Đa Chiều ngày 14/5 cho hay, trong báo cáo "Hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc: Ảnh hưởng đối với Hải quân Mỹ" của Quốc hội Mỹ, những người viết báo cáo và các chuyên gia Mỹ suy đoán, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc hiện nay khoảng 66 - 75 chiếc, trước năm 2020 số lượng của họ có thể khoảng 69 - 78 chiếc, số lượng trước năm 2026 có thể là 72 - 81 chiếc.
Người phụ trách thông tin Hele Sadler của Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Randy Forbes - Chủ tịch Tiểu ban Các vấn đề hải quân, Ủy ban Quân vụ, Hạ viện Mỹ cho hay, dựa vào dự đoán cao nhất, trước năm 2030 số lượng tàu ngầm của Trung Quốc có thể đạt 99 chiếc, trước năm 2026 Mỹ có thể sở hữu 61 tàu ngầm.
Trong tình hình tốt nhất, trước năm 2030 Mỹ sẽ còn có 53 tàu ngầm hoạt động. Tức là, có lý do để lo ngại Trung Quốc chiếm ưu thế về số lượng tàu ngầm.
Nhưng, Hele Sadler chỉ ra, quan tâm đến chất lượng tàu ngầm cũng quan trọng tương tự. Lực lượng tàu ngầm Mỹ sẽ toàn bộ là tàu ngầm hạt nhân, trong khi đó, trong tình hình tốt nhất, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc chỉ có một nửa là tàu ngầm hạt nhân.
Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, Mỹ cũng cho rằng tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn Trung Quốc (trang bị tên lửa đạn đạo) không thể tiến vào trận địa tấn công bờ biển Mỹ mà không bị phát hiện.
Bởi vì, tiếng ồn quá lớn khiến cho loại tàu ngầm này rất dễ bị thiết bị định vị thủy âm phát hiện.
Tiếng ồn của tàu ngầm mới nhất Trung Quốc trên phương diện này cao hơn so với tàu ngầm Proyekta 667BDR Kalmar trang bị vào thập niên 70 của Liên Xô cũ (NATO gọi là DELTA III, tức là lớp D loại III).
Khâu yếu thứ hai của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc là thông tin. Chuyên gia Mỹ không rõ Trung Quốc làm thế nào để liên lạc với tàu ngầm, khi ở mức độ nào thì điều chỉnh tốt dữ liệu tấn công hạt nhân đối với Mỹ và tự động hoạt động; Trung Quốc phải chăng đã có máy bay đặc chủng thực hiện việc này (tương tự máy bay chỉ huy thông tin tàu ngầm E-6 Mercury Mỹ) ?
Khâu yếu thứ ba là căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Đối với lực lượng săn ngầm của Mỹ và đồng minh, căn cứ này không phải là mục tiêu tấn công khó nhất.
Đồng thời, chuyên gia Mỹ thừa nhận, Trung Quốc đang làm rất nhiều việc để bảo đảm cho lực lượng tàu ngầm nước này vươn ra Thái Bình Dương. Chẳng hạn, triển khai trái phép tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam).
Bắc Kinh tính toán, trong tình huống nổ ra chiến sự, những cơ sở này sẽ giúp ngăn ngừa máy bay tác chiến săn ngầm đối phương gây ra tổn thất cho tàu ngầm Trung Quốc, đồng thời bảo đảm cho chúng tiến ra trận địa tấn công ở hướng đảo Hawaii.