|
TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) |
Trước những thông tin Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất áp thuế đối với BĐS, nhà ở thứ hai, nhà đất bỏ trống... VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS).
Dư luận đang nóng lên với đề xuất đánh thuế với người sở hữu ngôi nhà thứ 2. Với vai trò là chuyên gia và là lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Thông tin này đúng là khiến nhiều người lo lắng vì mọi người sẽ đặt ra câu hỏi: Tôi mua để ở, cho con cái tôi, để kinh doanh vì sao lại đánh thuế? Quan điểm của tôi về vấn đề này rất rõ ràng: Thuế là công cụ để điều tiết, nhưng phải đảm bảo khuyến khích thị trường và không làm xấu thị trường. Chính vì vậy, không phải người dân cứ đi mua BĐS thứ 2 là bị siết bởi công cụ này.
Việc đánh thuế đối với BĐS thứ 2 nhắm tới ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tuy nhiên cũng vô hình chung gây khó cho người dân có nhu cầu về BĐS để ở thật. Tức có trường hợp mua BĐS, sở hữu BĐS dành cho con (bố mẹ có 2-3 người con và mua để cho con). Theo ông cần hiểu theo nguyên tắc nào để tránh nhầm lẫn với những hành vi không được khuyến khích, thưa ông?
Đơn giản là nếu một người có 2-3, thậm chí 10 BĐS nhưng đều mang ra sử dụng, đúng chức năng, mục đích sử dụng của từng loại hình BĐS thì đều là quyền lợi chính đáng.
Ví dụ như tôi mua BĐS cho con khi tôi có tài chính và BĐS có mức giá phù hợp. Trong quá trình chưa sử dụng, tôi cho thuê để ở hoặc kinh doanh. Khi đó BĐS của tôi lại phục vụ quỹ nhà mà người dân có nhu cầu và nộp thuế cho ngân sách nhà nước.
Hoặc, khi có 2-3 căn nhà, tôi có thể cho thuê làm cơ sở y tế tại những nơi thiếu dịch vụ y tế, làm nhà trẻ, siêu thị mini tại những khu vực có nhu cầu về các dịch vụ này, nhưng chưa được đáp ứng. Đây là những hành vi chính đáng, cần được hỗ trợ vì giúp tạo ra dịch vụ thiết yếu tại những nơi hạ tầng còn thiếu. Đây cũng là cơ sở để tạo thêm việc làm cho nhiều ngành nghề, làm lợi cho xã hội, đóng thêm thuế vào ngân sách nhà nước.
Có nghĩa là dù với sắc thuế nào thì mục đích lớn nhất cần hướng tới là tạo ra của cải, giá trị gia tăng cho xã hội. Việc đánh thuế BĐS cần được xem xét kỹ lưỡng dựa trên nguyên tắc đó.
Có một số quan điểm cho rằng, việc đánh thuế BĐS thứ 2 có thể giúp giảm giá nhà và tạo điều kiện cho người lao động có khả năng sở hữu nhà ở? Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này.
Theo tôi, cách hiểu này là chưa đúng. Bởi lẽ, hiện nay, việc giá nhà tăng, nguyên nhân chính yếu là do cán cân cung cầu bị lệch. Nguồn cung thì quá yếu, thiếu tính đa dạng và phù hợp với số đông người dân. Trong khi lực cầu lại rất lớn.
Điều cần nhất là chúng ta phải làm để có thể tác động giúp giá bán được điều chỉnh về mức phù hợp hơn, chính là căn chỉnh lại cán cân cung cầu. Để cho cung có cơ hội tịnh tiến dần lên, cho đến mức sát với cầu. Chỉ khi đó, giá bán mới có cơ hội được điều chỉnh. Muốn vậy thì nguồn cung phải được giải phóng. Các dự án đang tắc nghẽn cần phải thông, các dự án mới cần được khởi động.
Có như vậy cốt lõi vấn đề mới được giải quyết, người dân lao động mới có khả năng tiếp cận đất đai, nhà ở thuận lợi hơn. Vì sở hữu BĐS hay kinh doanh BĐS đều là những quyền lợi hết sức chính đáng của người dân.
Nếu sắc thuế đánh vào BĐS thứ hai được áp dụng, thị trường BĐS Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào, thưa ông?
Nếu chúng ta hiểu chưa đúng và áp dụng việc tính thuế với BĐS thứ hai một cách máy móc chắc chắn sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường. Bởi lẽ chính sách này vô hình chung sẽ khiến “sức mua” BĐS bị ảnh hưởng ngay lập tức theo chiều hướng giảm xuống vì tâm lý “cân nhắc, tính toán” của người dân.
Điều này, khiến thị trường mới chớm hồi phục ngay lập tức sẽ bị chững lại, thậm chí tiếp tục rơi vào trạng thái khó khăn. Và một khi thị trường BĐS khó khăn, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt các ngành nghề khác và cả nền kinh tế nói chung. Điều này chúng ta đã được chứng kiến trong suốt thời gian vừa qua.
Liên quan tới việc áp thuế đối với BĐS thứ 2, các quốc gia trên thế giới cũng đã có nhiều cách làm, liệu chúng ta có thể học hỏi cũng như rút ra những kinh nghiệm gì từ bài học này, thưa ông?
Chắc chắn đó cũng là bài học cho Việt Nam tham khảo. Tất nhiên, mỗi nước có đặc điểm riêng, nhưng với Việt Nam, câu chuyện lớn hơn tôi muốn nhấn mạnh là các chính sách vĩ mô phải thích hợp và tạo điều kiện để các dự án phát triển, tăng nguồn cung để phục vụ nhu cầu của người dân.
Xin cảm ơn ông!