA hay được cơ quan tình báo Hàn Quốc sai khiến thì hiện không rõ. Tờ El Pais còn tiết lộ, Trung tâm tình báo quốc gia Tây Ban Nha (CNI) đã xác định được thân phận của một bộ phận người trong nhóm đột kích, trong đó có 2 trong số 10 kẻ đột nhập có liên quan đến CIA. Nhà đương cục Tây Ban Nha đã nêu vấn đề này với CIA, song CIA phủ nhận tham gia vào vụ việc. Tuy nhiên, phía Tây Ban Nha nói sự trả lời của CIA “không khiến người ta tin tưởng”.
|
Báo Tây Ban Nha cho rằng CIA có liên quan đến vụ đột kích vào sứ quán Triều Tiên.
|
Động cơ vụ đột kích là gì?
Những kẻ đột nhập đã mang đi các máy tính của các nhân viên sứ quán; cảnh sát đang tìm kiếm những tông tin chứa đựng trong các máy tính đó cùng những thông tin gì đã bị lộ lọt. Khi xảy ra vụ việc chỉ còn cách thời điểm diễn ra cuộc gặp gỡ Kim – Trump tại Hà Nội đúng 5 ngày. Vì sao những kẻ đột nhập lại tiến hành vụ đột kích vào thời điểm đó?
Có nguồn tin nói, những kẻ đột nhập có thể muốn tìm kiếm các thông tin về ông Kim Hyok Chol, Đại sứ Triều Tiên lại Madrid. Năm 2013, Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Tây Ban Nha, đặt Đại sứ quán tại Madrid, ông Kim Hyok Chol trở thành Đại sứ Triều Tiên đầu tiên ở Tây Ban Nha. Tháng 9.2017, do Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa nên Tây Ban Nha tuyên bố ông Kim Hyok Chol “là người không được hoan nghênh” và trục xuất ông về nước. Từ đó, quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Triều Tiên tại Tây Ban Nha là Tham tán mậu dịch, không có Đại sứ.
Ông Kim Hyok Chol hiện nay là Đại diện đặc biệt quan hệ với Mỹ của Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Kim – Trump lần 2, ông phụ trách việc thương thảo với Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về Triều Tiên Stephen Biegun và được coi là một trong những quan chức được ông Kim Jong Un tin tưởng nhất. Tháng 1.2019, ông cũng đã tháp tùng Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol đến thăm Washington.
Đài truyền hình Nga RT cho rằng, nếu vai trò của CIA trong toàn bộ vụ việc này được chứng thực, sẽ dẫn đến vụ va chạm ngoại giao lớn giữa Washington và Madrid. Tây Ban Nha có thể sẽ rất bất bình về việc một cơ quan nước ngoài triển khai hoạt động trên đất họ khi chưa được phép và việc xông vào đại sứ quán nước khác là hành vi vi phạm công ước quốc tế nghiêm trọng.
|
Ông Kim Hyok Chol, Đặc sứ của Triều Tiên về quan hệ với Mỹ - người được cho là mục tiêu của vụ đột kích.
|
Một quan chức chính phủ Tây Ban Nha cho rằng, nếu chứng thực được việc CIA có liên quan đến vụ việc thì cho thấy Mỹ đã có hành động “không thể chấp nhận được” với quốc gia đồng minh. Tuy nhiên, cũng có nguồn tin nói, việc chứng minh được cơ quan tình báo Mỹ can dự vào vụ này có thể sẽ rất khó khăn.
Đài BBC thì cho rằng, nếu vụ việc này quả thực có liên quan đến cơ quan tình báo thì có thể sẽ gây nên sóng gió lớn trong nước Triều Tiên và trên quốc tế. Với việc quan hệ Mỹ - Triều Tiên mới được cải thiện sau gần 70 năm nỗ lực thì vụ việc này quả là một sự kiện có tính bùng nổ.
Vậy nguyên nhân thực tế của vụ đột kích là gì? Kẻ tham dự là ai? Những câu hỏi đó khiến vụ việc bị bao trùm bởi sắc thái bí ẩn. Hiện nay các nhân viên điều tra Tây Ban Nha đang tiến hành điều tra thêm về vụ việc, nhưng họ từ chối tiết lộ thêm các thông tin. Tòa án tối cao Tây Ban Nha sẽ nghe báo cáo kết quả điều tra và ra lệnh bắt giữ những kẻ đột nhập đã được xác nhận. Tờ The New York Times đưa tin, các nhân viên công tác và đại sứ quán Triều Tiên đều chưa chính thức báo án với cảnh sát. Phóng viên El Confidencial đã liên hệ với một quan chức sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha nhưng người này đã từ chối bình luận.
BBC cho rằng: “điều duy nhất có thể xác nhận là, câu chuyện giờ đây mới bắt đầu”.