Chuyên gia Trung Quốc: “Ông Tập đang thuyết phục ông Trump nghĩ lại”

Đây đươc xem là lần đầu tiên ông Tập công khai chỉ trích những chính sách được Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ủng hộ.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử và Chủ tịch Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tổng thống Mỹ mới đắc cử và Chủ tịch Trung Quốc (ảnh minh họa)

Trong bài phát biểu ngày 17/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp trên toàn cầu phản đối chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. 

Đây đươc xem là lần đầu tiên ông Tập công khai chỉ trích những chính sách được Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ủng hộ.

Hãng tin Bloomberg cho biết ông Tập không đề cập trực tiếp đến tên ông Trump, nhưng những gì mà ông nói rõ ràng nhằm vào ông Trump. 

Phát biểu trước các đông đảo đại biểu tham dự WEF, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói chính những thất bại trong quản trị, thay vì toàn cầu hóa, là nguyên nhân làm dấy lên tâm lý bất an trên toàn cầu hiện nay. 

Ông kêu gọi các tỷ phú và các nhà lãnh đạo chính trị nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện giám sát ngành tài chính, trong khi không rút lui khỏi những chính sách đã giúp thúc đẩy tăng trưởng suốt nhiều thập kỷ qua.

Ông Tập phát tín hiệu thừa nhận rằng nếu Bắc Kinh bị “khiêu chiến” trong một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ dưới thời Trump, thì điều đó sẽ gây thiệt hại cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của chính Trung Quốc.

“Theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ cũng giống như tự giam mình trong phòng tối. Có vẻ như sẽ tránh được mưa gió, nhưng cũng vì thế mà không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và không khí”, ông Tập nói với tư cách là vị Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên phát biển tại diễn đàn kinh tế thường niên ở Davos, Thụy Sỹ. “Gây chiến tranh thương mại chỉ dẫn tới thương tổn và mất mát cho cả hai phía”.

Trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ và kể cả sau khi đắc cử, ông Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa thương mại đối với các quốc gia mà ông cho là khiến người Mỹ mất việc làm như Trung Quốc và Mexico. Phát biểu của ông Tập cho thấy Trung Quốc thực sự lo ngại về những lời đe dọa của ông Trump.

“Điều này cho thấy rằng Trung Quốc không đánh giá thấp nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại”, ông He Weiwen, Phó giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở ở Bắc Kinh, đánh giá. “Trung Quốc vốn là một quốc gia toàn tâm ủng hộ trật tự kinh tế toàn cầu do Mỹ dẫn đầu. Giờ đây, khi Tổng thống sắp tới của Mỹ có những tín hiệu của sự rút lui, Trung Quốc đang tiến lên để nắm lấy vị trí lãnh đạo”.

“Chẳng ích gì nếu đổ lỗi cho toàn cầu hóa kinh tế gây ra những vấn đề của thế giới, vì đó không phải là nguyên nhân”, ông Tập nói. “Lịch sử nhân loại đã cho thấy vấn đề không đáng ngại. Điều đáng lo là sự thoái thác đối mặt với vấn đề”.

Bất chấp giảm tốc, Trung Quốc vẫn là nguồn động lực tăng trưởng lớn của kinh tế thế giới. Theo số liệu của WEF, Trung Quốc chiếm khoảng 39% tăng trưởng toàn cầu trong năm ngoái.

Tháp tùng ông Tập tham dự WEF là một đoàn gồm 80 doanh nhân hàng đầu Trung Quốc, với các tỷ phú như Jack Ma của Alibaba, Wang Jianlin của Dalian Wanda, và Zhang Yaqin của Baidu.

Trong bài phát biểu, ông Tập cũng kêu gọi các quốc gia mở cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc và nói sẽ không phá giá đồng Nhân dân tệ để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc.

“Ông Tập đang thuyết phục ông Trump nghĩ lại”, ông Wang Wen, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét. Theo ông Wang, ông Tập đang làm theo phương châm của người Trung Quốc xưa là “cố gắng dùng các biện pháp hòa bình trước khi sử dụng vũ lực”.

Nguồn: Vneconomy