CPTPP là gì?
CPTPP là từ viết tắt của Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – tạm dịch: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Giống với TPP, CPTPP cũng là hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao. Hiệp định này không chỉ đề cập các vấn đề như: cắt giảm thuế quan hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, hàng rào kỹ thuật thương mại, sở hữu trí tuệ… mà còn xử lý những vấn đề phi truyền thống như: lao động, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ…
Hiệp định này cũng đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, đồng thời đưa ra cơ chế giải quyết các tranh chấp có tính rằng buộc, chặt chẽ hơn.
Các nước tham gia hiệp định sẽ xóa bỏ gần như hoàn toàn thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân phủ luật pháp tại các nước sở tại.
Đồng thời, đảm bảo sự quản lý của nhà nước, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN, cũng như lợi ích mới cho người tiêu dùng các nước thành viên.
Tiền thân CPTPP là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên. Đầu năm 2017, Mỹ rút khỏi TPP nên quy mô của Hiệp định bị giảm xuống, nhưng 11 thành viên nỗ lực đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, phát triển thương mại và hợp tác khu vực, thực hiện hội nhập mở cửa hiệu quả hơn.
CPTPP chính thức được ký
Ngày 8/3/2018 (1h sáng ngày 9/3 giờ Việt Nam), Bộ trưởng Phụ trách Kinh tế của 11 nước bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã đặt bút ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tại lễ ký này, các Bộ trưởng đã thông qua tuyên bố chung cho rằng Hiệp định sẽ giúp tăng cường môi liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng trong khu vực.
Hiệp định thể hiện cam kết chung của các nước tham gia ký kết đối với hệ thống thương mại hiệu quả, dựa trên quy tắc: minh bạch, có tính mở đối với tất cả các nền kinh tế đồng thuận nguyên tắc này.
CPTPP được ký kết đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.
CPTPP ký kết, doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi gì?
Trao đổi vấn đề này với VietTimes, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho biết, khi Việt Nam tham gia ký kết CPTPP, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là người được hưởng lợi đầu tiên do được hưởng các điều kiện ưu đãi về thủ tục, thuế, chính sách xuất khẩu qua các nước ký kết Hiệp định này.
Bên cạnh đó, việc ký kết Hiệp định sẽ mở ra các cơ hội đầu tư vào những mặt hàng lợi thế của chúng ta như: dệt may, da giày, đồ uống… “Đối với các doanh nghiệp nội địa thì cơ hội nhiều hơn là thách thức và các doanh nghiệp nên xem là cơ hội” – ông Hiển nhấn mạnh.
Ông cho rằng, các mặt hàng của chúng ta khó cạnh tranh với những mặt hàng cao cấp từ nước ngoài vậy sao chúng ta không chọn cách hợp tác phát triển chứ đừng nghĩ là phải cạnh tranh. Trong bối cảnh như vậy các doanh nghiệp nên tận dụng kết hợp chính sách nội địa thông thoáng của Chính phủ; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để tận dụng hiệu quả những hợp tác song phương, đa phương mà Chính phủ ký kết được.
Khi được hỏi đây có phải là tin vui cho nền kinh tế không, vị chuyên gia này đánh giá: “Những hiệp định như CPTPP chắc chắn đem lại cho nền kinh tế Việt Nam, hơn nữa đây lại thuộc nhóm quốc gia có chung quyết tâm phát triển kinh tế nên nó tạo động lực riêng rất lớn so với các hiệp định thông thường khác. Các quốc gia Asean đã quá quen thuộc nên lợi thế trao đổi sẽ không nhiều như 11 quốc gia tham gia hiệp định này”.
Theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu nên xem đây là cơ hội lớn, còn các doanh nghiệp nội địa thì không phải lo lắng, thụ động. “Họ phải xem xét lại năng lực sản xuất và phải tìm được những công nghệ mới để tận dụng cơ hội trong CPTPP. Các DN không nên xem đây chỉ là “hưởng lợi hình thức” mà phải nhân dịp này tự nâng cao năng lực của mình để thu hút đầu tư, gia tăng thêm lợi ích xuất khẩu” – ông Hiển nhấn mạnh.
CPTPP có gì khác so với TPP?
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên. Hiệp định này ký kết ngày 4/2/2016.
Còn hiệp định CPTPP chỉ có 11 thành viên, bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam (do Mỹ rút lui khỏi Hiệp định này)
Xét về quy mô, TPP chiếm 40%GDP và 30% thương mại toàn cầu, có 800 triệu dân. Trong khi đó, CPTPP chiếm khoảng 15% GDP và 15% thương mại toàn cầu với 500 triệu dân.
Nội dung TPP bao gồm 30 chương bao quát đầy đủ về thương mại, thuế quan, sở hữu trí tuệ, môi trường, đầu tư…
Đối với CPTPP, hiệp định này cơ bản giữ nguyên nội dung đã đàm phán của TPP nhưng có thêm 2 phụ lục. Phụ lục 1 về Danh mục 20 nghĩa vụ tạm hoãn thực thi TPP và 4 được đám phán lại bao gồm: Đầu tư và cấp phép đầu tư, giải quyết tranh chấp viễn thông, điều kiện tham gia dự thầu; đối tượng có thể cấp bằng độc quyền sáng chế; minh bạch và công bằng về thủ tục đối với hàng hóa dược phẩm và thiết bị y tế… Phụ lục thứ 2 gồm 7 điều liên quan đến những điểm kỹ thuật của hiệp định mới.