|
Lực lượng trinh sát đăc nhiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam |
(tiếp theo kỳ trước)
Chuyên gia Mỹ “định vị” Việt Nam với ván cờ siêu cường (II)
Kể từ đó, chính quyền ông Obama đã công bố kế hoạch luân phiên 2.500 lính thủy đánh bộ trong và ngoài Bắc Úc, tuyên bố rằng sự cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc sẽ không đời nào ảnh hưởng đến chi phí của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Đồng thời Obama cũng công bố chiến lược xoay trục từ Trung Đông sang Thái Bình Dương. Cách Mỹ nhìn nhận thế giới cũng giống như các nước láng giềng Trung Quốc: Thế giới đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điểm khác biệt là trong khi Mỹ có nhiều lợi ích địa chính trị ở đây, Việt Nam chỉ có duy nhất một lợi ích: đó là đối phó với tham vọng của Trung Quốc.
Nhưng Việt Nam không hề rời xa Trung Quốc và sa vào vòng tay của Mỹ. Việt Nam có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam lại nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nước nào, từ bông, máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu, đồ điện tử, da và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Nhiều ngành trong nền kinh tế Việt Nam vận hành chật vật nếu thiếu Trung Quốc, kể cả khi sự tràn ngập các hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc cản trở sự phát triển của các ngành sản xuất trong nước. Hơn nữa, các quan chức Việt Nam hiểu rõ tình thế bất đối xứng về địa lí của họ: “Nước xa không cứu được lửa gần”. Trung Quốc ở ngay sát sườn còn Mỹ lại cách Việt Nam cả nửa vòng trái đất. Ông Nguyễn Tâm Chiến, cựu Thứ trưởng ngoại giao đã tâm sự với tôi: “Chúng tôi không chuyển đi đâu được. Theo số liệu thì chúng tôi chỉ bằng một tỉnh của Trung Quốc”.
Vì Liên Xô từng không giúp đỡ Việt Nam năm 1979 (đây là quan điểm của tác giả, trên thực tế Liên Xô đã có những hành động rất thiết thực giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 - ND) nên Việt Nam sẽ không bao giờ hoàn toàn tin tưởng một cường quốc ở xa nữa. Ngoài vấn đề về khoảng cách địa lý, Việt Nam về cơ bản cũng không tin tưởng Mỹ. Một quan chức Việt Nam đã nói với tôi rằng Mỹ đang suy yếu, tình trạng này ngày càng tồi tệ vì sự tiếp tục sa lầy của Mỹ ở Trung Đông hơn là vì sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Đông Á, bất chấp những phản đối gần đây. Cho dù phân tích như vậy là chủ quan nhưng nó vẫn có thể đúng.
Do đó, Việt Nam có quyền nghi ngại rằng Mỹ có thể sẽ bán đứng Việt Nam để tạo mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc. Ông Ngô Quang xuân, cho rằng sự mở đường của Nixon cho Trung Quốc đã tạo bối cảnh chiến lược cho Trung Quốc tấn công Việt Nam. Ông Xuân nói: “Nó có thể xảy ra một lần nữa”. Ông Lê Chí Dũng, Vụ trưởng ở Bộ Ngoại giao thời điểm đó đã giải thích tư tưởng chính trị của Việt Nam: “Giá trị cao nhất nằm ở sự độc lập và đoàn kết dân tộc. Chính nhà nước chứ không phải một cá nhân nào đem lại tự do”.
Trên thực tế, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với kinh tế thị trường kiểu tư bản một phần được giải thích bởi sự tín nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tố đã lãnh đạo và đưa đất nước tới thành công trong suốt các cuộc chiến đấu chống Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, cũng giống như nhà lãnh đạo Tito ở Nam Tư, Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo Việt Nam đích thực, chứ không phải nhân vật do nước ngoài dựng lên.
Những người Cộng sản Việt Nam đã thực hiện những điểm tương đồng giữa Tư tưởng Hồ Chí Minh và Nho giáo, đó là sự tôn trọng gia đình và chính quyền. “Tinh thần dân tộc được hình thành từ Nho giáo”, ông Lê Chí Dũng đúc rút. Neil Jamieson, tác giả của cuốn Understanding Vietnam (tạm dịch: Thấu hiểu Việt Nam) năm 1993 đã viết về những giá trị chung của người Việt về chủ nghĩa tuyệt đối, một sự thừa nhận “trật tự luân lý cơ bản trên thế giới”. Đặc tính này liên quan đến tư tưởng chính nghĩa - có thể hiểu là nghĩa vụ xã hội với gia đình và cộng đồng.
Tuy nhiên một lí do nữa giải thích vì sao Đảng Cộng sản có thể giữ vị thế lãnh đạo lâu dài Việt Nam là bởi khả năng linh hoạt, tự đổi mới. Việt Nam ở trong tình thế giống Trung Quốc, họ đều đã bắt tay vào một cuộc thí nghiệm tương tự: Đem lại sự giàu có kiểu tư bản vào một đất nước do Đảng Cộng sản cầm quyền.
Trong ¼ thế kỷ, Việt Nam đã chuyển từ thời kỳ bao cấp sử dụng tem phiếu trở thành một trong những nước dư thừa gạo nhất trên thế giới. Việt Nam đã thoát khỏi nước có thu nhập thấp lên nhóm nước có thu nhập trung bình thấp với GDP trên đầu người đạt 1.100 USD. Thay vì chỉ có một nhà lãnh đạo đơn lẻ, độc quyền nhưng không hiệu quả giống như ở Tunisia, Ai Cập, Syria và các nước Ả Rập khác, ban lãnh đạo của Việt Nam gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng… đã lãnh đạo đất nước đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm trong hơn một thập kỷ qua. Kể cả trong cơn đại suy thoái năm 2009, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 5,5%.
“Đây là một trong những thành tích ấn tượng nhất trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong lịch sử thế giới”, một nhà ngoại giao phương Tây cho hay, “người Việt Nam trước đây chỉ đi xe đạp, giờ họ đã có xe máy.” Điều đó đối với người Việt Nam có lẽ là dân chủ. Và người ta có thể nói rằng chế độ ở Việt Nam và Trung Quốc không cướp đi nhân phẩm của người dân như cách mà người Trung Đông đã làm. Một cựu quan chức cấp cao đã bộc bạch với tôi: “Các lãnh đạo Trung Đông ở trong trụ sở quá lâu và đã duy trì tình trạng khẩn cấp trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng ở Việt Nam thì không phải thế. Tuy nhiên, vấn đề tham nhũng, khoảng cách thu nhập giàu nghèo và tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao thì chúng tôi vẫn còn nhiều vấn đề”.
Bóng ma của Mùa xuân Ả Rập ít làm Đảng Cộng sản Việt Nam lo ngại. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng lo lắng rằng sự cải cách chính trị không đúng có thể dẫn tới con đường như miền Nam trước 1975 với chính phủ yếu kém và nạn bè phái đã dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền. Hay như Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với chính quyền trung ương yếu kém dẫn đến sự đô hộ của nước ngoài. Các quan chức Việt Nam ngưỡng mộ Singapore, một nước chủ yếu theo chế độ lãnh đạo một đảng nhưng duy trì một chính phủ kỷ luật, sạch sẽ và đất nước phát triển.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục dựa vào truyền thống và niềm kiêu hãnh lịch sử, các chính sách kinh tế tư bản chủ nghĩa và hệ thống chính trị chặt chẽ để duy trì sự độc lập đối với Trung Quốc. Họ biết rằng, không giống như những quốc gia Mùa xuân Ả Rập, Việt Nam phải đối mặt với một kẻ thù bên ngoài đích thực,.
Nhưng giống như các lãnh đạo Ấn Độ, các lãnh đạo Việt Nam rất thận trọng với bất kỳ hiệp ước nào với Mỹ. Thực tế, nếu như nhu cầu về một hiệp ước quốc phòng với Mỹ nổi lên hơn bao giờ hết, điều đó có nghĩa là tình hình an ninh ở Biển Đông đã trở nên bất ổn hơn. Trong bất kỳ trường hợp nào, vận mệnh của Việt Nam và khả năng trụ vững trước Trung Quốc sẽ bộc lộ rất nhiều năng lực của Mỹ trong việc triển khai sức mạnh ở Thái Bình Dương và trên toàn thế giới trong thế kỷ XXI, như Việt Nam đã từng thể hiện trong thế kỷ XX.
* Lược thuật bài viết của tác giả Robert D.Kaplan - nhà phân tích địa chính trị hàng đầu tại Stratfor và là phóng vên quốc gia cho The Atlantic. Ông cũng là tác giả của cuốn The Revenge of Geography: What the Map Tells Us About Coming Conflicts and the Battle Against Fate ( tạm dịch “Sự trả thù của địa lí: bản đồ bật mí về những cuộc xung đột và trận chiến chống lại số phận sắp diễn ra”) xuất bản tháng 9/2012