Chuyên gia nói gì về cuộc duyệt binh lớn chưa từng có của Trung Quốc?

Lần đầu tiên tổ chức duyệt binh mừng Chiến thắng phát xít Nhật và kết thúc Thế chiến II, Trung Quốc khẳng định đây sẽ là cuộc duyệt binh lớn chưa từng có, với nhiều loại khí tài được phô diễn lần đầu.
Các hệ thống bích kích pháo xuất hiện trong buổi diễn tập chuẩn bị cho duyệt binh (Ảnh: AP)

Duyệt binh lớn chưa từng có

Những ngày qua, Trung Quốc đang gấp rút thực hiện bước chuẩn bị cuối cùng để sẵn sàng cho lễ duyệt binh ngày 3/9, mừng Chiến thắng phát xít Nhật và kết thúc Thế chiến II. TheoTân Hoa Xã, trong tối thứ Bảy và sáng Chủ nhật, đã có 12.000 binh sỹ, khoảng 500 xe quân sự và gần 200 máy bay tham gia tập rượt thâu đêm tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Phát biểu với tờGlobal Times, thượng tá quân đội Shao Yongling, đến từ đại học Bộ chỉ huy Quân đoàn pháo binh số 2, khẳng định tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong 26 (DF-26) và tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 đều đã xuất hiện trong buổi diễn tập.

Chuyên gia phòng không tại Bắc Kinh Fu Qianshao cũng cho biết chiến đấu cơ mới nhất J-15, được trang bị cho tàu sân bay, cũng có mặt trong buổi tập này.

Những thông tin trên cho thấy, Trung Quốc đang thực sự chuẩn bị phô diễn những khí tài uy lực nhất trong kho vũ khí của mình trong buổi lễ ngày 3/9 tới.

Trước đó, phát biểu trước báo giới ngày 21/8, ông Qu Rui, Cục phó cục tác chiến Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc, khẳng định sẽ có tổng cộng 27 nhóm khí tài quân sự, được sử dụng trong các nhiệm vụ tấn công trên bộ, trên biển, trên không và phòng thủ tên lửa, cùng lực lượng “tấn công chiến lược” sẽ được đưa ra trình diễn.

Nhiều chiến đấu cơ, tên lửa hiện đại đã được Trung Quốc điều động cho lễ duyệt binh (Ảnh: Global Times)

Tất cả đều là “vũ khí chiến trường chủ lực do Trung Quốc sản xuất”, và 84% số thiết bị được lần đầu đưa ra trình diễn.

“Những khí tài này cho thấy sự phát triển mới, thành tựu mới và hình ảnh mới trong quá trình xây dựng các lực lượng vũ trang Trung Quốc”, ông Qu nói.

Cuộc duyệt bình sẽ còn có sự tham dự của hơn 10 quốc gia khách mời, trong đó có Nga và Kazakhstan. Những nước còn lại, theo tờThe Diplomat, có thể gồm Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kyrgyzstan, Tajikistan, Mông Cổ, Ấn Độ và Serbia.

Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp gì?

Theo nhà nguyên cứu Huang Dong, chủ tịch Viện quân sự quốc tế Macau, cuộc duyệt binh lần này của Trung Quốc một phần nhằm phát đi thông điệp cảnh báo Mỹ.

Trả lời phỏng vấn tờMing Paocủa Hồng Kông, ông Huang cho biết mục tiêu của cuộc duyệt binh đã vượt qua khuôn khổ sự kiện kỷ niệm kết thúc Thế chiến II, và bao gồm cả phô diễn sức mạnh quân sự Trung Quốc cho Mỹ thấy. Đây được xem như lời cảnh cáo Washington không nên “can dự” vào các hoạt động trong khu vực, đặc biệt là những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Hoa Đông.

Nhiều khí tài chưa từng công bố sẽ được Trung Quốc "vén màn" bí mật (Ảnh: AP)

Theo ông Huang, cuộc duyệt binh đem đến cho Trung Quốc nền tảng để phát triển “quan hệ ngoại giao hữu nghị” của nước này, đồng thời “thể hiện sức mạnh” trong bối cảnh nước này đang có mâu thuẫn khu vực với các nước láng giềng, trong đó có những đồng minh của Mỹ.

Mặt khác, chuyên gia này cũng tin rằng, việc phát sóng trực tiếp rộng rãi sự kiện duyệt binh, với những vũ khí mới nhất của Trung Quốc, dù sao cũng là cử chỉ mang tính “hòa bình hơn” so với việc thiếu minh bạch. Nó cho thấy giới chức “Trung Quốc đang ngày càng thông minh hơn”, ông Huang nhận định.

Với việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Mỹ trong tháng 9, việc phô diễn sức mạnh trong cuộc duyệt binh được tin là sẽ giúp ông Tập có đòn bẩy lớn hơn khi gặp gỡ Tổng thống Obama.

Đại tá Peng Yulong, đến từ Học viện khoa học quân sự của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cũng có bài bình luận trên tờChina Youth Dailyrằng, cuộc duyệt binh mừng Ngày chiến thắng phát xít Nhật có thể trở thành “bình thường” trong tương lai, và tách biệt khỏi cuộc duyệt bình mừng quốc khánh Trung Quốc.

Ông Qu Rui, người được giao chủ trì cuộc duyệt binh, thì được tờAsahicủa Nhật trích dẫn khẳng định: “chúng tôi chống lại chủ nghĩa phát xít và quân phiệt. Chúng tôi tin rằng nhân dân Nhật yêu hòa bình sẽ hiểu và ủng hộ (cuôc duyệt binh)” ngày 3/9 tới.

Khi được phóng viên truy hỏi về việc tránh dùng cụm từ “kháng chiến chống Nhật” trong suốt buổi họp báo, ông Qu lí giải: “Chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đã gây thảm họa nghiêm trọng không chỉ cho người dân Trung Quốc mà còn cả nhân dân Nhật Bản. Cuộc duyệt binh này không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào hoặc tiếp tục thù hận ai đó”.

Tuyên bố của ông Qu dường như cho thấy một sự dịch chuyển lớn trong quan điểm của Bắc Kinh về cuộc duyệt binh.

Hồi tháng Giêng, khi kế hoạch tổ chức duyệt binh vừa được công bố, tờNhân dân nhật báocủa đảng Cộng Sản Trung Quốc trong một bài bình luận khẳng định, sự kiện này mang hai ý nghĩa lớn.

Thứ nhất là “phô diễn sức mạnh quân sự Trung Quốc”, bởi sức mạnh quân sự là một cột trụ thiết yếu trong sức mạnh quốc gia, sự hỗ trợ cần thiết cho cả bàn cờ chính trị lẫn cạnh tranh kinh tế. Giờ Trung Quốc đã trở thành nhân vật lớn trên sân khấu địa chính trị thế giới, đã đến lúc Trung Quốc phải phô diễn sức mạnh quân sự, bài báo khẳng định.

Lí do thứ hai được tờ báo đưa ra đó là cuộc duyệt binh nhằm “hăm dọa Nhật Bản”. Bởi “trong những năm gần đây, được hậu thuẫn bởi chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, chính sách của Nhật đối với Trung Quốc đã ngày càng thiếu kiềm chế…”, bài báo tuyên bố trước khi khẳng định: “cách duy nhất để ngăn chặn “nỗ lực điên rồ này” là Trung Quốc phải phô diễn sức mạnh quân sự của mình, và chứng tỏ quyết tâm không cho phép Nhật thay đổi trật tự hậu chiến tranh”.

Trong diễn biến mới đây, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ không tới Bắc Kinh dự lễ duyệt binh theo lời mời của nước chủ nhà. Ông cho biết “điều kiện tiên quyết cho việc tôi tham dự đó là sự kiện phải không nhằm chống lại Nhật mà mang tinh thần hòa giải”, ông Abe được tờAsahitrích lời.

Thanh Tùng theo Dân Trí