Lực lượng lao động của TP.HCM hiện nay khoảng 5 triệu người và sẽ tăng từ 2,3 đến 2,5% mỗi năm, cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp |
Ông Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, Chi hội phó Hội Truyền thông số chi nhánh miền Nam nói về những thách thức lớn trên chặng đường chuyển đổi số mục tiêu đến năm 2030.
Bản đồ chuyển đổi số đến 2030
Phóng viên: Từ góc độ quản lý Viện Kinh tế số, xin ông phác họa bản đồ phát triển kinh tế số của Việt Nam đến năm 2030?
Ông Trần Quý: - Có 3 trụ cột chính mà chúng ta đang xây dựng là Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số.
Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 – 2030 và Quyết định 411 của Thủ tướng về Chiến lược quốc gia phát triển Kinh tế số - Xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, đã đặt ra những chỉ tiêu rất rõ như xếp hạng đổi mới chuyển đổi số toàn cầu, đến năm 2025 Việt Nam phải đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, đến 2030 phải nằm trong nhóm 40 nước dẫn đầu trên thế giới.
Chỉ số thứ 2 cũng rất quan trọng để phát triển kinh tế số là hạ tầng phát triển internet băng thông rộng phải phủ 100% đến các xã vào năm 2025, đến 2030 thì mạng 5G phủ sóng toàn quốc.
Chỉ tiêu thứ 3 là kinh tế số chiếm 20% GDP, và 30% GDP vào năm 2030. Số SMEs tham gia vào nền tảng số đến 2025 phải đạt trên 50%, đến 2030 thì đạt trên 70% SMEs toàn quốc.
PV: Thưa ông, để hình dung về công cuộc chuyển đổi số của miền Nam nói riêng thì sao?
Ông Trần Quý: - Miền Nam tiếp cận nhanh hơn với công nghệ và sự thay đổi, đặc biệt trong đó TP.HCM là vùng kinh tế trọng điểm, và có các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… cùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Chủ trương của UBND TP.HCM cũng bám theo hai Quyết định 749 và 411 của Thủ tướng Chính phủ, xác định tỷ lệ giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng phải đẩy mạnh đạt 80% hồ sơ cấp huyện và 90% cấp TP vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.
TP.HCM phải xếp hạng Top 5 năm 2025 và Top 2 năm 2030. Đến năm 2025 kinh tế số của TP.HCM phải chiếm 25% GRDP và năm 2030 phải chiếm 40% GRDP. Đừng nghĩ những con số này là nhỏ, nền kinh tế truyền thống đã duy trì bao lâu rồi mà kinh tế số mới chỉ bắt đầu gần đây thôi. Để đạt được tốc độ như chỉ tiêu UBND TP.HCM đã đặt ra cũng là một thách thức lớn.
Riêng TP.HCM có thêm chỉ tiêu 60% người dân và doanh nghiệp phải có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Ông Trần Quý - Viện trưởng Viện Kinh tế số Việt Nam phân tích về những thuận lợi và khó khăn của chặng đường mục tiêu đến 2030 - Ảnh: Hòa Bình |
Thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực
PV: Xin ông phân tích thêm về thuận lợi và những khó khăn mà TP.HCM phải đối mặt khi chuyển đổi số, đặc biệt với vị trí đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ?
Ông Trần Quý: - TP.HCM có thuận lợi là nhanh chóng thích nghi với mọi sự thay đổi. TP là trung tâm kết nối đầu tư nước ngoài, là cửa ngõ kinh tế. Tuy nhiên, TP cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt cái khó nhất là nguồn nhân lực phù hợp với chuyển đổi số, công nghệ cao, thích ứng xã hội 4.0. Thực sự thì đây cũng là khó khăn chung, để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thay đổi trong chuyển đổi số thì không chỉ TP.HCM mà nhiều tỉnh thành trên cả nước đều gặp phải.
Ở Việt Nam, theo dự báo đến 2025 sẽ có gần 60 triệu lao động, nguồn nhân lực lao động trên cả nước sẽ tăng ở mức 1,28%; tuy nhiên, riêng TP.HCM thì khác, lực lượng lao động của TP.HCM hiện nay khoảng 5 triệu người và sẽ tăng từ 2,3 đến 2,5% mỗi năm, cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó tỷ trọng riêng ngành dịch vụ chiếm 60%.
Đào tạo bài bản cho nhóm nhân sự của các ngành dịch vụ để đáp ứng chuyển đổi số là một thách thức không hề nhỏ. Nhân lực cho các ngành công nghiệp tự động cũng chiếm khoảng 20% và đang thiếu hụt khá nhiều. Thay đổi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đến rất nhanh trong khi đào tạo chưa theo kịp.
Nhóm nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng dưới 20% cũng là một nguồn nhân lực khổng lồ cần đào tạo, trong khi các nhân sự cũ không còn phù hợp thì rất khó chuyển đổi phương thức lao động.
Nói gì thì nói, không có nhân lực phù hợp thì không thể làm gì. Mọi cái phải bắt đầu từ tư duy và từ yếu tố con người.
Liên kết sức mạnh trên nền tảng số
PV: Thưa ông, ông đánh giá gì về nhiệm kỳ đầu tiên của Hội Truyền thông số chi nhánh miền Nam?
Ông Trần Quý: - Chi hội Truyền thông số phía Nam được thành lập cũng là thiên thời, địa lợi, nhân hòa; đúng lúc “dầu sôi lửa bỏng” của chuyển đổi số thì chi hội đã tập hợp được nhiều công ty có các giải pháp công nghệ mạnh, đồng thời đang độ “chín” và lại là nguồn nhân lực trẻ cung cấp các công nghệ mới cho chuyển đổi số.
PV: Thưa ông, sau hai tháng ra mắt, đến giai đoạn này, chi hội Truyền thông số miền Nam đã đạt được những mục tiêu ngắn hạn nào?
Ông Trần Quý: Chi hội đã xuất bản các ấn phẩm về chuyển đổi số, lan tỏa được nhiều thông điệp của chuyển đổi số đến cộng đồng; tổ chức được hai talkshow lớn về chuyển đổi số; ký kết được các hợp tác lớn về công nghệ để tạo nền tảng phát triển kinh tế số.
Bắt đầu từ hơn 30 hội viên đầu tiên của chi hội miền Nam là các doanh nghiệp đang hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực truyền thông số, công nghệ số, kinh tế số; chúng tôi đặt ra mục tiêu dài hạn là sẽ tăng đến 150 hội viên.
Trước mắt, mục tiêu ngắn hạn của năm 2022 là tăng lên đến 100 hội viên thì hiện nay sau hai tháng hoạt động, chi hội đã kết nạp được đến 60 hội viên rồi. Dự báo từ giờ đến hết năm, còn 4 tháng nữa để thực hiện, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Các thành viên của Hội Truyền thông số Việt Nam tại lễ thành lập Chi nhánh miền Nam |
PV: Xin ông cho biết, chi hội đã có những hoạt động gì mang tính chất liên kết sức mạnh của các hội viên chi nhánh miền Nam và kết nối với cả nước?
Ông Trần Quý: - Điều đầu tiên, để tăng sức mạnh của các hội viên, chúng tôi thường xuyên có các đào tạo nội bộ về các giải pháp công nghệ, tạo hệ sinh thái phối hợp được với nhau, khác với trước kia khi chưa có chi hội thì các công ty tự triển khai giải pháp của mình nhưng cũng không biết có kết nối được với các công ty, đơn vị khác hay không; nhiều khi cũng sẽ dẫn tới lãng phí.
Sự phối hợp giữa các đơn vị trong chi hội còn làm tăng kiến thức chuyển đổi số ở trên phạm vi cả nước. Đồng thời vai trò của chi hội là tiếp tục đại diện đưa các giải pháp ra bên ngoài, phối hợp, kết hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam để cùng nhau xây dựng nền tảng chuyển đổi số quốc gia.
Như đã phân tích, muốn chuyển đổi số bắt buộc phải từ yếu tố con người, chi hội cũng đã chú trọng liên kết với các tỉnh mở các lớp đào tạo để nhanh chóng tăng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp công nghệ thông tin ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã tập trung vào đào tạo những công nghệ lõi, nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các vườn ươm cũng rất phát triển, càng được gia tăng sức mạnh khi kết nối trong chi hội để cùng nhau tạo nên môi trường chuyển đổi số, tập trung cho 8 lĩnh vực ưu tiên, gồm có: y tế, giáo dục, ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistic, năng lượng và tài nguyên môi trường.
PV: Xin cảm ơn ông!