Chuyên gia Đào Trung Thành: Máy móc sẽ đạt đến mức độ làm việc tri thức như con người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chuyên gia Đào Trung Thành cho rằng máy móc sẽ đạt đến mức độ Trí tuệ nhân tạo tổng hợp - AGI, tức là làm được hầu hết các công việc tri thức giống như một con người bình thường.

Chuyên gia Đào Trung Thành: Máy móc sẽ đạt đến mức độ làm việc tri thức như con người

Generative AI hay còn gọi là AI tạo sinh, là một nhánh của Trí tuệ nhân tạo tập trung vào khả năng tạo ra nội dung mới mẻ và đa dạng dựa trên dữ liệu đầu vào ban đầu. Khác với loại AI phân tích dữ liệu thông thường, Generative AI cho phép máy tính tự động tạo ra nội dung mới thay vì chỉ phân tích dữ liệu có sẵn. Đây được xem là một trong những công nghệ AI mang tính đột phá nhất trong thập kỷ qua.

Bên lề chương trình "Cafe Chuyển đổi số" do MobiFone tổ chức với chủ đề "Generative AI", VietTimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII), về xu hướng phát triển Generative AI tại Việt Nam cũng như ảnh hưởng của nó tới việc làm. Ông Đào Trung Thành là Thạc sĩ Điện tử viễn thông và Thạc sĩ An ninh mạng tu nghiệp tại Pháp, là một chuyên gia với gần 30 năm kinh nghiệm về chuyển đổi số và AI.

Video ông Đào Trung Thành trả lời phỏng vấn VietTimes về chủ đề Generative AI

PV: Thưa ông hiện nay mức độ ứng dụng Generative AI tại các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?

Ông Đào Trung Thành: Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng đã bắt kịp được mức độ quan tâm của thế giới. Khi tôi tham dự các buổi hội thảo hay chia sẻ với mọi người thì đâu đó mọi người cũng đã ý thức được việc sử dụng ChatGPT rất nhiều rồi. Ví dụ như diễn đàn tôi đang quản lý là “Bình dân học AI” có khoảng hơn 150.000 người quan tâm thường xuyên về chủ đề Generative AI.

Nó cũng là chủ đề xuyên suốt rất nhiều các cuộc hội thảo của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Tôi đã từng nói chuyện ở Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, mọi người rất quan tâm đến AI và tôi nghĩ rằng tỷ lệ quan tâm là khoảng 50% đến 60%.

Tuy nhiên mức độ sử dụng thì tôi nghĩ là cũng không nhiều lắm vì trước đây chúng ta rất khó đăng ký sử dụng. Cách đây khoảng 2-3 năm thì ChatGPT và Claude AI không cho đăng ký từ địa chỉ Việt Nam. Gần đây thì họ đã cho phép đăng ký và số lượng người sử dụng đã dần dần tăng lên.

Hiện nay nhiều người vẫn chưa sử dụng thành thạo chatbot AI, hoặc chưa biết cách sử dụng. Khi người ta chưa biết cách sử dụng thì việc sử dụng AI sẽ ít. Thành ra như tôi đánh giá thì bây giờ mọi người đã quan tâm nhiều hơn về ChatGPT so với thế giới, nhưng chất lượng sử dụng thì vẫn không thể bằng thế giới được.

Theo ông thì Việt Nam hiện nay nên ứng dụng Generative AI vào những lĩnh vực nào để phát triển kinh tế xã hội?

Ông Đào Trung Thành: Tôi nghĩ rằng Generative AI có tác động tới tất cả các ngành nghề. Báo cáo của hãng Gartner và McKinsey cho thấy tất cả các ngành đều có thể ứng dụng Generative AI, từ tài chính, ngân hàng cho đến y tế, giáo dục…

Đặc biệt, giáo dục là lĩnh vực chịu tác động rất nhiều của AI. Chúng ta có thể là sử dụng các cái mô hình mới như AI tutor là các gia sư về AI, hoặc áp dụng AI trong học tập. AI có thể sử dụng trong ngành y tế, chẳng hạn như chẩn đoán bệnh, phát triển thuốc, trợ giúp bác sĩ. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng lĩnh vực nào ở Việt Nam cũng có thể ứng dụng AI.

Generative AI có nhược điểm gì không và chúng ta phải làm thế nào để hạn chế những nhược điểm đó?

Ông Đào Trung Thành: Tôi nghĩ rằng công cụ nào cũng có mặt trái của nó và công cụ càng mạnh thì tác hại của nó cũng rất lớn. Trong cuốn sách nổi tiếng “The Coming Wave: Technology, Power, and the Twenty-first Century's Greatest Dilemma”, trong phần đề cập đến “sóng thần công nghệ”, tác giả Mustafa Suleyman đã cảnh báo rằng nếu chúng ta không kiểm soát được AI thì nó có thể gây ra những hệ lụy rất lớn.

Ví dụ như tình trạng sai lệch thông tin khi chúng ta sử dụng ChatGPT, do AI cũng bị ảo giác (hallucination) và thiên kiến, tất cả các mô hình ngôn ngữ lớn đều không có độ tin cậy 100%. Mặc dù độ tin cậy của AI ngày càng cao nhưng ở một vài tình huống AI vẫn có vài phần trăm hoặc thậm chí hàng chục phần trăm không chính xác, nên thành ra chúng ta cần phải kiểm chứng lại.

Thứ hai là công cụ AI có thể tạo ra những thông tin lừa đảo, hình ảnh hoặc video giả mạo (deepfake). Hacker có thể dùng những công cụ đó để viết virus và phát tán virus. Ngoài ra, AI có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nếu nói thuần túy về Generative AI thì sai lệch thông tin là một vấn đề đến nay chưa khắc phục được. Chúng ta luôn phải thận trọng với mỗi kết quả mà Generative AI đưa ra. Chúng ta cần phải kiểm chứng nếu như đó là một vấn đề quan trọng.

Hiện nay nhiều người trên thế giới lo ngại rằng AI phát triển quá nhanh và nó sẽ thay thế việc làm của con người. Ông dự đoán như thế nào về tương lai của AI trong lĩnh vực việc làm?

Ông Đào Trung Thành: Thực ra đây là mối quan tâm rất lớn của xã hội hiện nay. Theo thống kê có khoảng 300 triệu người trên thế giới sẽ mất việc làm do Generative AI. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Generative AI cũng sẽ tạo ra nhiều công việc mới, có những loại công việc mà đến nay chưa từng có. Chẳng hạn như cách đây khoảng 40 năm thì không có nghề lập trình viên, nhưng sau khi có máy tính thì có thêm các công việc liên quan đến máy tính. Sau này cũng sẽ có các ngành nghề khác liên quan đến Generative AI như chẩn đoán bệnh AI hoặc dạy và học AI chẳng hạn.

Tôi nghĩ rằng có rất nhiều ngành nghề và việc làm được bổ sung từ AI và điều quan trọng không phải là mất việc hay không mà bản thân những người mà muốn giữ được việc làm thì cần phải cạnh tranh với năng lực của AI ngày càng cao. AI đến nay vẫn chưa thể thay thế được con người, nhưng người sử dụng AI tốt thì có thể thay thế người không biết sử dụng.

Chính phủ Việt Nam hiện nay đã có chính sách nào để hỗ trợ phát triển AI không thưa ông?

Ông Đào Trung Thành: Việt Nam là một trong số các quốc gia đã có chiến lược nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong Quyết định 127 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/1/2021.

Tuy nhiên, từ chiến lược đó chúng ta cần phải cụ thể hóa đường hướng trong việc ứng dụng AI trong tất cả ngành nghề, cũng như đào tạo nguồn nhân lực để ứng dụng Generative AI một cách hiệu quả, thông minh, xây dựng các mô hình hoặc nền tảng dựa trên AI. Tôi có thể ví dụ như MobiFone đang tích cực xây dựng nền tảng AI để cung cấp cho khách hàng nói chung và khách hàng nội bộ của họ.

vt_dao trung thanh toa dam AI.jpg
Ông Đào Trung Thành tại Tọa đàm chủ đề "Generative AI" do MobiFone tổ chức

Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) là tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về AI. Viện đã có hoặc sẽ có chương trình gì để hỗ trợ thúc đẩy phát triển AI tại Việt Nam?

Ông Đào Trung Thành: Viện của chúng tôi có rất nhiều sứ mệnh, nhưng sứ mệnh quan trọng nhất là phổ biến Generative AI đến người dân. Chúng tôi có một chương trình gọi là Unitour. Các chuyên gia của Viện sẽ đi đến khoảng 100 trường đại học để nói chuyện với các bạn sinh viên, những người sẽ tham gia thị trường lao động trong tương lai và là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Generative AI.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ cố gắng đào tạo mọi người sử dụng Generative AI một cách hiệu quả và năng suất. Đấy là một trong các sứ mệnh rất lớn của Viện chúng tôi.

Viện còn có chương trình “Bình dân học AI”?

Ông Đào Trung Thành: Vâng, chương trình Bình dân học AI mà tôi và anh Lê Công Thành là một trong những admin hiện nay đang có 150.000 thành viên. Thông qua chương trình này, các thành viên đã chia sẻ những kiến thức mà họ học được đúng như tinh thần bình dân học vụ mà Bác Hồ đã phát động năm 1945. Đó là người biết về AI sẽ dạy cho những người chưa biết AI và từ đó tạo ra một phong trào tất cả mọi người đều biết cách sử dụng AI.

Xin hỏi ông câu hỏi cuối cùng. Nhiều chuyên gia có đề cập đến tương lai là máy móc sẽ thay thế con người để giao tiếp với người khác giống như một thế thân. Để đạt được mức độ mà máy có thể giao tiếp với người thì nó sẽ không còn là Generative AI nữa mà sẽ phải là AGI (Artificial General Intelligence – Trí tuệ nhân tạo tổng hợp) phải không?

Ông Đào Trung Thành: Vâng tôi nghĩ rằng máy móc sẽ đạt đến mức độ AGI, tức là làm được hầu hết các công việc tri thức giống như một con người bình thường. Sự tương tác giữa người với người sẽ thay thế bằng sự tương tác giữa người với đại diện số (digital twin) của người khác. Rồi sau đó 2 digital twin có thể tương tác với nhau, hình thành các giao tiếp giữa người với máy và giữa máy với máy.

Vậy bao nhiêu năm nữa AGI có thể trở nên phổ biến?

Ông Đào Trung Thành: Một số chuyên gia cho rằng AGI sẽ xuất hiện trong khoảng 4-5 năm tới, tức là khoảng năm 2029, nhưng tỉ phú Elon Musk thì có vẻ lạc quan hơn. Ông ta cho rằng đến năm 2025 sẽ có AGI, và nhiều tin đồn cho rằng OpenAI đã có một chatbot AGI nội bộ nhưng chưa tung ra.

Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!