Với định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm du lịch khu vực Đông Nam Á và thế giới, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là chìa khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Để thông tin đến bạn đọc nhiều hơn về vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Chuyển đổi số là chìa khoá then chốt
- Theo nhận định của các chuyên gia, chuyển đổi số là chìa khoá để giúp doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành du lịch nói riêng tạo sức bật trong bối cảnh kinh tế-xã hội mới, nhất là sau những tác động của đại dịch COVID-19. Vậy cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đã thực hiện chuyển đổi số như thế nào thưa ông?
Ông Cao Trí Dũng: Chuyển đổi số vẫn là một yêu cầu, một thách thức buộc các doanh nghiệp không sớm thì muộn phải tìm cách thực hiện, và thực hiện càng sớm thì càng có nhiều cơ hội phát triển.
Đối với ngành du lịch, việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quảng bá, phát huy giá trị tài nguyên và dịch vụ du lịch là vô cùng cần thiết. Việc nắm bắt công nghệ, đổi mới mô hình hoạt động và áp dụng các ứng dụng công nghệ vào khâu quản lý, vận hành và phát triển dịch vụ trở thành yêu cầu cơ bản của thời đại mới. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ngành chịu nhiều tổn thương do COVID-19 như du lịch lại càng đòi hỏi sự năng động để thích ứng và phát triển trong bối cảnh hoàn toàn mới.
- Xin ông cho biết số lượng doanh nghiệp cùng tiến độ thực hiện chuyển đổi số ra sao?
Ông Cao Trí Dũng: Hiện vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đang nhìn nhận chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ sống còn để doanh nghiệp thích nghi và phát triển trong bối cảnh mới. Tuỳ vào định hướng sản phẩm thị trường, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ thông tin và bối cảnh cạnh tranh để có những những định đầu tư phù hợp cho quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp mình.
Một góc TP Đà Nẵng |
- Định hướng chiến lược trong chuyển đổi số đối với doanh nghiệp ngành du lịch Đà Nẵng là gì, thưa ông?
Ông Cao Trí Dũng: Việc chuyển đổi số cơ bản trong giai đoạn hiện nay có thể thông qua 4 nhóm hoạt động chính: Xây dựng và chia sẻ dữ liệu lớn (Big Data) ngành du lịch, sử dụng cơ sở dữ liệu lớn, thực hiện Marketing Online và xây dựng các ứng dụng hỗ trợ tại chỗ cho du khách.
Đó là số hoá các tài nguyên du lịch bao gồm số hóa tài nguyên du lịch địa phương (bao gồm: số hóa 360 độ, số hóa 3D dưới đất, số hóa 360 độ trên không, số hóa 3D hiện vật trên biển, số hóa hình ảnh 2D không gian…); số hoá các cơ sở dịch vụ du lịch cơ bản tại địa phương (bao gồm: các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lớn, các siêu thị đặc sản, shopping mall, các công ty du lịch cùng hệ thống sản phẩm…); sử dụng cơ sở dữ liệu lớn (các thông tin chính thống về cơ sở dữ liệu ngành du lịch, thông tin điển hình được tạo ra bởi du khách…); Marketing Online, nền tảng tiếp thị trực tuyến (thông qua các công cụ: emails, website, livestream, facebook, Youtube, TikTok...)
Một giải pháp nữa là xây dựng ứng dụng hỗ trợ tại chỗ cho du khách. Đây được xem “trợ lý du lịch ảo” giải đáp rất nhiều thắc mắc và hỗ trợ nhiều loại hình nhu cầu khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh hậu COVID-19 thì sự tiện lợi, thông tin nhanh nhạy, hạn chế giao tiếp không cần thiết và tránh ùn tắc tại điểm tham quan hoặc khi cần giải quyết sự cố được ưu tiên lên hàng đầu.
- Ông có thể chia sẻ một số sản phẩm, ứng dụng mà các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã và đang áp dụng!
Ông Cao Trí Dũng: Ngoài những ứng dụng chuyển đổi số bên trong từng doanh nghiệp, thì những sản phẩm ứng dụng chuyển đổi số sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể kể đến là chatbot (hộp trò chuyện - phần mềm được lập trình sẵn để giao tiếp, tương tác với con người thông qua tin nhắn văn bản hoặc âm thanh).
Nhiều công ty du lịch đã xây dựng và coi chatbot như nhân viên tư vấn đắc lực, hỗ trợ khách hàng mọi lúc mọi nơi, giúp doanh nghiệp vừa giảm chi phí nhân công vừa tăng hiệu suất công việc và Chatbox Danang FantastiCity là một ví dụ.
Một sản phẩm ứng dụng AI khác có thể được sử dụng trong các khu điểm du lịch, khách sạn, khu vui chơi giải trí… là công nghệ nhận diện gương mặt (Face Recognition), cho phép nhận diện, xác thực danh tính của khách hàng một cách chính xác và nhanh chóng thông qua thiết bị quan sát, từ đó tự động thực hiện tính năng ra vào mà không cần các thủ tục kiểm soát khác.
Du khách hào hứng với lễ hội đường phố Đà Nẵng |
Ngoài ra còn các sản phẩm chuyển đổi số khác đang được ứng dụng như: mã QR code cung cấp thông tin về điểm đến cho du khách; thuyết minh tự động đa ngôn ngữ tại các khu điểm tham quan; phát hành thẻ du lịch thông minh; ki-ốt tra cứu thông tin tự động… là những sản phẩm đã và đang được các doanh nghiệp sử dụng.
- Cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng kỳ vọng gì từ chiến lược chuyển đổi số này, thưa ông?
Ông Cao Trí Dũng: Đối với ngành du lịch, việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quảng bá, phát huy giá trị tài nguyên và dịch vụ du lịch là vô cùng cần thiết.
Việc nắm bắt công nghệ, đổi mới mô hình hoạt động và áp dụng các ứng dụng công nghệ vào khâu quản lý, vận hành và phát triển dịch vụ trở thành yêu cầu cơ bản của thời đại mới. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ngành chịu nhiều tổn thương do COVID-19 như du lịch lại càng đòi hỏi sự năng động để thích ứng và phát triển trong bối cảnh hoàn toàn mới.
Du khách tham dự lễ hội khinh khí cầu tại Đà Nẵng |
Chính vì vậy, với một chiến lược chuyển đổi số tổng thể điểm đến hướng tới mục tiêu xây dựng TP thông minh, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về hệ thống dịch vụ, triển khai các hoạt động marketing online và tăng cường hỗ trợ thông minh cho du khách khi đến với Đà Nẵng sẽ là bước đi ngắn nhất trong việc đưa TP nhanh chóng trở thành một trung tâm du lịch khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Cần có chính sách trợ giúp doanh nghiệp
- Ông có thể cho biết trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng vấp phải những khó khăn gì?
Ông Cao Trí Dũng: Đa số doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, việc triển khai kinh tế số ở các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do công nghệ tụt hậu, tiềm năng tài chính thấp, phương pháp quản trị lạc hậu và cũng ít doanh nghiệp chịu chấp nhận rủi ro.
- Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông có đề xuất gì để doanh nghiệp có thể thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số, đem lại hiệu quả?
Ông Cao Trí Dũng: Hiện nay, hầu hết các địa phương ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã và đang có các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp cho chương trình chuyển đổi số, nên theo tôi, cần có chính sách chuyển giao kết quả nghiên cứu các đề tài này về cho các địa phương và doanh nghiệp sử dụng để có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu, tiết kiệm chi phí thực hiện.
Tiếp theo, các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng Big Data ngành du lịch tại địa phương mình cũng như liên kết nhóm các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và chia sẻ nguồn dữ liệu cho các doanh nghiệp sử dụng. Trong thời đại ngày nay, đơn vị nào sở hữu càng nhiều dữ liệu thì càng có lợi thế, và với lợi ích của Big Data đã được phân tích ở trên, Big Data sẽ giúp các địa phương nâng cao lợi thế cạnh tranh cũng như giúp doanh nghiệp tìm được hướng đi đúng cho mình.
Chúng tôi đề xuất các địa phương hỗ trợ thí điểm một số ứng dụng chuyển đổi số ở một vài khách sạn, công ty lữ hành và điểm đến. Khi hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ số vào việc quản lý và kinh doanh ở các đơn vị thí điểm được thấy rõ, việc phát động toàn bộ doanh nghiệp du lịch tham gia sẽ được đẩy nhanh và đồng bộ hơn.
Ngoài ra, thông qua việc chuyển đổi số, trên cơ sở tích hợp các phần mềm hiện có, các địa phương có thể hoàn thiện công tác quản lý nhà nước ở các cấp ngành, từng bước xây dựng chính quyền số trong du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh, tích luỹ dữ liệu…quay lại phục vụ và phát triển du lịch.
Du khách quốc tế trở lại Đà Nẵng |
Việc chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút du khách, tự động hoá quy trình hoạt động kinh doanh và đầu tư cho E-marketing không phải ngày một ngày hai làm mà có kết quả ngay, nhất là việc xây dựng vận hành hệ thống bán đa kênh, xây dựng thương hiệu số, danh tiếng điện tử, SEO…
Việc chuyển đổi số đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn về hạ tầng và nhân sự công nghệ, kinh phí cho kế hoạch truyền thông dài hạn,… trong khi khả năng thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan về thị trường, hệ thống sản phẩm, cạnh tranh về giá, duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng,… Ngoài ra trong quá trình chuyển đổi số cần thực hiện một cách đồng bộ, ứng dụng những xu hướng, công nghệ mới để vận hành và khai thác một cách có hiệu quả nhất.
-Cảm ơn ông!