Chuyện ở hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ giữa vòng vây địch tại căn cứ K20

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với địa hình cát pha phù sa, bao quanh bởi sông và biển, khu vực này trở thành “vùng lõm” cách mạng hoàn hảo, giúp quân giải phóng dễ dàng vận chuyển vũ khí, tài liệu và tổ chức lực lượng ngay trong lòng địch.

Chuyện ở hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ giữa vòng vây địch tại căn cứ K20

K20 - Biểu tượng của lòng dân và sức mạnh cách mạng

Được hình thành từ năm 1964 theo quyết định của Quận ủy Quận 3, khu căn cứ K20 nằm tại vùng đất Đa Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa - nay thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Với địa hình cát pha phù sa, bao quanh bởi sông và biển, khu vực này trở thành “vùng lõm” cách mạng hoàn hảo, giúp quân giải phóng dễ dàng vận chuyển vũ khí, tài liệu và tổ chức lực lượng ngay trong lòng địch.

Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, khi cả nước rộn ràng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), tại Đà Nẵng, những dấu chân của nhiều người trẻ đang tìm về di tích K20 để tưởng nhớ, tri ân người dân đã tạo nên căn cứ huyền thoại, nuôi giấu cán bộ, tạo nên những chiến thắng vang dội.

vt_ảnh 2.jpg
Nhà thờ Bà Nhiêu, nơi sở hữu hệ thống hầm bí mật che giấu cán bộ.

Ngược dòng thời gian hơn nửa thế kỷ về trước, địa bàn căn cứ K20 là hệ thống hầm bí mật chằng chịt, trải dài qua các xóm: Đa Phước (xóm Cát), Nước Mặn (xóm Đồng) (thường gọi chung là Đa Mặn) và một phần của làng Mỹ Thị, Bà Đa thuộc quận 3 - Đà Nẵng.

Với địa hình đất cát và phù sa, diện tích khoảng 4 km2 chạy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, nằm kẹp giữa sông và biển đã giúp quân giải phóng có thể dễ dàng qua mắt địch, dùng các phương tiện đường thủy, đến các xã lân cận của huyện Hòa Vang, huyện Điện Bàn (của tỉnh Quảng Nam) hoặc vào trung tâm TP để làm nhiệm vụ.

Năm 1964, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Quận ủy Quận 3 quyết định xây dựng Đa Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa; trong đó, Đa Mặn là khu vực trọng yếu nhất để hình thành một căn cứ lõm cách mạng, lấy mật danh là K20.

Thời điểm này, nơi đây có khoảng gần 200 hộ gia đình. Dân gian còn gọi đây là “xóm Mồ Côi” vì mức độ tập trung dân cư còn ít, hình thành nên những xóm nhỏ, trước đó như xóm Nước Nặm chỉ còn khoảng 30 hộ gia đình và bị tách biệt giữa đồng trũng.

Mặc dù căn cứ K20 được chính thức xây dựng vào năm 1964, theo quyết định của Quận ủy Quận III – Đà Nẵng, song qua thực tiễn của cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp (1946 – 1954), và những năm đầu chống Mỹ, nơi đây đã trở thành mảnh đất tiêu biểu về phong trào đấu tranh cách mạng đã được nhìn nhận là “lõm” chính trị quan trọng của cách mạng Đà Nẵng nói chung và vùng đất Ngũ Hành Sơn nói riêng.

vt_ảnh 3.jpg
Ông Năm Thông, một nhân chứng sống, cựu cơ sở cách mạng, người đã từng trực tiếp tham gia và chứng kiến những năm tháng chiến đấu đầy cam go bên cửa hầm bí mật

Ông Năm Thông, một nhân chứng sống, cựu cơ sở cách mạng, người đã từng trực tiếp tham gia và chứng kiến những năm tháng chiến đấu đầy cam go nhưng cũng rất đỗi hào hùng tại nơi đây cho biết: “K20 không chỉ là nơi nuôi giấu cán bộ, mà còn là “mắt xích” quan trọng trong hệ thống giao liên, vận chuyển tài liệu, vũ khí từ vùng ven vào nội thành Đà Nẵng. Bà con nơi đây một lòng một dạ theo cách mạng, người đào hầm, người cảnh giới, người lo tiếp tế. Có những đêm giữa tiếng pháo, tiếng trực thăng địch gầm rú, cán bộ vẫn họp ngay dưới những căn hầm bí mật, lòng không hề nao núng”.

“Có lần tôi cùng đồng đội cứu một cán bộ bị thương giữa vòng vây địch, đưa người ấy vào hầm trú ẩn ngay dưới sàn nhà, chỉ cách lính Mỹ vài bước chân. Nếu bị phát hiện thì cả xóm phải trả giá. Nhưng ai cũng quyết giữ bí mật, sống chết có nhau”, ông Thông kể lại.

Toạ độ đỏ của cách mạng giải phóng dân tộc

Sau hiệp định Giơnevơ (1954), giai đoạn 1965 – 1975, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây nhiều đồn bốt quanh TP Đà Nẵng. Các chốt điểm rải khắp từ chân đèo Hải Vân ở phía tây xuống tận bán đảo Sơn Trà, Non Nước ở phía đông, vòng qua phía nam, tây nam - tạo thành đường vành đai quân sự khép kín, vây chặt TP Đà Nẵng.

K20 lúc này đã nằm lọt vào hệ thống phòng tuyến vành đai của địch. Đặc biệt ở đây, tại khu vực Đa Mặn, phía giáp biển, được quân đội Mỹ xây dựng một sân bay quân sự chiến lược nhằm giảm tải cho sân bay Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu chiến tranh khiến K20 càng khó bề giữ vững.

Cái khó ló trí thông minh, một trận địa dưới lòng đất được hình thành từ đó, kết nối với hệ thống hầm bí mật thời kháng chiến chống Pháp, K20 sở hữu hệ thống hầm bí mật chằng chịt, trải dài trên diện tích hơn 4 km2, góp phần nuôi giấu cán bộ, tạo bàn đạp cho chiến dịch giải phóng miền Nam.

“Đây là giai đoạn mà hệ thống hầm bí mật ở K20 phát triển “bùng nổ” và hoàn thiện nhất. Cho đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, trên mảnh đất K20 đã có đến hơn 150 công sự mật dưới lòng đất. Các công trình bí mật này được xây dựng ngày càng tinh vi, kín đáo và bền vững”, ông năm Thông chia sẻ.

vt_ảnh 7.jpg
Thế hệ trẻ cùng hành trình về với địa chỉ đỏ K20.

Các cửa hầm bí mật có thể ở bất cứ nơi đâu. Có chỗ dưới những lũy tre, bờ giậu ngăn giữa các gia đình, ngay trong bàn thờ gia tiên hoặc trong nhà bếp… nhằm đảm bảo khả năng ngụy trang che mắt địch. Nổi tiếng nhất là hầm bí mật ở nhà ông Huỳnh Trưng, nhà bà Nguyễn Thị Hải, nhà thờ Bà Nhiêu.

Điểm nổi bật trong hệ thống công sự mật được xây dựng ở K20 giai đoạn này là có tính cơ động cao và quy mô lớn. Tại nhiều gia đình, hoặc giữa các gia đình lân cận, có các đường hầm nhánh kết nối, như thế vừa có điều kiện che giấu được nhiều người đồng thời, tạo ra thế liên hoàn rất thuận lợi cho việc di chuyển, tránh được sự phát hiện, đánh quét của địch.

Là người trông coi di tích nhà thờ bà Nhiêu, nơi có số lượng hầm bí mật nhiều nhất tại khu căn cứ K20, ông Năm Thông nhớ lại: “Mùa Xuân năm 1975, trong không khí sục sôi của những ngày Tổng tấn công và nổi dậy giải phóng miền Nam, rạng sáng 29/3/1975 nhân dân K20 phối hợp với lực lượng vũ trang Quảng Đà đồng loạt nổi dậy và tấn công vào tất cả các cơ sở của địch.

9h sáng cùng ngày, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được cắm trên sân bay Nước Mặn, báo hiệu sự thắng lợi hoàn toàn của quân dân khu căn cứ, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc với vai trò và chức năng là một căn cứ kháng chiến trong lòng địch”.

vt_ảnh 6.jpg
Những hình ảnh tư liệu về căn cứ K20 trong kháng chiến chống Mỹ

Ngày nay, nhiều di vật, hiện vật và hệ thống hầm bí mật trong kháng chiến chống Mỹ ở nhà ông Huỳnh Trưng, nhà bà Nguyễn Thị Hải, nhà thờ Bà Nhiêu, nhà thờ tộc Nguyễn… vẫn được bảo tồn, được lưu giữ lại, có giá trị minh chứng lịch sử về một thời đấu tranh ngoan cường, bất khuất ngay trong lòng địch của cán bộ và nhân dân K20 nói riêng, Đà Nẵng nói chung.

Năm 2010, Khu căn cứ cách mạng K20 được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Hiện nay, Khu căn cứ được TP Đà Nẵng đầu tư chỉnh trang, nâng cấp khang trang nhưng vẫn giữ được nét đẹp hiền hòa, yên ả của một vùng quê ngay giữa lòng đô thị.

Khu căn cứ cách mạng K20 còn là một trong những địa chỉ đỏ giúp thế hệ trẻ ghi nhớ, hiểu rõ về công lao, tinh thần đấu tranh anh dũng, đoàn kết, sáng tạo của quân dân vùng Ngũ Hành Sơn nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung.

Lối vào khu căn cứ cách mạng K20.
Lối vào khu căn cứ cách mạng K20.
Nhà truyền thống K20 hiện đang lưu giữ các hiện vật, tài liệu, chứng tích của 1 thời đấu tranh kiên cường của cha ông ta.
Nhà truyền thống K20 hiện đang lưu giữ các hiện vật, tài liệu, chứng tích của 1 thời đấu tranh kiên cường của cha ông ta.
Nhà thờ bà Nhiêu, nơi đây có 6 hầm bí mật được xây dựng từ cuối năm 1962 đến năm 1968 tại những vị trí: dưới nền nhà thờ, góc trước sân nhà, sau vườn và trong bếp.
Nhà thờ bà Nhiêu, nơi đây có 6 hầm bí mật được xây dựng từ cuối năm 1962 đến năm 1968 tại những vị trí: dưới nền nhà thờ, góc trước sân nhà, sau vườn và trong bếp.
Cận cảnh một đường hầm bí mật tại khu căn cứ K20
Cận cảnh một đường hầm bí mật tại khu căn cứ K20
Những tư liệu về khu căn cứ K20 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Những tư liệu về khu căn cứ K20 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Trong suốt thời gian từ năm 1969 đến 1975, hầm bí mật của gia đình ông Trưng đã nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo Quận ủy hoạt động tại K20 như các đồng chí Bảy Chanh, Phan Ngọc Hồi, Đặng Văn Khá, Sáu Trung.
Trong suốt thời gian từ năm 1969 đến 1975, hầm bí mật của gia đình ông Trưng đã nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo Quận ủy hoạt động tại K20 như các đồng chí Bảy Chanh, Phan Ngọc Hồi, Đặng Văn Khá, Sáu Trung.
Ông Nguyễn Thông, cựu cơ sở cách mạng - người trông coi di tích chỉ dẫn một hầm bí mật ngay trước sân nhà thờ, được nguỵ trang tài tình như bậc thềm bình thường.
Ông Nguyễn Thông, cựu cơ sở cách mạng - người trông coi di tích chỉ dẫn một hầm bí mật ngay trước sân nhà thờ, được nguỵ trang tài tình như bậc thềm bình thường.
Thời gian qua, di tích K20 đã đón nhiều lượt khách đến tham quan, trở thành địa chỉ học tập, giáo dục truyền thống yêu nước của hàng ngàn học sinh, người dân địa phương.
Thời gian qua, di tích K20 đã đón nhiều lượt khách đến tham quan, trở thành địa chỉ học tập, giáo dục truyền thống yêu nước của hàng ngàn học sinh, người dân địa phương.