Chuyên gia kinh tế: 'Không nhất thiết phải độc quyền vàng miếng'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc duy trì độc quyền vàng miếng SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới không trực tiếp quản lý vàng, theo các chuyên gia.

Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" sáng nay (25/1), ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam – cho biết, quốc tế coi vàng là một loại hàng hóa, gồm vàng vật chất và vàng phi vật chất.

Trong đó, vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch thông dụng trên thị trường.

Tuy nhiên, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chỉ đề cập đến vàng vật chất. Trong đó, vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh.

nguyen-the-hung-9394.jpg
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (Ảnh: VGP)

Theo ông Hùng, khác với Việt Nam, ngân hàng Trung ương ở các nước trên thế giới không trực tiếp quản lý về kinh doanh vàng. Họ chỉ giữ vai trò điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia.

"Việc duy trì độc quyền SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng", ông Hùng nói và đề nghị cần xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay.

"Nếu chúng ta quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng", ông Hùng nhấn mạnh.

hvc-3759.jpg
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội (Ảnh: VGP)

Đồng quan điểm, GS. TS. Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội – cho rằng, vàng là một hàng hóa thông thường và Nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ, không nhất thiết phải độc quyền.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần bỏ một số công cụ để liên thông thị trường vàng trong nước và quốc tế, chẳng hạn như vấn đề xuất khẩu.

"Tất nhiên, xuất nhập khẩu phải có phương thức quản lý phù hợp. Không phải cứ duy trì cơ chế cấp phép, cấp quota theo dạng "xin-cho" mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu đó", ông Hùng nói.

Ngoài ra, ông Cường đề xuất bổ sung thêm các phương thức giao dịch vàng đa dạng hơn, chẳng hạn như kinh doanh trên sàn thông qua hợp đồng kinh doanh, tín chỉ về vàng.

"Khi giao dịch vàng trên tài khoản, vàng sẽ được lưu thông ở trên thị trường, từ đó tạo ra nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như đảm bảo lợi ích của mỗi người dân", ông Cường cho hay.

Trong khi đó, TS. Trần Thọ Đạt – Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – nhấn mạnh Nghị định 24 đã có thành công rất lớn trong việc ngăn chặn cũng như chấm dứt tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế Việt Nam 12 năm qua.

Vấn đề hiện nay là làm thế nào để điều hành giá vàng theo cơ chế thị trường, tức là phải đưa cung - cầu gần nhau theo hướng không chênh lệch giữa giá vàng thế giới so với giá vàng trong nước.

"Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải độc quyền vàng miếng SJC thì cần gia tăng Quỹ dự trữ vàng và sẵn sàng tăng cung vàng miếng một khi giá vàng SJC cao hơn bất thường so với giá vàng thế giới để bình ổn giá", ông Đạt nói./.