Giáo sư Beckman cũng là Giám đốc Trung tâm luật quốc tế thuộc ĐH Quốc gia Singapore. Ông viết bài trên báo The Straits Times để “trả lời” cho “lập trường không tham gia vụ kiện” do Philippines khởi xướng của Trung Quốc mà đại sứ nước này tại Singapore, ông Trần Hiểu Đông (Chen Xiaodong), nêu ra trên cùng tờ báo. Bài phản bác với các lập luận chặt chẽ của Giáo sư Beckman gây nhiều tiếng vang trong giới quan sát.
Trong bài viết ở mục Ý kiến ngày 5.3, ông Trần viết: “Trung Quốc ngay từ đầu đã nói rõ là không chấp nhận và không tham gia vụ kiện. Bằng cách này, Trung Quốc đang thực thi quyền hợp pháp của mình theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS 1982) và thể hiện sự cam kết tuân thủ thẩm quyền của luật pháp quốc tế”.
Những lời lẽ khó nghe của nhân vật đại diện cho Bắc Kinh tại Singapore về cái gọi là “quyền không tham gia” vụ kiện đã bị Giáo sư Beckman phản bác một cách thuyết phục. “UNCLOS không có điều khoản nào về “quyền” của một quốc gia không tham gia vào vụ kiện chống lại mình”, vị giáo sư luật khẳng định. “Trái lại, UNCLOS quy định các bên trong tranh chấp có nghĩa vụ tạo thuận lợi cho công việc của tòa trọng tài”, ông viết và cho biết thêm: “UNCLOS cũng quy định nếu một bên không tham gia hay không bảo vệ thành công lý lẽ của mình, thì bên còn lại có thể yêu cầu tòa án tiếp tục quy trình pháp lý và ra phán quyết mà sự vắng mặt của bên kia không phải là rào cản”. “Quy ước này đúng với những gì đang xảy ra trong vụ kiện này”, ông quả quyết.
Bẻ cong luật pháp quốc tế
Đại sứ Trần cũng viết rằng: “Không cần có hiểu biết sâu về luật pháp quốc tế người ta cũng nhận ra rằng UNCLOS không có thẩm quyền đối với các tranh chấp lãnh thổ”. Ông này viện lý rằng năm 2006 Bắc Kinh đã trình lên LHQ “tuyên bố về các ngoại lệ tùy nghi” (Optional Exceptions) theo điều 298 của UNCLOS, loại Trung Quốc ra khỏi các quy trình pháp lý bắt buộc nhằm dàn xếp các tranh chấp như phân giới, hoạt động quân sự... trên biển.
Giáo sư Beckman thừa nhận Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague đang phân xử vụ này không có thẩm quyền phán quyết đối với tuyên bố chủ quyền của các bên trên các đảo tranh chấp. Tuy nhiên, ngày 29.10.2015, tòa này đã tuyên bố có quyền tài phán đối với tranh chấp giữa các bên trong cách diễn giải và áp dụng các điều khoản UNCLOS, chẳng hạn quyền quyết định một cấu trúc tự nhiên trên biển là “đảo” (có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng mình), “mỏm đá” (chỉ có lãnh hải), hay “bãi chìm” (không có quyền lợi hải dương nào xung quanh). Mặt khác, theo Giáo sư Beckman, trong các phán quyết tiếp theo, PCA sẽ quyết định một số vấn đề mà Philippines đưa ra có bị loại do nằm trong “tuyên bố ngoại lệ tùy nghi” của Trung Quốc hay không. Bởi, “theo UNCLOS, chính tòa án mới có quyền quyết định cuối cùng về việc loại trừ vấn đề cụ thể nào đó, chứ không phải quốc gia đưa ra tuyên bố tự loại trừ”.
Ông Beckman qua đó cũng phê phán phản ứng của Bắc Kinh gọi phán quyết ngày 29.10.2015 của PCA là “vô nghĩa, không có giá trị pháp lý”: “UNCLOS quy định rõ rằng phán quyết của Tòa trọng tài là cuối cùng, không chấp nhận kháng nghị, và phải được tuân thủ bởi các bên trong tranh chấp”.
Trí trá với láng giềng
Trong bài viết của mình, ông Trần “tố ngược” Manila “đơn phương” đưa vụ việc ra tòa trước khi tận dụng hết các kênh thương lượng khác hay tìm sự đồng thuận của Bắc Kinh, vì vậy “đi ngược các thông lệ được chấp nhận rộng rãi”. Nhưng Giáo sư Beckman quả quyết UNCLOS “đặc biệt quy định mọi tranh chấp liên quan đến việc diễn giải và áp dụng các điều khoản của công ước mà không đạt được thỏa thuận qua thương lượng thì một bên có thể đưa ra tòa án có thẩm quyền, không cần sự chấp thuận của bên còn lại”.
Ông Beckman cũng lưu ý rằng PCA trong phán quyết ngày 29.10.2015 có cân nhắc phản ứng của Bắc Kinh nhưng kết luận Manila đã không hấp tấp trong quyết định ra tòa. Có hơn 50 công ước của LHQ cho phép hành động đơn phương tương tự, ông cho biết thêm. Điều lạ lùng ở đây là Bắc Kinh luôn “khoe” họ nằm trong số các quốc gia đã phê chuẩn UNCLOS, nhưng các lập luận của họ lại bị “bẻ” bởi chính những điều khoản của UNCLOS.
Ngoa ngữ hơn, ông Trần viết: “Tòa trọng tài trong phán quyết (29.10.2015 - PV) của mình đã làm suy yếu vị trí và hiệu lực của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. Ông lập luận rằng DOC được ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002 “là kim chỉ nam cho cách hành xử giữa các bên ở Biển Đông”.
Nhưng ngược lại, Giáo sư Beckman cho rằng như phán quyết của PCA, các nhà quan sát đều nhìn nhận DOC chỉ là một “văn kiện chính trị”, “không có giá trị ràng buộc pháp lý”. Ông chỉ ra: “Chính vì vậy mà các quốc gia ASEAN liên tục kêu gọi Trung Quốc đi tới Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) có giá trị ràng buộc”. Đại sứ Trần trong bài viết của mình cũng ngọt nhạt rằng Trung Quốc và ASEAN “đang tích cực thảo luận về COC”. Nhưng thực tế, theo đánh giá của giới quan sát, Bắc Kinh đang cố tình cản trở tiến trình này.
Theo Thanh Niên