E-magazine Chuyện về người thày Việt và học trò Kamala Harris

(VietTimes) – Tài năng, cộng với những đẩy đưa của số phận đã khiến GS TS Nguyễn Tiến Hưng trở thành giảng viên nhiều năm tại Đại học Howard, nơi đương kim Phó Tổng thống Hoa Kỳ, ứng cử viên Tổng thống Kamala Harris theo học.

Nga Sơn xứ Thanh với tôi cũng là một chốn đi về.

Cái Tết năm xa, từ nơi sơ tán ở Yên Phong Hà Bắc, tôi nhảo bộ theo anh Lê Quốc Lập về Hà Nội. Bươn qua Yên Viên khi đó đương tả tơi bởi vừa qua những trận bom B52. Có tàu hỏa nhưng chỉ chạy đến ga Ninh Bình. Từ Ninh Bình hai anh em cuốc bộ non trăm cây số về quê anh Lập ở làng Ba Đình huyện Nga Sơn.

Được anh dẫn đi coi cái làng là địa danh cuộc kháng Pháp của nghĩa quân Đinh Công Tráng. Được anh giải thích rằng Ba Đình là ba cái đình ở ba làng có tên Thượng Thọ, Mẫu Thịnh, Mỹ Khê đã bị phá trụi từ lâu. Cái tên làng Ba Đình của anh Lập, tháng 3 năm 1945 bỗng được hồi sinh bởi ông Trần Văn Lai, Thị trưởng Hà Nội dưới trào Trần Trọng Kim đặt tên cho mảnh đất thèo đảnh cỏ hoang mọc ngập ở mạn Bắc Hà Nội. Thửa đất hoang ấy đã mang một tên mới: Quảng trường Ba Đình.

Rồi một dạo lại theo chân nhà thơ Đỗ Xuân Thanh, học cùng lớp Khoa Văn quê ở Nga Thủy về Vân Hoàn xã Nga Lĩnh đến một nhà mà anh quen biết. Đó là lần đầu tôi được biết, được giáp mặt với nhà thơ Hữu Loan.

Chuyến ấy cũng ghé nhà một người bà con của anh Thanh ở Nga Điền.

Nga Điền, mấy lần đến cũng chả nhớ? Nhưng nhớ lâu vì cái làng ấy lắm sự lạ. Nga Điền có đến gần 80% dân Công giáo.

Tôi bệt trong bóng râm của nhà thờ có tên cũ là Điền Hộ nghe người anh họ anh Thanh từng là giáo viên cấp 3 cũng là người lắm chữ kể bao chuyện linh tinh lang tang về xứ này.

Linh mục Alexandre de Rhodes đã vào cửa Thần Phù truyền giáo và lập giáo xứ đầu tiên tại địa phận công giáo Đàng ngoài. Thời điểm ấy chính sử Giáo hội có chép cụ thể là tháng 3-1627. Giáo xứ thuở ấy có tên Văn No, sau này đổi ra Hiếu Nho rồi Hảo Nho. Giáo xứ ấy có ngôi làng trù phú bên con sông Càn đổ ra cửa biển Thần Phù. Làng ấy có tên Tòng Chính rồi Chính Đại sau nữa là Điền Hộ và sau Tổng tuyển cử năm 1946, khoác cái tên mới là Nga Điền thuộc huyện Nga Sơn.

Trước thời điểm cụ Sáu Trần Lục xây nhà thờ đá Phát Diệm, Điền Hộ là xứ đạo giàu có sầm uất. Điền Hộ trên bến dưới thuyền, có chợ có phố. Ngôi nhà thờ nhỏ ở Điền Hộ mang tên Ông Thánh An tôn. Thời ấy, vùng Phát Diệm bên cạnh chỉ là một bãi lầy và là một xứ đạo nhỏ nhoi. Đã có lần giáo quyền dùng dắng muốn lấy Điền Hộ làm trụ sở giáo phận Duyên Hải hay giáo phận xứ Thanh. Nhưng rồi dưới bóng thánh đường nguy nga Phát Diệm, sự đạo dần xôm tụ nên vì thế được chọn làm trụ sở địa phận. Năm 1924, chính thức được gọi địa phận Phát Diệm. Phải đợi tới năm 1932, địa phận Phát Diệm chia đôi, mới được là giáo phận Thanh Hóa. Điền Hộ cũng là đất phát, có ơn thiên triệu.

Điền Hộ có hai người anh em ruột trước 1945 và sau là giám mục, linh mục. Người anh là GM Nguyễn Sơn Lâm, em là LM Nguyễn Hữu Duyên đều quê ở làng Điền Hộ.

Đầu làng Điền Hộ có nhà cụ chánh Phi, Nguyễn Xuân Phi. Chánh đây không phải chánh tổng mà là chánh trương, một chức sắc bé mọn trong xứ đạo. Người con cả cụ Chánh Phi là linh mục Nguyễn Xuân Phong, tiến sỹ văn chương Pháp, có chân trong Viện hàn lâm Pháp. Người con thứ là Nguyễn Hữu Chỉnh, thứ trưởng bộ giáo dục thời VNCH. Một người thứ nữa là GSTS Nguyễn Tiến Hưng. Em GS Nguyễn Tiến Hưng là Nguyễn Hữu Trí, giáo sư đại học ở Pháp. Những người con khác cũng đỗ đạt, thành danh.

… Tôi nhớ năm xa ấy, ở trung tâm Điền Hộ, cái nhà xi măng lẫn vôi cát hai tầng xây cất theo lối nửa cũ nửa mới tận những năm ba mươi thế kỷ trước của nhà cụ Chánh Phi hẵng còn. Các nhà chức việc của Ủy ban xã Nga Điền từ lẩu lâu đã trưng dụng ngôi nhà vô chủ đi Nam ấy để làm trụ sở Ủy ban xã. Tầng dưới 3 phòng, tầng trên 2 phòng. Còn nguyên cái lốt tầng trệt một phòng ông Chủ tịch xã ngồi và bộ sậu công an đoàn thể.

Tôi ngồi bên một khung cửa sổ trong ngôi nhà cũ ấy đón cơn gió bể hào phóng từ mạn cửa bể Thần Phù ràn rạt thổi về. Có một chốc nghe như có hơi hướng của người xưa…

Vẩn vơ nghĩ đến hồi ức của ông Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, con trai cụ Chánh Phi.

Nguyễn Tiến Hưng, một thứ “dữ”! Chuyên gia kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế. Nguyễn Tiến Hưng về nước được mời phụ tá về Tái thiết của tổng thổng Nguyễn Văn Thiệu. Rồi làm Tổng trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển.

Nguyễn Tiến Hưng, tác giả bộ sách Hồ sơ mật Dinh Độc Lập. Khi đồng minh nhảy vào, Khi đồng minh tháo chạy… Trong sách ấy có những dòng hồi ức của GSTS Nguyễn Tiến Hưng khi cậu bé Hưng 9 tuổi thì đương hoành hoành nạn đói năm Dậu 45. Nhà cụ Chánh Phi hằng tâm hằng sản bỏ gạo thóc kho lẫm ra cứu tế khắp nơi. Buổi tối nhà cụ Chánh nấu một nồi cháo hoa thực to. Bửng tưng hôm sau, cậu bé Hưng dùng cái muôi gỗ múc cháo chao vào những cái bát mẻ của đám ăn mày cứ sáng sáng lại quây trước cửa nhà Chánh Phi.

Cũng xin biên ra đây nguyên văn những dòng đầu của cuốn sách Khi Đồng Minh Tháo chạy nổi tiếng bán chạy của TS Nguyễn Tiến Hưng.

… Sau cùng tôi không thể không nhắc đến sự giúp biên soạn, sửa chữa, hy sinh của nhà tôi Therese N. Hưng và các anh chị em con cháu thuộc đại gia đình cụ ông cụ bà Cố Chánh Nguyễn Xuân Phi, luôn luôn nâng đỡ tinh thần tôi trong những giai đoạn thăng trầm của cuộc đời.

… Trong hơi thuốc lào bung biêng, có một lúc tôi níu bờ vai ông chủ tịch xã Nga Điền tên là Quế mà bật ra một câu lẩn thẩn “nghe nói mai kia ta xây Trụ sở mới thì cố mà giữ lấy cái nhà này ông ạ”

Là trong cơn nghĩ thuận mồm vuột ra thế thôi. Chứ bảo giữ nhưng ai đứng ra? Mà nhiêu khê lắm? Mà giữ để làm gì?

Nhưng bất ngờ, nhà chức việc Nga Điền buông câu chắc nịch, giữ chứ!

Nhưng vài năm năm tôi giở lại Nga Điền, thì ngôi nhà hai tầng cũ kỹ lem luốc đã biến mất. Và đình huỳnh một ngôi trụ sở xây cất theo lối mới sáng choang nhôm kính! Lấp lánh tấm biển có hàng chữ Công sở xã Nga Điền.

Nhảo ít bước lối giữa làng là một cơ ngơi khá bề thế của gia tộc họ Trần. Ấy là nghe ông anh họ anh Thanh kể. Chứ bây giờ nhà ấy đã đổi chủ ngó cũng tầm tầm, hom hem. Nhưng nhà ấy đã góp cho đất nước một anh tài âm nhạc. Người ấy sinh năm 1925, tên là Trần Anh Bường.

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám…

Ấy đấy. Của ông ấy đấy! Ca khúc có tên Nỗi lòng người đi viết lối giữa những năm 50 bao năm rồi mà vẫn luyến láy trong tâm tưởng bao người.

Nói đến dòng nhạc vàng lẫn nhạc hải ngoại thì phải kể đến Anh Bằng tức Trần Anh Bường cái tên cũ của người cũ ở làng cũ Điền Hộ. Trút hơi thở cuối cùng bên xứ Hoa Kỳ năm 2005, Anh Bằng để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ trên 500 ca khúc trữ tình trong đó có hơn 200 bài chuyên phổ thơ của bạn bè và những bài thơ mà Anh Bằng thích!

Cuối làng Điền Hộ có tên mới là xóm 4 cũng có một nhà họ Trần khác. Bây giờ nền cũ nhà ấy chỉ còn vương lại một khoảng con ao rau muống. Có nổi danh không thì không biết. Nhưng một trong những người con của nhà ấy đã từng khuynh đảo chính trường miền Nam. Người ấy là bác sĩ Trần Kim Tuyến! Nhân vật khủng ấy từng được nhà tình báo anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Ẩn cứu thoát buổi trưa 30 tháng Tư ấy cũng đã trút hơi thở cuối tận xứ Anh quốc tít mù.

Có một lúc nâng chén rượu trắng Kim Sơn thửa bằng thứ nếp rất bắt miệng ở nhà ông anh họ anh Thanh, tôi cứ nghĩ lẩn thẩn rằng, thể nào vào một ngày đẹp giời nào đó hay đúng cữ mưa gió chi đó, ba người con của làng Điền Hộ, những Trần Kim Tuyến, Trần Anh Bường (Anh Bằng) và Nguyễn Tiến Hưng ấy thuở còn tha hương, còn chung cái nóc giời giời Nam lại chả ngồi, từng tụ với nhau? Mỗi người hành cái nghề và sống với cái nghề mình hạp mình thích. Nhưng thể nào cái vẩy trên làn da mồi tuổi tác của ba vị lại chả vương lại chút ngấn phù sa của con sông Càn chảy qua làng Điền Hộ mà thuở bé cả ba từng vẫy vùng, ngụp lặn?

… Viết đến đây nhớ thêm từng có những cuộc ngồi thân ái, cởi mở do công việc với một quan chức cộm cán ngành ngân hàng, ông Cao Sĩ Kiêm.

Lần đó ông Kiêm kể, đâu như năm 1993, ông Sáu Dân, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho gọi Thống đốc ngân hàng Nhà nước lên. Ông Sáu Dân bộc bạch với ông Cao Sĩ Kiêm là ta nên xúc tiến sớm việc mời chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) sang giúp ngành ngân hàng.

Ông Kiêm tán đồng ngay với gợi ý của ông Sáu Dân vì đó là cách đáp ứng nhu cầu đổi mới cấp bách của Việt Nam. Không lâu, giữa năm 1994, WB cử sang Việt Nam 3 chuyên gia. Một ông người Pháp chuyên lĩnh vực thanh tra. Một ông Nhật chuyên về ngân hàng và GSTS Nguyễn Tiến Hưng từng là Giáo sư Kinh tế tại các đại học Howard, Trinity, NC Wesleyan, khi ấy là Kinh tế gia tại WB.

Coi xét lý lịch của từng chuyên gia, ông Cao Sĩ Kiêm thoáng giật mình. Hai vị kia thì không có vấn đề gì. Nhưng GSTS Nguyễn Tiến Hưng lại là chuyện khác.

Đã đành từng là GS Kinh tế tại các đại học Howard, Trinity, NC Wesleyan trước kia và khi đó vẫn là GS thỉnh giảng khi đã là Kinh tế gia nổi tiếng tại Quỹ Tiền tệ quốc tế về WB chuyên đào tạo chung. Nhưng vị GS danh giá này, trước đây còn… nổi tiếng hơn. Từng là trợ tá đắc lực của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và là thành viên của nội các trong chính quyền Thiệu…

Ông Sáu Dân điềm tĩnh ngồi nghe Cao Sĩ Kiêm trình bày. Sau này ông Kiêm có bộc bạch rằng, ông mang máng đoán thể nào Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng nói ông Kiêm đề nghị WB đổi hoặc thay chuyên gia GSTS Nguyễn Tiến Hưng nào đó vì quá … nhạy cảm!

Nhưng bất ngờ, ông Sáu Dân cười nói tỉnh rụi rằng “mình có nghe, có biết vị này. Yên tâm đi…”

Sau đó, thủ tục cho các chuyên gia WB đến Việt Nam được tiến hành mau chóng.

Sau 19 năm bỏ nước ra đi, GS TS Nguyễn Tiến Hưng đã trở lại Việt Nam với một tư thế mới.

Với TS Nguyễn Tiến Hưng, như ông từng hé với ông Cao Sĩ Kiêm rằng, ông coi đây là cơ duyên và cũng là trách nhiệm! Răng ông không xin đi làm cố vấn ở Việt Nam mà là được cử đi! Và bất ngờ lại được nhà nước Việt Nam chấp thuận.

… Nhân viên nhà khách Bộ Quốc Phòng thường gọi là nhà khách 33 Phạm Ngũ Lão thời ấy đã quen với sự có mặt của một ông khách tóc muối tiêu, dáng dấp đường bệ có những sải bước khoan thai tá túc ở nhà khách lâu nay. Có lẽ họ không thể nào biết được, người đàn ông đó từng là một yếu nhân của chính quyền Sài Gòn.

Năm 1957, chàng trai người làng Điền Hộ (đi Nam năm 1954) độ tuổi hơn hai mươi xuất dương sang Mỹ theo học ngành kinh tế tại Đại Học Virginia và lấy bằng Tiến sĩ năm 1965. Tài năng đã đưa vị TS ấy làm chân phụ giảng rồi giảng viên chính ở nhiều trường Đại học của Hoa Kỳ. Từ 1966 đến 1970, ông là chuyên gia kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Rồi ông về nước được vời làm phụ tá về Tái thiết của tổng thổng Nguyễn Văn Thiệu (1971-1973) rồi làm tổng trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển (1973-1975).

Đoạn lý lịch trích ngang ấy thì trong Ban lãnh đạo nước Việt thời điểm ấy chắc nhiều người biết. Nhưng nhiều người chưa tường thời điểm đó ông đã từng nổi danh ở Hoa Kỳ và phương Tây là tác giả cuốn Palace File (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập) bằng tiếng Anh viết năm 1986. Cuốn sách gần như thứ tiểu thuyết tư liệu đặc sắc ấy khiến chủ sự chủ chốt trong cuộc là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi đó đang tá túc ở Boston đã phải bỏ ra 46 USD để mua một lúc 2 cuốn (giá bán 23 USD/cuốn)

Cũng cần nói thêm tay ngang chữ nghĩa, TS kinh tế Nguyễn Tiến Hưng ấy chưa từng viết lách gì, không thuộc hội văn bút nào mà sau này đã viết thêm hai cuốn nữa cũng nổi tiếng không kém là Khi Đồng minh nhảy vàoKhi Đồng minh tháo chạy.

Trở lại với nhà khách Phạm Ngũ Lão. TS Nguyễn Tiến Hưng không ở một mình mà cùng bà vợ người Việt và hai cậu con trai đã lớn.

Lần ấy, trong không khí thân gần câu chuyện với ông Cao Sĩ Kiêm, tôi đã bật ra một câu hỏi hơi tò mò ngớ ngẩn về mức lương của vị chuyên gia WB này! May ông Cao Sĩ Kiêm đã cười đáp ngay, lương khi đó WB trả, chứ không phải Việt Nam- viện trợ mà- trả cho mỗi chuyên gia như TS Hưng hàng tháng là sáu ngàn USD. Mức lương ấy thời điểm giữa những năm 90 trong mặt bằng sinh hoạt Hà Nội có lẽ cũng tươm?

Một thày Hưng luôn nghiêm cẩn, phép tắc! Thời gian GS Hưng thực thi việc đào tạo cho lớp cán bộ nguồn ở Hà Nội, một buổi sáng nọ, ông Cao Sĩ Kiêm được dự cuộc làm việc giữa ông Sáu Dân- Thủ tướng Võ Văn Kiệt với GS Hưng. Ông Kiêm quá ngạc nhiên khi chứng kiến hai người đang chuyện trò tương đắc như thế, GS Hưng bất ngờ bật lên cụm từ Thưa Tổng thống… làm ông Sáu cười phá lên!

Nhầm! Tất nhiên theo một phản xạ cũ. Nhưng nó cũng phát lộ cung cách ứng xử của GS. Tôi nhớ lại GS Hưng có viết chi tiết trong cuốn Khi Đồng minh tháo chạy

Năm 1973, khi mới về nước, ông Thiệu bao giờ cũng xưng ông với GS Hưng mặc dầu khi ấy GS mới hơn ba mươi tuổi. Còn cụm từ Thưa Tổng thống thì luôn thường trực ở GS Hưng mỗi khi gặp tổng thống. Cụm từ ấy quen và bền thành phản xạ về sau này dẫu ông Thiệu đã đổi từ lâu cách xưng hô anh, tôi. Kể cả vị thế ông Thiệu sau này đã khác.

Và sau này, ông Sáu Dân, lúc đầu thì giáo sư sau là anh. GS Hưng cứ một hai thưa Thủ tướng như thế…

Một dịp khác có lẽ phải sẻ chia với bạn đọc cái tấm tình mến trọng tài năng của ông Sáu Dân với GS Hưng bất biết những xì xào này khác rằng GS Hưng từng là thứ… dữ của chính quyền Sài Gòn. Có lần ông Sáu nghe được, cười cười “mà ổng đúng là thứ dữ thiệt đó chớ?”

Không chỉ với GSTS Nguyễn Tiến Hưng từng giảng dạy tại các trường đại học Howard, Trinity, NC Wesleyan, kinh tế gia tại IMF, WB mà với nhiều trí thức của chế độ cũ, ông Sáu Dân cũng lấy thái độ ấy ra mà “đãi” họ.

Nhiều vị ở Hà Nội và một số tỉnh thành trong diện đào tạo cán bộ nguồn thời gian đó nay nhiều người đang chững chạc ở các cương vị này khác hẳn còn lưu lại trong ký ức những ấn tượng sâu đậm về kiến thức và phương pháp sư phạm GSTS Nguyễn Tiến Hưng!

Có một quan chức bây giờ- xin được giấu tên- hồi ấy dự Khóa học do TS Nguyễn Tiến Hưng đứng lớp đã bộc bạch rằng, nếu đã không biết thì thôi. Nhưng đã từng bập vào Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập thì nó lạ lắm… Lạ là những ngày đầu được nghe GS Hưng giảng, cứ có cảm giác bị chia lòng chia trí!

Ấy là không chủ định và cố ý nhưng vị học viên ấy bị ám ảnh bởi cái ông thày đang nói kia với cái cười dễ mến luôn thường trực kia đã từng trao đổi tay đôi với các yếu nhân của Hoa Kỳ như Tổng thống Nixon, cố vấn Henry Kissinger, Đại sứ Matin vv… Người ấy cũng từng nắm giữ toàn bộ hồ sơ mật về bang giao Việt-Mỹ trong thời gian từ cuối 1971 tới thời điểm cuối vào mùa Xuân 1975. Cũng vị TS này hồi 1974-1975 có hàng chục lần lui tới Quốc hội Hoa Kỳ để xin viện trợ cho chính quyền Sài Gòn!

Tò mò thôi thúc, vị học viên này trong giờ giải lao ngắn ngủi của lớp học và trong không khí thày trò vui vẻ đã cố gạn ông thày dễ tính những chuyện ngoài lề chương trình học. Thậm chí còn mời thày đi ăn nhưng đã bị từ chối khéo!

Cũng cần nói thêm rằng, trong nội các của Chính phủ Việt Nam hiện thời có một học trò của GS Hưng ngày ấy đương coi sóc ngành ngân hàng. Phải, đó là Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Hẳn mọi người còn nhớ hình ảnh hai người phụ nữ quyền lực của Việt Nam và Hoa Kỳ tại cuộc gặp trực tuyến song phương xuất hiện trên truyền thông thời điểm tháng 7 năm 2021. Đó là nữ Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, nữ Thống đốc đầu tiên của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ thời Obama. Dưới thời J. Biden, bà lại chững chạc ở vị thế Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ với Thống đốc (cũng là nữ đầu tiên ở Việt Nam) Nguyễn Thị Hồng.

Bao nhiêu là những ngổn ngang ngáng trở đã và đang phát sinh trong lãnh vực tài chánh, tiền tệ trong quan hệ hai nước mà hai người đàn bà này phải có trọng trách thu xếp êm thuận?

Tôi cũng may mắn được coi tấm thiệp chúc mừng năm mới của người thày TS Nguyễn Tiến Hưng gửi các học trò Khóa học năm xa ấy.

Cánh cửa 2017 sắp khép lại. Từ ngàn trùng xa cách, thầy gửi đến từng em trong lớp đào tạo 22 thành viên quý mến của thầy những lời chúc tốt đẹp nhất. Cầu mong cho 2018 sẽ mang lại cho các em và gia đình sự bình an và sức khỏe (dù là tương đối). Chỉ có thế, còn mọi sự khác: ta cứ phó mặc Trời sắp xếp.

Thầy cám ơn Nguyễn Việt Hà đã “tạo điều kiện” để thầy còn giữ được những kỷ niệm của một lớp học ấn tượng đối với thầy (trong sự nghiệp giảng dạy trên 40 năm). Thầy sẽ trân quý (“treasure”) những kỷ niệm ấy, nó sẽ không bao giờ nhạt nhòa trong trí óc.

Thầy Hưng

Lấy bằng Tiến sĩ kinh tế ở Đại Học Virginia từ năm 1965 và có hơn 10 năm TS Nguyễn Tiến Hưng từng giảng dạy ở nhiều trường ĐH Hoa Kỳ. Khó biết cơ duyên nào đầu những năm 80 dẫn ông đến Đại học Howard ở thủ đô WashingtonDC, nơi đào tạo nhiều tiến sĩ người Mỹ gốc Phi nhất ở Hoa Kỳ?

Có lẽ niềm tin ở những giá trị nhân văn và tự tôn phẩm giá. Trước Chúa, trước Thượng đế, mọi người đều bình đẳng mà vị TS người Công giáo Nguyễn Tiến Hưng đã tự tin đứng ở bục giảng nhiều năm ở ngôi trường danh giá mà Howard luôn được coi là Havard của người da màu.

Ngôi trường được mang tên danh tướng thời nội chiến Hoa Kỳ, Thiếu tướng Howard (sinh 1830, mất 1909). Là một người theo chủ nghĩa bãi nô. Sống đời sống dân sự hay quân sự, ông không lúc nào lơi lỏng việc khởi xướng cũng như tích cực tham gia các chương trình xã hội như giáo dục, chăm sóc y tế và phân phối thực phẩm… với mục đích thúc đẩy việc hòa nhập những người trước đây bị nô lệ vào cộng đồng.

Ngôi trường danh giá mang tên Howard từng có một sinh viên đặc biệt!

Người đó là Kamala Harris, Phó Tổng thống Hoa Kỳ sau này.

Cuốn “The Truths We Hold” (Sự thật ta nắm giữ) tác giả là Kamala Harris, Phó Tổng thống Hoa Kỳ đã được dịch ra tiếng Việt. Từ khi bà trở thành Phó Tổng thống, những cuốn bà viết, đặc biệt là cuốn Sự thật ta nắm giữ… là một trong sách bán chạy nhất nước Mỹ năm 2020.

Xin lẩy ra chút lý lịch trích ngang trong cuốn sách.

Có một đôi trai tài gái sắc da màu dòng dõi dân nhập cư. Chàng là nhà kinh tế gốc Jamaica, từng tốt nghiệp ĐH Standford. Mẹ là nhà nghiên cứu về ung thư, gốc Ấn Độ, tốt nghiệp ĐH California.

Mùa thu năm 1962, cô sinh viên Shyamala lần đầu gặp chàng trai Donald Harris tại một cuộc hội thảo dành cho sinh viên. Năm 1963, họ kết hôn.

Năm 1964, cô con gái đầu lòng Kamala Harris ra đời.

Có lẽ cô con gái Harris có mối quan tâm và có năng khiếu về Kinh tế học là do ảnh hưởng từ cha mình, ông Donald Haris, vị Giáo sư da đen đầu tiên được chính thức biên chế tại Khoa kinh tế trường ĐH Standford danh giá (để được bổ nhiệm theo quy chế này, các ứng viên phải có thành tích khoa học dày và uy tín cao).
Bà Gopalan Shyamala, mẹ Harris, năm 1958, từ Ấn Độ, bà Shyamala giành học bổng Chương trình Thạc sỹ về nội tiết học và dinh dưỡng tại ĐH California, Berkeley danh giá. Bà tốt nghiệp Tiến sỹ Khoa học cùng lĩnh vực vào năm 1964. Bà là thành viên hội đồng thẩm định của Viện Y tế quốc gia, Uỷ ban Cố vấn Liên bang. Bà cũng phục vụ trong Uỷ ban đặc biệt của Tổng thống về Ung thư vú… Đầu những năm 1970, họ ly hôn. Nhưng biến cố ấy không làm chệch chí hướng của vợ chồng lẫn con cái. Việc học hành vẫn tấn tới. Shyamala vẫn thường đưa các con gái về thăm ông bà ngoại tại Chennai. Shyamala mất năm 2009 vì bệnh ung thư. Cuối năm 2009, đích thân Kamala Harris đưa tro cốt của mẹ về Chennai và rải tro xuống Ấn Độ Dương.

Sau khi học tiểu học tại Berkeley, California, và trung học tại Montreal, mùa thu năm 1982, cô Harris lựa chọn ĐH Howard và mong muốn trở thành một luật sư. “Khi đặt chân vào ngưỡng ĐH, tôi muốn bắt đầu thành công từ bước đi đúng đắn” bà viết trong cuốn sách “The Truths We Hold” (Sự thật trong lòng tay). “Và có nơi nào tốt hơn để làm điều đó ngoài ngôi trường mà Thurgood Marshall đã học?” (Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được bổ nhiệm làm thành viên Toà án Tối cao Hoa Kỳ).

Harris tốt nghiệp Đại học Howard năm 1986 với bằng Cử nhân khoa học chính trị và kinh tế.

Sau này bà trở thành luật sư, Thượng nghị sĩ và Phó TT Hoa Kỳ.

Hàng năm Howard, ngôi trường mà GS Hưng dạy có trên 10.000 sinh viên, trong đó có 7.000 sinh viên bậc đại học theo học.

Sẽ là rất khó để một GS như Nguyễn Tiến Hưng nhớ rành rẽ, cụ thể một học trò nào đó? Nếu có biết, có rành thì học trò ấy phải thuộc loại đặc biệt?

May qua kênh liên lạc với ông bạn Nguyễn Việt Hà, chuyên gia ngân hàng, một học trò cũ cuả GS (GS Hưng không dùng Email. Lâu nay tôi vẫn liên lạc thông tin bài vở với GS qua kênh riêng của Nguyễn Việt Hà. GS là người rất tình cảm. Tôi theo Việt Hà gọi bằng Thầy theo cái nghĩa kính trọng của từ ấy. Một chi tiết cảm động mà GS gửi cho tôi có nhắc đến thuở hàn vi gian khó, con trai cụ chánh Phi Nguyễn Tiến Hưng đã từng phải ngược đồng rừng lên mạn quê tôi để chặt nứa đóng bè xuôi sông Mã về Nga Sơn) và qua Email của mấy người thân quen của GS Hưng, tôi được biết một chuyện.

Thời điểm Kamala Harris trở thành Phó TT, bạn bè người quen phát hiện ra vị ấy từng là học trò của GSTS kinh tế Nguyễn Tiến Hưng ở Howard khóa 1982-1986.

Rằng “gạn” kỹ GS Hưng thì thày chỉ cười cười… Gạn mãi, trước khi lảng sang chuyện khác, thày chỉ vắn tắt đại loại.

“Mình hơn 40 năm dạy học rồi. Tuổi đã cao, trí nhớ kém. Vả chăng cái nghề dạy học, như người chèo đò chở bao nhiêu các thế hệ học trò qua sông đời. Người Việt mình còn có câu, khách nhớ nhà hàng chứ chắc gì nhà hàng đã nhớ khách?”

Nhưng với ông bạn của tôi, thày bộc bạch rằng, thày chỉ mang máng (thày Hưng còn cẩn thận dùng chữ -remember vaguely- nhớ chừng)!

Bởi cô trò Kamala Harris khá là thông minh, thuộc vào hàng A (chứ không phải A+) Sinh viên này thích và có tài tranh luận (debate), được chọn vào Student Council (Hội đồng sinh viên). Được bầu làm Chủ tịch Abram Harris Economic Society của Trường Howard (Abram Harris là người da mầu đầu tiên đỗ Tiến sĩ Kinh tế và là Khoa trưởng Kinh Tế đầu tiên tại Howard University (1936-1945). Kamala rất năng động và có lòng từ bi, hay tham dự các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc (arpatheid)

Có lẽ các khóa học ở Howord không nhiều những thủ lĩnh sinh viên- chủ tịch hội đồng như Harris nên cái tên cô sinh viên da màu Kamala Harris đã lưu lại dẫu mang máng trong bộ nhớ của GSTS Nguyễn Tiến Hưng?

Khi ngó thêm cuốn “Sự thật ta nắm giữ” những chi tiết mà thày Hưng mang máng ấy trong cuốn sách của mình, tác giả Kamala Harris đều có viết! Cho đến thời điểm này thày Hưng chưa có cuốn“The Truths We Hold”

Chắc thày Hưng chưa tường hay chưa kịp ngỏ với anh bạn tôi chi tiết, bà Phó TT viết trong sách, khi Thượng nghị sĩ bang California, Kamala Harris thời điểm tham dự cuộc đua vào vị trí phó Tổng thống, TNS Kamala Harris đã vinh dự được mời trở lại thăm Trường ĐH Howard. Phát biểu trước các sinh viên tốt nghiệp khóa 2017, Harris đã bộc bạch nhiều điều trong đó có lời tri ân các thày giáo của mình. “Đầu tiên, để dẫn đầu và để thành công, bạn phải từ bỏ những lựa chọn thất bại. Howard đã dạy tôi, cũng như đã dạy các bạn, rằng bạn có thể làm tất cả và có thể làm tất cả mọi điều”

Có thể làm tất cả mọi điều?

Dường như túi khôn mà ngôi trường và các thày của Howad truyền thụ đã làm nên bản lãnh của cô học trò thuở ấy đã trở thành thứ Slogan để Kamala Harris hành xử với cương vị một chính khách Hoa Kỳ sau này.

Sinh năm 1964. Cầm tinh con Rồng. Giới ngoại giao và truyền thông nước ngoài trước sự kiện Phó Tổng thống Hoa Kỳ Harris sắp thăm Việt Nam có vẻ như đang chất lên bao gánh nặng lên bờ vai mảnh mai cô học trò năm xưa của GSTS Nguyễn Tiến Hưng?

Những là chuyến thăm này là một cuộc chơi lớn (Great Game) của chiến lược tái cân bằng. Rằng Hà Nội là trọng tâm của Great Game chứ không phải Kabul? Nào là Hà Nội là trọng điểm mà Hoa Kỳ cần phải củng cố trên cái trục Tokyo- Đài Bắc- Singapore, bức tường án ngữ tham vọng bá quyền nào đó! vv… và vv…

Nhưng nghe vậy thì biết vậy! Gì thì gì, con Rồng ấy đã về với bể Đông! Tháng 8/2021, khi Phó TT Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam, trên truyền thông cũng đã rộng rãi chi tiết các góc độ chuyến thăm VN lần đầu của Phó TT Hoa Kỳ!

Đã rành rẽ những điều cần bàn cần quyết với các chính khách Việt. Đã thêm một triệu liều vaccine cho VN chuyển ngay trong 24h. Hoàn thiện những thủ tục để xây dựng Ngôi nhà Hoa Kỳ (Đại sứ quán mới); Khai trương Văn phòng CDC Đông Nam Á tại Hà Nội vv… đã đang hiện diện và hình thành những việc lành trong cái khung hợp tác đối tác toàn diện chuẩn bị cho một tương lai gần của đối tác đặc biệt, chiến lược!

Những gắng gỏi ấy như những cú hích hòa bình của Phó TT Hoa Kỳ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam đã dẫn đến thời điểm “Vinh hoa bõ lúc phong trần” (như câu Kiều mà Tổng thống J. Biden đã dẫn ra thời điểm tháng 9-2023 khi thăm Việt Nam), với sự kiện hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Ấn tượng thêm chi tiết, trong làn mưa ngâu nặng hạt Hà Thành, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, tay ô, tay hoa rẽ làn mưa đến bên tấm bia tưởng niệm J. McCaine bên hồ Trúc Bạch.

… Như thường lệ, mới đây ghé qua cái “kênh” của ông bạn chuyên gia ngân hàng Nguyễn Việt Hà tôi mừng vì được biết vị GS cao niên người làng Điền Hộ ấy may vẫn khỏe mạnh minh mẫn. Hiện ông rất bận vì đang phải hoàn thành gấp một công trình nghiên cứu về Châu Phi theo đơn đặt hàng của IMF.

Một chút buồn bởi chưa nghe thấy triệu chứng gì việc ông sắp trở lại cố hương? Bởi còn bao điều ngổn ngang dẫu là bé mọn riêng mình muốn được giải tỏa bộc bạch, muốn được có dịp hầu chuyện ông? Một chuyến rong ruổi cùng ông về cố hương Điền Hộ nghe ông kể thêm về người hàng xóm nhạc sĩ Anh Bằng như đương hiển hiện chập chờn…

Và cả ba cuốn sách lâu nay xếp trên giá kia hình như đang muốn đợi, muốn đòi chữ ký của tác giả?