Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của mọi ngành nghề, mọi cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Khi được thu thập và xử lý đúng cách, dữ liệu có thể tạo ra lợi ích rất lớn cho chủ sở hữu.
Hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu, tuy nhiên, họ lại chưa khai thác và tận dụng dữ liệu để đem lại lợi thế cho mình. Trong khi đó, một số lĩnh vực như ngân hàng, truyền thông lại đang chứng tỏ được khả năng chuyển đổi số vượt trội nhờ thu thập và khai thác tốt dữ liệu.
VietTimes đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Hương Thảo, Trưởng phòng số hóa ngân hàng bán lẻ, khối ngân hàng bán lẻ, ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) xung quanh chủ đề về thu thập và xử lý dữ liệu. Bà Thảo đã có 15 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng, 10 năm kinh nghiệm quản lý các dự án chuyển đổi số ngân hàng. Bà đã từng là đồng sáng lập 2 công ty về công nghệ y tế, từng kinh qua các vị trí quản lý phòng nghiên cứu phát triển và chuyển đổi số tại các ngân hàng VPBank, MB và OCB.
PV: Ngày 11/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13 quy định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều 9 mục 1 chương 2 của Nghị định đã quy định, chủ thể dữ liệu có quyền được đồng ý, hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân, có quyền yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình. Là một doanh nghiệp có các hoạt động dịch vụ gắn chặt với dữ liệu khách hàng, xin bà cho biết Nghị định này có tác động thế nào với doanh nghiệp? có thể tạo ra "điểm nghẽn" cho doanh nghiệp trong vấn đề xử lý dữ liệu khách hàng hay không?
Bà Nguyễn Thị Hương Thảo: Thực tế từ trước tới nay, dù Chính phủ chưa ban hành Nghị định này, OCB và các ngân hàng nói chung đã và vẫn đang thực hiện rất nghiêm túc việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng. Đây không những là trách nhiệm mà còn là uy tín của các ngân hàng đối với khách hàng.
Trước khi sử dụng các dữ liệu khách hàng, Ngân hàng là một trong số ít ỏi các doanh nghiệp hiện tại luôn tôn trọng và hỏi khách hàng về việc có đồng ý và cho phép ngân hàng sử dụng các dữ liệu này hay không. Và chỉ khi được khách hàng đồng ý, chúng tôi mới sử dụng các dữ liệu này để phục vụ chính khách hàng đó tốt hơn.
Ngoài ra, từ trước tới nay, ngân hàng cũng là một trong những ngành có ý thức đầu tư một cách nghiêm túc cho công tác bảo mật an toàn thông tin, trong đó có bảo mật dữ liệu khách hàng.
Bởi vì đã có quy tắc ứng xử từ trước và đã thành thông lệ, nên với ngành ngân hàng, chúng tôi không phải thay đổi quá nhiều khi Nghị định 13 được ban hành và không tạo ra điểm nghẽn.
PV: Tất nhiên việc thực thi Nghị định vẫn cần có các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý, nhưng theo bà, các tổ chức, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị như thế nào cho những yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng theo tình hình mới?
Bà Nguyễn Thị Hương Thảo: Như đã đề cập, với ngành ngân hàng, chúng tôi không cần phải thay đổi quá nhiều khi Nghị định 13 được ban hành so với trước đây vì phần lớn ngân hàng đã có sẵn thông lệ ứng xử đối với dữ liệu khách hàng.
Tuy nhiên, với các tổ chức, doanh nghiệp khác, tôi cho rằng cần phải bổ sung thêm bộ quy tắc ứng xử với thông tin khách hàng, tăng cường công tác bảo mật thông tin khách hàng, đào tạo cho cán bộ nhân viên của mình kiến thức và các kỹ năng bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức.
Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy trong việc sử dụng thông tin khách hàng và tạo ra lợi ích kinh doanh bền vững cho các tổ chức.
PV: Theo bà, điều khó khăn nhất trong lưu trữ và xử lý dữ liệu người dùng/ khách hàng là gì? Có phải là vấn đề bảo mật hay không là các vấn đề khác liên quan đến con người và công nghệ?
Bà Nguyễn Thị Hương Thảo: Theo quan điểm của tôi, vấn đề khó nhất trong lưu trữ và xử lý dữ liệu người dùng/khách hàng là "đúng" và "trúng".
“Đúng” nghĩa là cần biết thông tin gì cần lưu trữ, thông tin gì không cần thiết, vì nếu không cái kho dữ liệu của doanh nghiệp sẽ phình to khổng lồ và không kiểm soát được, và từ đó các thông tin cũng khó có thể được sử dụng một cách hiệu quả.
“Trúng” nghĩa là thông tin gì dùng để làm gì, sử dụng cho các quyết định nào, chiếm tỷ trọng bao nhiêu. Từ trước tới giờ các ngân hàng đều có xây dựng bộ Scoring Card dựa trên dữ liệu khách hàng, và bộ Scoring này liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, vấn đề khó thứ 2 là cách lưu trữ, phân loại các thông tin phi cấu trúc (unstructured data). Đây là vấn đề chung của các tổ chức chứ không riêng ngân hàng.
Bảo mật thông tin cũng là một vấn đề mà các tổ chức phải lưu tâm xử lý và cần đầu tư về nguồn lực để thực hiện một cách nghiêm túc. Ngoài việc đầu tư những hệ thống công nghệ để phục vụ cho công tác bảo mật an toàn thông tin (hệ thống tường lửa, các hệ thống phòng thủ khi bị tấn công tự động, hệ thống quan trắc,…), cần thực hiện sao lưu và lưu trữ đầy đủ dữ liệu cũng như sẵn sàng kịch bản và phương án đảm bảo hoạt động liên tục cho các hệ thống thông tin quan trọng, các cổng, trang tin điện tử, hệ thống công nghệ của tổ chức.
PV: Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố 2023 là "năm quốc gia về dữ liệu số", nhấn mạnh vai trò quan trọng của dữ liệu. Theo bà, dữ liệu đóng vai trò quan trọng như thế nào, đóng góp bao nhiêu % cho sự thành công của OCB?
Bà Nguyễn Thị Hương Thảo: Để tính ra tỷ lệ phần trăm thì rất khó, nhưng tôi có thể khẳng định dữ liệu là tài sản vô cùng quan trọng của doanh nghiệp nói chung và OCB nói riêng. Dữ liệu giúp chúng tôi hiểu khách hàng hơn, hỗ trợ khách hàng tốt hơn, cung cấp cho khách hàng các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của họ.
Phân tích dữ liệu có thể giúp tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi: giảm chi phí, giảm thời gian, phát triển sản phẩm mới và dịch vụ tối ưu, ra quyết định thông minh. Khi việc phân tích dữ liệu được hỗ trợ tối đa, chúng tôi có thể hoàn thành tốt một số tác vụ như: xác định nguyên nhân gốc rễ của những thất bại, tạo các chương trình khuyến mại hợp lý dựa trên thói quen của khách hàng đối với công việc kinh doanh, tính toán được những rủi ro gặp phải, và phát hiện hành vi gian lận trước khi xảy ra hoặc gây thiệt hại.
PV: Là một chuyên gia đã có kinh nghiệm làm việc tại nhiều ngân hàng - vốn là một khối ngành thực hiện hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhất trong thời gian qua - theo bà, đâu là ưu điểm của khối ngân hàng trong chuyển đổi số mà các khối ngành khác cần học tập?
Bà Nguyễn Thị Hương Thảo: Tôi may mắn có cơ hội được tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số của nhiều ngân hàng ở Việt Nam trong một thời gian dài và nhận thấy rằng ngành ngân hàng có nhiều ưu điểm trong quá trình chuyển đổi số.
Chúng tôi là những tổ chức nhận thức được tầm quan trọng và đặt những bước chân tiên phong về chuyển đổi số vào các hoạt động của mình, thậm chí còn thực hiện trước cả nhiều công ty công nghệ.
Ngành ngân hàng của chúng tôi cũng là một trong những ngành chịu khó đầu tư, nghiên cứu nghiêm túc, triển khai bài bản các chiến lược chuyển đổi số. Ngoài việc đầu tư về công nghệ, nguồn lực, một trong những vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số là cần phải thay đổi về tư duy, đổi mới cách tiếp cận vấn đề, điều chỉnh lại tư duy về vai trò lãnh đạo - rất nhiều ngân hàng đã thực hiện rất tốt điều này.
Rất nhiều lãnh đạo ngân hàng có tư duy rất cấp tiến, hiểu rõ được sự cấp thiết và lợi ích của chuyển đổi số và chấp nhận thay đổi, chịu khó học hỏi để cập nhật các tư duy mới cần thiết cho thời đại số, như tư duy lấy khách hàng làm trọng tâm (customer centric), tư duy thiết kế (design thinking), tư duy Agile,… và chấp nhận bỏ đi các tư duy chỉ phù hợp với thời đại cũ (thời đại analog) như tư duy P&L, tầm nhìn ngắn hạn v.v…
Điều này dẫn đến việc thay đổi về hành động và điều chỉnh các mô hình tổ chức, quy trình vận hành, văn hóa đội nhóm và cách thức quản lý v.v...
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khá may mắn là được tư vấn, thậm chí cầm tay chỉ việc bởi những tổ chức tư vấn hàng đầu trên thế giới như McKinsey, BCG, Deloitte, PwC,… do đó, rủi ro “đi sai đường” của ngành ngân hàng được giảm thiểu hơn. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực để thuê tư vấn bởi các "ông lớn" này vì chi phí rất lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều đơn vị tư vấn hoàn toàn Made in Vietnam nhưng lại tập hợp toàn các chuyên gia rất có kinh nghiệm thực chiến tại các tổ chức, am hiểu sâu sắc thị trường Việt Nam. Theo cá nhân tôi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn chuyển đổi số hoàn toàn có thể sử dụng những đơn vị tư vấn này mà vẫn đảm bảo hiệu quả và chi phí.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!