Chuyển đổi số đóng vai trò gì trong Chuyển đổi xanh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các dự án Chuyển đổi xanh", ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital chia sẻ.

Ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số (FPT Digital)
Ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số (FPT Digital)

Trao đổi với phóng viên VietTimes tại sự kiện "Bất động sản xanh và hướng dẫn áp dụng chứng chỉ công trình xanh tại Việt Nam" do FPT Digital phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thực hiện, ông Vương Quân Ngọc nói rằng chuyển đổi số “là công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình đo lường các tiêu chí chuyển đổi xanh thông qua việc thu thập dữ liệu, kết nối dữ liệu, phân tích dữ liệu thông minh thậm chí đưa ra khuyến nghị cho chủ đầu tư trong các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Chuyển đổi xanh là một khái niệm nổi lên trong những năm gần đây. Đây là một trong những nội dung quan trọng của phát triển kinh tế bền vững tại nhiều quốc gia. Mục tiêu của chuyển đổi xanh là đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này khi nhiều ngành nghề đang hướng tới chuyển đổi xanh.

Ngày 3/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó có đề cập đến mục tiêu Chuyển đổi xanh - được định nghĩa là mô hình tăng trưởng chú trọng vào quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo bền vững về môi trường.

Chương trình Chuyển đổi xanh ở Việt Nam đã được cụ thể hóa thông qua "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050".

Theo ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của IFC (Tổ chức Tài chính quốc tế - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới), trong vòng 10 năm trở lại đây, các chủ đầu tư công trình BĐS đã quan tâm đến các tiêu chuẩn chuyển đổi xanh. Các tòa nhà, các khu công nghiệp mọc lên không chỉ đơn thuần là những khối bê tông bên cạnh hệ thống cây xanh, mà chủ đầu tư ngay từ bản thiết kế đã đưa vào sử dụng các vật liệu, kết cấu thân thiện với môi trường; hệ thống điện, nước được thiết kế để giảm phát thải; sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

Hiện trên thế giới có rất nhiều tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh như Edge, Green Mark, Leed, DGNB, Lotus, Well; trong đó Việt Nam hiện nay đang phổ biến các tiêu chuẩn là Edge, Leed và Lotus.

Edge là một tiêu chuẩn - một công cụ miễn phí do IFC đưa ra nhằm đánh giá các tiêu chuẩn "xanh" của các công trình xây dựng. Chứng chỉ Edge có 3 cấp độ bao gồm Edge Certified (công trình đạt tiết kiệm tối thiểu 20% năng lượng, nước, carbon trong vật liệu xây dựng), Edge Advanced (tối thiểu 40%) và Zero Carbon (100% năng lượng tái tạo hoặc trung hòa carbon).

vt-vu-hong-phong-5818.jpg
Ông Vũ Hồng Phong giới thiệu bộ chứng chỉ xanh Edge với 3 cấp độ

Ông Phong cho biết hiện nay có khoảng hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng chỉ Edge Certified và 7-8 doanh nghiệp đạt Edge Advanced.

Trong năm 2023 vừa qua, IFC đã đầu tư 1,9 tỉ USD cho Việt Nam để khuyến khích các giải pháp đạt chứng chỉ xanh Edge và có kế hoạch nâng quy mô đầu tư từ 2 - 5 tỉ USD trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Bất động sản khu công nghiệp bắt nhịp xu hướng tăng trưởng xanh

Ông Vương Quân Ngọc - FPT Digital chia sẻ rằng, tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh đang là bắt buộc đối với nhiều doanh nghiệp, ngành nghề. Nếu như trước đây, Việt Nam có thể thu hút đầu tư cũng như khách hàng nước ngoài từ quỹ đất và lực lượng lao động, thì giờ đây 2 yếu tố này không còn là điều kiện hấp dẫn nữa. Các nhà xưởng, công trình xây dựng cũng như sản phẩm cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh thì mới có thể lấy được lòng tin của khách hàng.

vt-vuong-quan-ngoc-2-2027.jpg
Ông Vương Quân Ngọc nói rằng tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh đang là bắt buộc với nhiều doanh nghiệp

Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ có khoảng 563 khu công nghiệp (KCN) tại 61 tỉnh thành. Đến nay, 397 KCN đã được thành lập, trong đó mới chỉ có khoảng 7 KCN sinh thái. Cam kết giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đang trở thành "luật chơi mới" cho những ai muốn đi xa trong lĩnh vực bất động sản trong nước và toàn cầu. Điều này yêu cầu doanh nghiệp BĐS phải có chiến lược thích ứng nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Vương Quân Ngọc nhận định bất động sản KCN có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức cạnh tranh giữa các nhà đầu tư vào ngành này. Nhiều nhà đầu tư BĐS công nghiệp đang dồn trọng tâm phát triển KCN xanh, thông minh với tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, cơ sở vật chất, tiện ích đô thị... để hút dự án xanh.

Phát triển bất động sản KCN xanh không chỉ giúp thu hút và giữ chân khách hàng mà còn giúp tối ưu hoạt động do tận dụng được các nguồn tài nguyên, nhiên liệu và công nghệ tích hợp trong KCN.

tong-quan-cong-trinh-xanh-2608.jpg

Theo ông Vũ Hồng Phong, đạt được các tiêu chuẩn xanh như Edge hay Leed sẽ giúp doanh nghiệp, BĐS công nghiệp tiếp cận nguồn vốn và ưu đãi đặc biệt từ các tổ chức quốc tế và quỹ tài chính cho dành cho các công trình xanh. Ông Phong đưa ra ví dụ về "gói tài chính xanh 5.000 tỉ" mà VietinBank sẽ đưa ra trong thời gian tới dành cho các công trình đạt chứng nhận xanh.

"Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh sẽ giúp ngành BĐS công nghiệp vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, mang lại những lợi ích ngay trong ngắn hạn như tăng doanh thu, giảm phát thải tiến tới giá trị bền vững trong dài hạn, tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm hơn… xây dựng nên một thị trường bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững", ông Vương Quân Ngọc cho biết.

Theo báo cáo của IFC, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 396 công trình đạt chứng nhận xanh, tương đương với 26.095 căn hộ và 9.734.572 m2 mặt sàn. Đa phần các dự án được chứng nhận thuộc phân khúc Nhà ở (39,36%) và Khu công nghiệp (34,12%). Trong năm 2024, tỷ trọng của khu công nghiệp và nhà ở được dự đoán vẫn chiếm ưu thế, lần lượt là 29,60% và 20,68% trong tổng 15.000.000 m2 mặt sàn sẽ được chứng nhận công trình xanh.