Ngày 03.09.2015, cuộc diễu hành quân sự, kỷ niệm 70 năm chiến thắng của nhân dân Trung Quốc chống Nhật và kết thúc đại chiến thế giới lần thứ II đã diễn ra hoành tráng với sự tham gia của 200 máy bay, 500 phương tiện vũ khí trang bị, với 80% là các loại vũ khí mới.
"Kinh nghiệm của chiến tranh khiến người dân cảm nhận thấy giá trị cao của hòa bình. Dù tình hình trên thế giới sẽ phát triển thế nào, Trung Quốc sẽ không bao giờ hướng tới vị thế thống trị, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhằm tới mục tiêu bành trướng và không bao giờ buộc các dân tộc khác phải chịu những tình huống bi thảm mà người Trung Quốc đã phải chịu đựng " - đài BBC dẫn lời của chủ tịch Tập.
Trong bài phát biểu của mình, chủ tịch nước CHND Trung Hoa, đồng thời cũng là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước này, phát biểu rằng thế giới hiện nay rất xa với bình ổn. "Chiến tranh - là thanh gươm Damocles, vẫn treo lơ lửng trên đầu nhân loại. Chúng ta phải rút ra những bài học cay đắng từ lịch sử và cống hiến bản thân cho hòa bình thế giới "- TASS dẫn lời của ông Tập.
Tham gia cuộc diễu binh ở Bắc Kinh là 12 nghìn quân nhân với các đơn vị quân đội nước ngoài, cùng với sĩ quan binh sĩ Trung Quốc diễu hành trên quảng trường Thiên An Môn là đại diện của các lực lượng vũ trang các nước (khoảng gần một nghìn sĩ quan và binh sĩ).
Lực lượng danh dự đến tham gia diễu binh ở Trung Quốc bao gồm Belarus, Ai Cập, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Cuba, Mexico, Mông Cổ, Pakistan, Serbia, Nga, Tajikistan, Afghanistan, Vanuatu, Venezuela, Campuchia, Lào, và Fiji. Lực lượng trung đoàn tiêu binh danh dự số 154 “Preobrazhensky” của Nga đi cuối cùng trong đội hình quân nhân nước ngoài.
Trong đội hình vũ khí trang bị, phương tiện quân sự tham gia diễu hành có tổ hợp tên lửa “bí mật” “Đông Phong – 21D” mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”. Theo nguồn tin được công bố, đầu đạn tên lửa này có khả năng bay với vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh.
Các sĩ quan Trung Quốc nói rằng, 84% vũ khí trang bị tham gia đội hình diễu hành là xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên. Người xem được thấy các loại vũ khí mới, hoặc trước đây còn nằm trong vòng bí mật. “RBK” trích nguồn từ “Financial Times” cho thấy, trong đội hình diễu hành có sự tham gia của tên lửa “Đông Phong – 21D”.
Đại đa số các lãnh đạo phương Tây kiềm chế không đến dự diễu binh ở Trung Quốc. Nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự.
Trước thềm chuyến viếng thăm và dự lễ ở Bắc Kinh, ông nói với các phóng viên về thương mại và quan hệ kinh tế giữa hai nước: “Quan hệ Nga – Trung hiện nay, có lẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử và tiếp tục phát triển ổn định. Cơ sở căn bản của mối quan hệ hợp tác Nga – Trung – tình bạn chân thành và cảm thông của hai dân tộc, sự tôn trọng sâu sắc và tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, sự quan tâm chung đến thịnh vượng chung của hai nước”. Cổng thông tin " Vesti.Ekonomika " dẫn lời tổng thống.
"Trung Quốc là đối tác quan trọng trong nền kinh tế của chúng ta. Những năm gần đây, hai bên đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong tất cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế và công nghiệp. Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng, một số nước phương Tây thực hiện các động thái hạn chế bất hợp pháp với nước Nga đã gây những tác động tiêu cực lên mối quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung. Ngược lại, những động thái này đã kích thích nền kinh tế đất nước chúng ta phát triển mối quan hệ kinh doanh bền vững với Trung Quốc, "- ông Putin nói.
Đồng thời, cổng thông tin điện tử " Vesti.Ekonomika " đưa ra những số liệu phân tích, dẫn nguồn từ trang “Bloomberg”.
Tuy nhiên, tình hình Trung Quốc hiện đang không yên ổn. Mối quan ngại về tương lai nền kinh tế Trung Quốc ngày càng tăng, điều đó dẫn đến giá dầu đang nằm ở đáy và gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của nước Nga: Nga vốn là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, tỷ trọng thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga giảm tới 29% trong nửa đầu năm nay, tương đương khoảng 30,6 tỷ USD. Sự suy giảm tỷ trọng thương mại trong năm dẫn đến một thực tế, lần đầu tiên Nga không có mặt trong danh sách 15 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong vòng hơn 5 năm qua.
Tuy nhiên, từ góc độ ngoại giao, ông Putin nói: Nga và Trung Quốc có những mục tiêu phát triển tương tự, và "vương quốc trung tâm” đang đi trên con đường "cải cách kinh tế thành công": "Con đường mà Trung Quốc đã đi trong những năm qua - đây là con đường của những cải cách kinh tế thành công và chính sách xã hội khôn ngoan. Đối với chúng tôi, những kinh nghiệm này thực sự có giá trị. Vì vậy mặc dù còn có những khác biệt giữa Nga và Trung Quốc, phía trước của hai nước chúng ta cùng có những mục tiêu phát triển tương tự. "
Kênh NTV dẫn lời Bloomberg, đưa lên trên trang của mình bức ảnh "biết nói" về hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc. "Ý tưởng bài viết rất rõ ràng - bài báo viết - mối quan hệ giữa hai nước không quá gần như bạn nghĩ: Trung Quốc kéo Nga đi theo. Đi đâu? Xuống vực thẳm, người viết bài báo khẳng định ... "
Ngoài ra, chính bản thân Putin trước thềm lễ kỷ niệm đã cố gắng trấn an mọi người trên truyền thông Trung Quốc, ông nhận xét với NTV rằng không nhận thấy một sự “suy giảm” nào.
Rõ ràng, hoặc những người đặc biệt ở điện Kremlin đang đeo kính màu hồng.... Sự suy giảm này không chỉ thể hiện ở sự sụp đổ tỷ trọng thương mại giữa Trung Quốc và Nga. Nền kinh tế Trung Quốc đã lao vào đường trượt của cuộc khủng hoảng kéo dài, do hậu quả của thị trường "bong bóng" và theo đó là "popping" cơn sốt chứng khoán.
Từ sáng ngày 2.09 thị trường chứng khoán Trung Quốc suy giảm đến 4%, theo nhận định của tờ Vesti.Ekonomika
Những quỹ đầu tư nước ngoài tập trung vào Trung Quốc bắt đầu tính lỗ: tháng vừa qua là thời điểm tồi tệ nhất đối với họ trong vòng 16 năm - Bloomberg cho biết. Còn tờ Vesti.Ekonomika thì cho rằng ba tháng cuối đối với các quỹ nước ngoài hoạt động tại thị trường Trung Quốc, đã trở nên tồi tệ nhất trong mười năm qua.
Cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc gây phản ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Châu Âu và Mỹ lập tức phản ứng dây chuyền với sự sụt giảm mạnh, thể hiện lần hạ nhiệt tiếp theo của kinh tế toàn cầu.
Các chỉ số hoạt động tích cực của ngành công nghiệp Trung Quốc trong tháng 8 theo Markit, giảm 50-49,7 điểm (giá trị dưới 50 cho thấy sự suy giảm trong hoạt động sản xuất kinh doanh). Trong khu vực xuất khẩu tháng 8 đã ghi nhận được biên độ suy giảm lớn nhất từ năm 2009 của Hàn Quốc.
Chỉ số “Nikkei 225" Nhật Bản đã rớt vào ngày 01.09 ở mức 3,8%. FTSE 100 của Anh giảm 3%. DAX 30 của Đức mất 2,38%. Tại Pháp, chỉ số CAC 40 giảm 2,4%. Thị trường chứng khoán sụt giảm ở Ý và Tây Ban Nha. Trên thị trường chứng khoán Mỹ: chỉ số Dow Jones, S & P 500 và NASDAQ mất gần 3%.
"Sự suy giảm thị trường Trung Quốc trong vài tuần qua khiến đồng rúp tụt giá, tốc độ phát triển chậm của nền kinh tế Trung Quốc đã đánh tụt giá dầu thế giới - dòng sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nga. Điều này dẫn đến việc Nga sẽ lao sâu vào suy thoái"- chuyên gia phân tích của trang Utro.ru Valery Korol'kov cho biết.
Bài viết của chuyên gia này trình bày các dữ liệu về sự sụt giảm các chỉ số chứng khoán Trung Quốc: 01.09.2015 phiên giao dịch kết thúc với sự trượt dốc của các chỉ số Shanghai Composite là 1,23% và Shenzhen Component ở mức 3,67%.
Những giao dịch đã minh chứng sự suy thoái liên tục trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc. Ngành công nghiệp Trung Quốc sụt giảm trong sáu tháng liên tiếp.
Tất nhiên, lãnh đạo Trung Quốc như mọi khi, khá lạc quan, đặc biệt trong nội dụng tăng cường và phát triển quan hệ với Nga.
Li Hui -Đại sứ Trung Quốc tại Nga, trong một cuộc phỏng vấn của các hãng truyền thông Trung Quốc làm việc và thường trú ở Nga cho rằng: sự phát triển và tăng cường sức mạnh của Trung Quốc mang đến cho thế giới nhiều cơ hội tốt hơn, chứ không phải nguy cơ. Sự thịnh vượng của Nga cũng mang lại lợi ích cho thế giới, hòa bình ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu.
Dù tình hình thế giới có thay đổi thế nào, Trung Quốc – theo lời của đại sứ - luôn sẵn sàng giúp đỡ trên cơ sở hai bên cùng có lợi, bảo vệ hòa bình và thúc đẩy sự phát triển chung trên toàn thế giới.
Nước Nga cũng cho rằng trong tương lai mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc sẽ phát triển tích cực. Ngoài tổng thống Nga Putin, trong mối quan hệ đầy hứa hẹn với “đất nước thiên triều” còn có phó thủ tướng Arkady Dvorkovich, quan chức cao cấp chịu trách nhiệm trong lĩnh vực phát triển kinh tế trên thực tế của nước Nga.
Báo Rossiyskaya Gazeta dẫn lời ông Dvorkovich trấn an, tình hình nền kinh tế Trung Quốc sẽ ổn định lại trong vòng vài tuần. Cũng theo lời phó thủ tướng, những dự án hợp tác Nga – Trung không có nguy cơ nào đe dọa.
"Các cơ quan tài chính của Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã truyền đạt tín hiệu rất rõ ràng cho thị trường, cho nền kinh tế, cho các đối tác. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng trong một vài tuần tình hình sẽ ổn định, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức phù hợp với trình độ phát triển của mình trong nền kinh tế thế giới, "- Dvorkovich trong phát biểu trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình "Russia 24”.
Tiếp theo, vị phó thủ tướng vẽ lên một tương lai rực rỡ cho hợp tác dầu thô và khí gas hai nước: “Dầu thô và gas của nước Nga, nếu so sánh với các nước khác, có khả năng cạnh tranh cao nhất. Chính vì vậy, thực tế tôi rất tin tưởng rằng, nếu chúng ta nói về thực tế số lượng tấn và tỷ mét khối, sự suy giảm sẽ không xảy ra, chúng ta sẽ cung cấp đầy đủ theo thỏa thuận. Sắp tới, Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu năng lượng từ các nước khác”.
Nhưng thực tế thông thường sẽ rất khác với những dự đoán đầy màu sắc trên quảng trường Thiên An Môn. Chủ nhiệm chương trình "Nước Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương," Trung tâm Moscow Carnegie, ông Alexander Gabuev nói với Bloomberg, Moscow hiện đang ở vị thế của người chào hàng. Đồng thời Bắc Kinh vẫn có hàng loạt các lựa chọn để có được các nguồn tài nguyên năng lượng. Ông Gabuev đã ra rằng, một số những thỏa thuận Nga-Trung Quốc chưa được thực hiện đầy đủ.
Newsru.comdẫn lời Phó chủ tịch thứ nhất của ngân hàng ngoại hối Vnesheconombank Peter Fradkov, ông đã ghi nhận rằng các dòng hoán đổi 150 tỷ nhân dân tệ theo thỏa thuận được ký kết vào tháng 10.2014 giữa Ngân hàng Trung ương Nga và Trung Quốc không có được nhu cầu cao trên thị trường, do dòng tiền này chỉ áp dụng đối với các nguồn tài chính ngắn hạn.
Ngoài ra, các Phó Chủ tịch của Ngân hàng tiết kiệm - Sberbank Maxim Poletaev và Phó chủ tịch thứ nhất của "VTB" Yuri Solovyov cho rằng dòng tín dụng 9 tỷ nhân dân tệ, được mở theo thỏa thuận với các Ngân hàng Trung Quốc, cũng không có yêu cầu cao do nhu cầu vay bằng nhân dân tệ tại Nga rất thấp.
Cuối cùng, theo nhận định của "Reuters", cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ dẫn đến nguy cơ dừng vô thời hạn các dự án song phương trị giá 113 tỷ USD.
Không có ý nghĩa gì khi đưa ra các dự báo cùng với các kết luận về thị trường tài chính của “đất nước thiên triều”, theo đó là thị trường thế giới đang trong cơn sốt. Rõ ràng, chính quyền Trung Quốc đưa ra một tương lai tốt đẹp trong một trò chơi tồi. Và vì quan hệ đối ngoại với đối tác “chiến lược”, chính quyền Nga cũng phải đưa ra những nhận định tươi sáng trong tương lai.
Trên thực tế, suy giảm tỷ trọng thương mại song phương hai nước đến 29% chỉ trong nửa đầu năm nay, một loạt những dự án song phương hai nước bị đình chỉ, nước Nga rời khỏi top 15 nước xuất khẩu hàng đầu vào Trung Quốc, suy giảm các chỉ số trên thị trường chứng khoán ở Trung Quốc và thế giới từ nguyên nhân khủng hoảng chưa từng có của Trung Quốc, sự biến động mạnh của giá dầu có nguyên nhân từ Trung Quốc... không đưa ra một lý do nào cho các nhà kinh tế tỉnh táo có thể lạc quan.
Nước Nga với nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có và nguồn tài sản quan trọng bậc nhất của quốc gia – con người - hoàn toàn có thể là một nền kinh tế độc lập, điều đó đã được các nhà kinh tế thông thái khẳng định từ thời kỳ Yeltsin.
Nhưng có một vấn đề ! Kể cả thời Yeltsin và hiện nay là Putin, nền kinh tế Nga vẫn đang "tích hợp" vào nền kinh tế toàn cầu. "Tích hợp" với những gì Moscow có thể, đó là thông qua những đường ống dẫn dầu.
Điều nguy hiểm ở đây không phải là đường ống dẫn dầu hay khí gas, mà là sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường quốc tế, giá cả hàng hóa và những trò chơi của các nhà đầu cơ “cá mập”. Tích hợp vào chủ nghĩa tư bản toàn cầu, đất nước đang tích hợp vào chuỗi khủng hoảng lâu dài của nó.
Nền kinh tế “đất nước thiên triều” không có gì khác, đó là nền kinh tế tư bản. Sớm hay muộn, nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng và đó là khủng hoảng quy mô lớn, toàn cầu. Hậu quả của cuộc sẽ lớn hơn bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế nào từng có trên thế giới. Tất nhiên, nó sẽ lôi theo những nước phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có nước Nga.
Một điều quan trọng cần nhận thấy trong lễ diễu binh hoành tráng của Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn trong điều kiện nền kinh tế Trung Quốc đang trong cơn sốt nhẹ đầu tiên.
Với tình hình kinh tế suy thoái, khả năng quân sự của Trung Quốc tiếp tục tăng lên. Trung Quốc trong tình huống hiện này bắt buộc phải duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế - kể cả phải sử dụng các giải pháp quân sự - đặc biệt trong tình huống mà tiềm lực kinh tế của họ đã đuổi kịp và vượt Mỹ.
Tác giả Oleg Chuvakin, chuyên gia kinh tế quân sự của trang “Bình luận quân sự Nga”
Trịnh Thái Bằng theo QPAN