|
Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn. Ảnh: Cri Online/Chinadaily. |
Tờ Đại Công báo Hồng Kông ngày 11/10 dẫn lời Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn do Trung Quốc tổ chức, cho hay "đánh cờ quân sự" trở thành một đặc trưng nổi bật trong cạnh tranh địa-chính trị ở Biển Đông trong thời gian tới.
Nếu Nhật Bản tham gia tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông, khả năng xảy ra xung đột quân sự sẽ "tăng mạnh" - Ngô Sĩ Tồn khẳng định.
Ngô Sĩ Tồn đưa ra nguyên nhân là, Trung Quốc và Nhật Bản thiếu lòng tin chính trị, đối lập về chiến lược quân sự, thiếu cơ chế quản lý, kiểm soát khủng hoảng.
Ngô Sĩ Tồn cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines "đã làm thay đổi quy tắc trò chơi trong đánh cờ Biển Đông", đồng thời dẫn tới sự điều chỉnh của các bên về đòi hỏi lợi ích, tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng sẽ tăng thêm biến số, độ khó đạt được đồng thuận về COC tăng mạnh.
Ngô Sĩ Tồn nhận định, khủng hoảng Biển Đông còn có khả năng lan ra bên ngoài. Nhà cầm quyền Đài Loan điều chỉnh chính sách Biển Đông, hưởng ứng Mỹ và Nhật Bản, sự bất đồng giữa hai bờ trong chính sách và chủ trương Biển Đông sẽ tăng thêm biến số mới cho sự phát triển của tình hình Biển Đông trong tương lai. Theo đó, "khủng hoảng Biển Đông" và "khủng hoảng lan ra bên ngoài" sẽ cùng xảy ra.
Về cách thức "bảo vệ hòa bình và ổn định Biển Đông", Ngô Sĩ Tồn cho rằng, thứ nhất Trung Quốc và Mỹ cần xây dựng quan hệ quân sự "tránh phán đoán nhầm, giảm đối đầu, quản lý và kiểm soát khủng hoảng" ở Biển Đông.
Thứ hai, đẩy nhanh tham vấn COC, đưa ra "thời gian biểu" và "lộ trình" của tham vấn COC.
Thứ ba, trên cơ sở nhanh chóng khởi động 2 đường dây nóng, nghiên cứu xây dựng quy tắc "gặp nhau bất ngờ trên biển" giữa lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông.
Thứ tư, căn cứ vào các quy định có liên quan, đàm phán xây dựng "cơ chế hợp tác giữa những nước xung quanh Biển Đông".
Thứ năm, từng bước xây dựng cơ chế song phương giữa Trung Quốc với các nước liên quan nhằm giải quyết tranh chấp.