|
Thủ tướng chia sẻ 12 "từ khóa" quan trọng: Truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững trong phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. |
Ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng để công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Biểu dương sự cố gắng của các bộ, ngành, cơ quan, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng, đánh giá cao đóng góp của vùng vào thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra quá trình phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng còn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức khi tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Kinh tế-xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò của vùng, đặc biệt là về văn hóa.
"Vùng có 3 cái thiếu: Thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp", Thủ tướng nhận định.
Chỉ ra vùng có 5 hạn chế lớn, Thủ tướng lưu ý hạn chế trong ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hạn chế về tính liên kết, về cả liên kết trong hạ tầng giao thông; liên kết chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành trong các hành lang phát triển; liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI; hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, thực tế phát triển văn hóa-xã hội chưa đáp ứng nhu cầu; chưa phát huy được giá trị văn hóa đặc sắc của vùng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ 12 chữ mang tính chất "từ khóa" trong triển khai Quy hoạch và phát triển, liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian tới: Truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững.
Đồng thời, ông cũng chỉ ra phương châm, quan điểm xuyên suốt: Con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển.
"Các yếu tố nền tảng là: Phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thúc đẩy 3 đột phá chiến lược; tập trung phát triển các động lực mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và liên kết vùng", Thủ tướng lưu ý.
Cùng với đó, ứng phó, khắc phục những thách thức, hạn chế, bất cập, như già hóa dân số; khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa, tài nguyên con người; bảo vệ môi trường; khắc phục hạn chế về nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng cũng lưu ý: "Không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần"; đẩy mạnh thông tin truyền thông để nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân giám sát - Dân thụ hưởng".
Tập trung phát triển nguồn nhân lực bán dẫn
Chỉ ra một số nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện ngay, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, hoàn thành trong quý II/2024; tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển.
"Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nhất là nhân lực bán dẫn, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược", người đứng đầu Chính phủ nói.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư công nghệ; thúc đẩy đầu tư PPP, nhất là trong phát triển các dự án hạ tầng giao thông của vùng và liên vùng; đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, ưu tiên cho giao thông; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ chất lượng cao.
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024, nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; Tập trung bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa của nền văn minh sông Hồng; Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, liên kết, hình thành các chuỗi đô thị Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng; Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng…