|
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trả lời phỏng vấn VietTimes |
Để rõ hơn về những kết quả mang lại từ chuyển đổi số giúp Đà Nẵng trong công tác ứng phó với dịch COVID-19 thời gian qua, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
- Ông có thể chia sẻ về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động quản lý điều hành của TP?
Dịch bệnh COVID-19 đã xảy ra và gây hậu quả nặng nề không chỉ tại Đà Nẵng, mà trên toàn quốc, cũng như các nước trên thế giới. Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn mọi mặt hoạt động xã hội, nhất là công tác quản lý điều hành của chính quyền.
Bên cạnh ảnh hưởng, dịch bệnh cũng đã nâng cao trách nhiệm, phát huy năng lực của cán bộ công chức, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là sự chuyển biến, thay đổi trong công tác quản lý điều hành của chính quyền một cách kịp thời, nên công tác điều hành chung được đảm bảo.
Xác định phải chuyển trạng thái phòng dịch và thích ứng, nên trong thời gian qua TP Đà Nẵng đã ưu tiên nhân lực, tài lực và thời gian trong phòng, chống dịch và chuyển các trạng thái trên cơ sở ứng dụng công nghệ số. Đặc biệt là ứng dụng, khai thác dữ liệu số, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành đã giúp Đà Nẵng vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.
- Ông có thể chia sẻ những nỗ lực cũng như kết quả vượt trội trong quản lý điều hành mà hoạt động chuyển đổi số đem lại cho địa phương?
Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã tích cực triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính thức bước đầu triển khai kiến trúc, đề án xây dựng TP thông minh và đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Ở nội dung chính quyền số thể hiện rõ nhất là dịch vụ công trực tuyến với gần 100% thủ tục hành chính của TP đang triển khai trực tuyến ở mức 3, 4; trong đó gần 90% mức 4 và tỷ lệ hồ sơ nộp và xử lý trực tuyến gần 60%.
|
Ứng dụng giấy đi đường QRCode được Đà Nẵng áp dụng để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 |
Trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ và dữ liệu số phục vụ cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp phòng, chống dịch; chủ động, linh hoạt trong việc chuyển trạng thái, tình huống. Một số ứng dụng tiêu biểu như: Tiêm chủng, xét nghiệm; giấy đi đường QRCode; thẻ đi chợ QRCode, phân tích dữ liệu khai báo y tế để lọc ra người nghi ngờ để xử lý kịp thời, chủ động; Truy vết nhanh qua tổng đài tự động; giám sát cách ly F1 tại nhà,...
Đối với kinh tế số, TP đã xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong tổng GRDP; trong bối cảnh dịch COVID-19 thì ngành thông tin và truyền thông Đà Nẵng vẫn là một trong số ít ngành tăng trưởng dương và đạt mức 5,24%; Hiện nay, công nghiệp CNTT Đà Nẵng đóng góp 7,8% GRDP và doanh nghiệp công nghệ số đạt 2,1 doanh nghiệp/1.000 dân, trong khi chỉ số này trên toàn quốc là 0,5.
Về xã hội số, Đà Nẵng có tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc, với 276 máy/100 dân; trong đó số lượng thuê bao Internet di động động là 173 máy/100 dân. Đặc biệt, 99,8% hộ gia đình có kết nối internet và 99,4% người dân tiếp cận, sử dụng internet; 100% doanh nghiệp có kết nối Internet.
Những nỗ lực trên của Đà Nẵng đã được Bộ TT&TT xếp hạng là địa phương đứng đầu về Chuyển đổi số cấp tỉnh. Đà Nẵng cũng đạt Giải thưởng TP thông minh khu vực châu Á - châu Đại Dương năm 2019, Giải thưởng TP thông minh (duy nhất) Việt Nam năm 2020 và năm 2021)…
- Trong bối cảnh dịch COVID-19, hoạt động chuyển đổi số đã giúp Đà Nẵng vượt qua được khó khăn như thế nào, thưa ông?
Tôi xin điểm qua 2 ứng dụng chuyển đổi số mà chính TP đã xây dựng nhanh và triển khai hiệu quả, kịp thời; là biện pháp chính để lãnh đạo TP có quyết định và thực thi việc chuyển trạng thái phòng chống dịch ở 2 thời điểm quan trọng như sau:
Một là, ứng dụng giấy đi đường QRCode đã giúp TP chuyển trạng thái từ “ai ở đâu thì ở đó” sang mở cửa một phần các hoạt động kinh tế - xã hội, ưu tiên các hoạt động cần thiết trước, vào đầu tháng 9/2021 (CV 5689/UBND-KGVX ngày 3/9/2021; triển khai Quyết định 2095 ngày 03/9/2021;)
Ứng dụng giấy đi đường QRCode được triển khai ngay sau 4 ngày để đáp ứng việc mở một số hoạt động kinh tế - xã hội (có hạn chế) sau thời gian giản cách, “ai ở đâu thì ở yên đó”.
|
Clip: Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trả lời phỏng vấn về ứng dụng chuyển đổi số giúp Đà Nẵng ứng phó với dịch COVID-19 |
Ứng dụng sử dụng các cơ sở dữ liệu (CSDL) bảo hiểm xã hội, CSDL doanh nghiệp và hộ kinh doanh và CSDL vùng dịch tễ trên địa bàn (đỏ, vàng, xanh) để cấp giấy đi đường QRcode và 100% yêu cầu/đề nghị, xét duyệt và trả kết quả đều qua mạng.
Trong thời gian 20 ngày đã cấp 510.000 giấy đi đường QRcode theo hình thức 100% trực tuyến; tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp khoảng 26 tỷ đồng (chỉ tính tiết kiệm chi phí đi lại để nộp hồ sơ trực tiếp; mỗi ngày hơn 1 tỷ đồng)
Riêng phía chính quyền, dựa vào CSDL đã hạn chế chưa cấp giấy đi đường tại thời điểm cần kiểm soát chặt lây lan dịch bệnh cho khoảng 65% đề nghị, vì không đúng đối tượng, phạm vi… từ đó góp phần giúp TP cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian mở các hoạt động kinh tế xã hội (ban hành Chỉ thị 08, thay Chỉ thị 05 trước đó)
Theo đánh giá của Cục An toàn thông tin trên không gian mạng, sau 5 ngày triển khai giấy đi đường QRCode để phục vụ mở các hoạt động KT-XH kết hợp với kiểm soát COVID-19, thì có đến 17 triệu người đọc/lượt lan tỏa; hầu hết đánh giá tích cực và hài lòng, luồng dư luận tiêu cực trên mạng là không đáng kế (0,3%) (trong đó, theo lý thuyết chỉ số tiêu cực này chì 1% là đã lý tưởng).
Hai là, ứng dụng mã QR khai báo y tế xanh, vàng; phục vụ việc chuyển trạng thái từ mở cửa một phần các hoạt động ưu tiên sang mở các hoạt đông hoàn toàn, theo thích ứng an toàn, linh hoạt vào cuối tháng 9/2021 (chuyển áp dụng Chỉ thị 05 sang Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 28/9/2021 Thực hiện các biện pháp” thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19) - cả xanh/vàng và thích ứng linh hoạt triển khai trước khi có chủ trương của TƯ và toàn quốc.
|
Ứng dụng quét mã QRCode trên điện thoại thông minh- một trong những ứng dụng chuyển đổi số giúp Đà Nẵng ứng phó với dịch COVID-19 |
Với thực tế diễn ra, TP Đà Nẵng đã rất thành công khi quyết định và thực thi chuyển trạng thái từ thái từ “ai ở đầu thì ở đó” toàn TP (trong tháng 8/2021) sang trạng thái mở cửa một phần các hoạt động kinh tế - xã hội, ưu tiên các hoạt động cần thiết trước (từ đầu tháng 9/2021) và tiến tới mở các hoạt đông hoàn toàn, theo thích ứng an toàn, linh hoạt vào cuối tháng 9/2021.
Đó là những thành công từ việc ứng dụng chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu và tình huống thực tiễn nói chung và dịch COVID-19 nói riêng.
- Cảm ơn ông!