Chuyên gia: DN trong AEC được nắm 70% cổ phần ngân hàng Việt

Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu đến 30% cổ phần các tổ chức tín dụng trong nước, nếu vượt con số này phải xin phép Thủ tướng Chính phủ. 
Chuyên gia: DN trong AEC được nắm 70% cổ phần ngân hàng Việt

Nhưng theo cam kết Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đến hết năm 2015, lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ mở tới 70% cho nhà đầu tư trong AEC.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Phó Tổng giám đốc BIDV đã đưa ra thông tin này tại Hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và Thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng 10-6 tại Hà Nội.

 Theo ông Lực, khi AEC hình thành, riêng trong lĩnh vực ngân hàng sẽ có 4 yếu tố phải tự do lưu chuyển là tự do hóa về dịch vụ tài chính, nghĩa là các ngân hàng phải tự do cung ứng các dịch vụ tài chính cho tất cả người dân khu vực ASEAN; Tự do hóa về tài khoản vốn, tức dòng vốn sẽ lưu chuyển tự do giữa các nước ASEAN với nhau; Tự do hóa phát triển thị trường vốn; Hội nhập về hệ thống thanh toán và cơ sở hạ tầng tài chính ngân hàng.

 “Dự kiến, đến năm 2020 sẽ xóa bỏ mọi rào cản và khác biệt trong ngành ngân hàng giữa các quốc gia trong khối để tạo ra một hệ thống ngân hàng AEC hoạt động bình đẳng với ngân hàng sở tại của bất kỳ quốc gia thành viên nào trong khối” – ông Lực nói.

 Đặc biệt, theo lộ trình đã cam kết, đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ các hạn chế trong ngành ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn.

 Hiện nay, đối với lĩnh vực ngân hàng, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30%, đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%. Tuy nhiên, theo cam kết về tự do hóa dịch vụ, đến hết năm 2015, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ và nhà đầu tư trong khối có thể tham gia tới mức 70% vốn.

 Thực tế, hiện nay đã có nhiều ngân hàng thương mại của các nước Asean như Bangkok Bank, UOB, Maybank, Public Bank…đã thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh, liên doanh tại Việt Nam. Không chỉ có các ngân hàng, theo dự đoán, sẽ có thêm nhiều tập đoàn, công ty bảo hiểm, chứng khoán cũng sẽ mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam khi AEC được thành lập.

 Tuy nhiên, ông Lực cho hay, đây chỉ là mở cửa xét về mặt lý thuyết. Trên thực tế, việc gia nhập AEC vẫn cho phép thỏa thuận và Việt Nam có thể chưa phải mở cửa với lĩnh vực ngân hàng ngay lập tức ở mức 70%.

Theo TBKTSG