Tuần san PacNet thuộc Diễn Đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) ngày 25/8, giáo sư người Nhật Masashi Nishihara, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Hòa Bình và An Ninh Tokyo, có bài phân tích cho rằng cách tiếp cận của ASEAN đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông «không hiệu quả» và phản ánh một sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên có biển và thành viên lục địa.
Trong bài viết có tựa đề «Một nhóm riêng cho các quốc gia ‘duyên hải’ trong ASEAN», giáo sư Nishihara cho rằng các nước Đông Nam Á có biển cần đoàn kết thành một nhóm riêng để tạo thành một tập hợp có thế lực hơn để đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
ASEAN chia rẽ, Trung Quốc "bẻ từng chiếc đũa"
Chuyên gia Nhật Bản trước hết ghi nhận là tình trạng chia rẽ trong ASEAN hiện đã trở thành nghiêm trọng đến mức làm cho bất kỳ một cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc nào cũng trở thành vô nghĩa.
Tại cuộc họp được tổ chức ở Vientiane (Lào) vào ngày 24/7, các ngoại trưởng ASEAN đã không thể nhất trí về một tuyên bố chung. Các thành viên «duyên hải» của ASEAN muốn bản Tuyên bố chung nhắc đến phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài La Haye (PCA), bác bỏ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, trong khi Campuchia chống lại, dưới áp lực mạnh mẽ của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Bản Tuyên bố chung hôm sau đó đã được công bố, nhưng không đề cập đến phán quyết của tòa La Haye.
Giáo sư Nishihara đánh giá là ASEAN cần xem xét lại cách tiếp cận Trung Quốc không hiệu quả hiện nay. Hầu hết các cuộc họp gần đây của ASEAN và liên quan đến ASEAN, đều không đưa ra được các tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc là đã không tôn trọng quan sát các nguyên tắc của luật pháp trong vùng Biển Đông, bất chấp việc ASEAN và Trung Quốc đã thông qua bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002.
Mười năm sau, năm 2012, Trung Quốc đã đồng ý nâng cấp bản tuyên bố, biến nó thành một Bộ Quy tắc Ứng xử có tính ràng buộc hơn. Tuy nhiên cho đến nay, không có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được. Trung Quốc chỉ đơn giản là đã kéo dài cuộc đàm phán, trong khi tiếp tục bồi đắp và xây dựng phi pháp trên các rạn san hô và bãi ngầm mà họ chiếm giữ.
Sự chia rẽ giữa các quốc gia ven biển ASEAN và phe ủng hộ Trung Quốc trong khối Đông Nam Á lộ rõ lần đầu tiên vào năm 2012, khi Campuchia hỗ trợ Trung Quốc tại Diễn đàn Khu vực ASEAN để chặn không cho các Ngoại trưởng ban hành một tuyên bố chung chỉ trích hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Từ khi đó, cả hai đã ngăn cản bất kỳ sự chỉ trích nào nhắm vào Trung Quốc tại các hội nghị về sau của ASEAN và liên quan đến ASEAN. Do kinh tế yếu kém, Campuchia bị phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Trung Quốc, do đó đã sợ không dám lên tiếng chống lại Bắc Kinh. Ngoài ra, một vài nước trong khối không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, cho nên hầu như không quan tâm đến an ninh hàng hải, mà chỉ đơn giản là không muốn làm mếch lòng Trung Quốc.
Bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/07, Trung Quốc tiếp tục bám chắc lập trường sai trái của mình, bác bỏ phán quyết gọi đấy là «giấy vụn», và thậm chí còn tiến hành một cuộc tập trận hải quân ở vùng Biển Đông một vài ngày trước khi phán quyết PCA được ban hành.
Cuối tháng 7, Trung Quốc và Nga còn thông báo rằng họ sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 9 tới. Bắc Kinh cũng bác bỏ các cuộc đàm phán song phương với Philippines nếu Manila khăng khăng đòi chú ý đến phán quyết của PCA.
Nên thành lập một nhóm nước ven biển bên trong và bên ngoài ASEAN
Theo giáo sư Masashi Nishihara, tất cả các quốc gia hàng hải ASEAN - Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam - đang quan tâm không chỉ đến an toàn của đường giao thông trên biển mà còn đến nguyên tắc của pháp luật.
Khi Singapore có một tranh chấp với Malaysia về đảo Pedra Blanca, ngoài khơi Singapore, hai bên đã nhờ đến Tòa án Công lý Quốc tế, vốn đã phán quyết vào năm 2008 rằng đảo này thuộc về Singapore. Hai nước đều đã sẵn sàng chấp nhận phán quyết. Đó là cách vận hành cần có của pháp luật.
Trên tinh thần đó giáo sư Nishihara đề xuất 6 nước ASEAN đồng quan điểm, hoặc 4 thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông nên thành lập một nhóm nước ở bên trong hay bên ngoài ASEAN, để có thể tham khảo ý kiến với nhau và cùng nhau đàm phán với Trung Quốc. Điều này sẽ hữu ích hơn là các cuộc họp gồm cả 10 thành viên ASEAN, vốn sẽ bị những mâu thuẫn nội bộ làm cho vô hiệu.
Ông Nishihara khẳng định là tính chất thống nhất hoặc «trung tâm» của ASEAN không vì thế mà giảm bớt. ASEAN có nhiều mối quan tâm, trong đó có cả việc thúc đẩy thương mại và du lịch trong khu vực, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Trên các vấn đề này, ASEAN vẫn có tiếng nói chung mỗi khi cần thiết.
Theo đó, các quốc gia duyên hải ASEAN có thể quyết định với nhau về cách tốt nhất để giảm căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, rồi sau đó hành động. Chẳng hạn, các nước này có thể tổ chức một đội tuần tra biển hỗn hợp với sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài của mình, chẳng hạn như Mỹ, Úc và Nhật Bản. Việc tuần tra như vậy có thể góp phần kiểm soát việc phá hủy san hô trái phép và đánh bắt quá mức để bảo vệ môi trường biển.
Chuyên gia Nhật Bản cho rằng các quốc gia bên ngoài ASEAN cũng nên có vai trò ở Biển Đông. Ngoài các chiến dịch bảo đảm quyền tự do hàng hải, Mỹ hay Úc đã có những tuần tra không phận. Tàu Hải quân Nhật Bản cũng tiến hành tập trận chung với đối tác Philippines, và thường xuyên ghé thăm Vịnh Cam Ranh của Việt Nam, còn Pháp thì đã kêu gọi lực lượng Hải quân châu Âu thực hiện tuần tra chung trên Biển Đông.
Giáo sư Nishihara nhận định, các cơ chế khu vực như Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF), Hội Nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội Nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+, tức là ASEAN và các đối tác khu vực) sẽ không thể phát huy tác dụng và cung cấp các giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông khi mà Trung Quốc từ chối thương lượng.
Thay vì thế, các quốc gia đồng quan điểm trong khu vực nên tham khảo ý kiến lẫn nhau về các cách thiết thực nhằm thúc đẩy yêu cầu của mình, nhưng đồng thời giảm bớt căng thẳng, giáo sư Nishihara kết luận.