Chuyển đổi mô hình taxi xăng sang điện, ai là người hưởng lợi nhiều nhất?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhờ những ưu điểm như ít chi phí chăm sóc, bảo dưỡng và thân thiện môi trường, cả người đầu tư lẫn khách hàng đều hưởng lợi từ việc sử dụng phương tiện năng lượng xanh cho kinh doanh vận tải.

Chuyển đổi mô hình taxi xăng sang điện, ai là người hưởng lợi nhiều nhất?

Người kinh doanh và khách hàng đều hưởng lợi

Về phía các doanh nghiệp, đơn vị trực tiếp hưởng lợi khi sử dụng phương tiện năng lượng xanh vào các hoạt động dịch vụ. Cụ thể, các chi phí như chăm sóc, bảo dưỡng ô tô điện ít hơn xe xăng, đồng thời xe điện có mức chi phí cấu thành về giá thấp hơn nên rủi ro trong kinh doanh vận tải cũng thấp hơn.

Trong buổi tọa đàm với chủ đề "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" được Báo Giao thông tổ chức ngày 24/5, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Ô tô thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, đã đánh giá cao tiềm năng của xe điện trong lĩnh vực này.

GS Phúc.jpeg
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội.

"Những chi tiết cấu thành ô tô giảm đi rất nhiều so với xe xăng nên chi phí chăm sóc bảo dưỡng giảm nhiều, không cần phải thay dầu mỡ, thay lọc gió, thay lọc dầu", ông Phúc nhận định.

Bên cạnh đó, vì ít chi tiết cấu thành nên rủi ro của xe cũng ít hơn. Từ đó, tổng chi phí để nuôi một xe taxi cũng giảm hơn so với xe xăng truyền thống. Ngoài ra, ông Phúc cũng đưa ra ví dụ, trung bình một chiếc ô tô chạy xăng tiêu thụ 7 lít/100km sẽ phát thải khoảng 14,7kg CO2 trong khi xe điện tiêu thụ hơn 9kWh sẽ chạy được 100km.

Như vậy, một chiếc xe xăng phải chạy chỉ 4 lít/100km thì mới đảm bảo lượng phát thải ngang với xe điện VF8, theo ông Phúc.

Là doanh nghiệp tiên phong đưa xe điện vào kinh doanh dịch vụ vận tải taxi thay thế cho dàn xe xăng tại Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty taxi Én Vàng, chia sẻ về một số kết quả chuyển đổi.

Ông Định cho biết, trong 20 năm qua và đặc biệt gần đây, khi đưa xe điện vào và xác định thay thế dần xe xăng, không đầu tư xe xăng trong tương lai, công ty ông cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ lái xe, khách hàng và cổ đông chất vấn về lý do chuyển đổi.

"Tôi nghĩ rất đơn giản, thực tế đã đi khảo sát với các doanh nghiệp vận tải đều trăn trở tìm được phương tiện kinh doanh đạt hiệu quả đầu tư, chi phí thấp và vòng đời dài", ông Định cho hay.

"Cá nhân tôi cũng sang TQ, Mỹ và nhìn thấy thực sự xe điện vận hành êm ái, hiệu quả thực sự. Chúng tôi tính đơn giản 1km vận tải xe xăng thấp nhất cần chi 1.200 - 1.600 đồng với giá xăng. Còn xe điện chỉ tốn chỉ 400 - 600 đồng. Ngoài ra, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp dẫn đến tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng", ông Định nói thêm.

Chi phí thấp như vậy là sẽ mang lại hiệu quả cho người đầu tư, những người vận hành là lái xe và khách hàng cũng được hưởng lợi, theo ông Định.

Về phía khách hàng, chủ thể trực tiếp được hưởng lợi từ mô hình chuyển đổi taxi từ xe xăng truyền thống sang các phương tiện năng lượng xanh.

taxi xanh SM.jpeg
Taxi điện ngày càng được khách hàng tin dùng bởi chất lượng dịch vụ tốt, xe không có mùi và cảm giác ngồi trong xe êm ái.

Anh Hoàng Ngân, khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ taxi tại Hà Nội chia sẻ: "Bản thân và gia đình hay dùng dịch vụ taxi của Xanh SM, cảm thấy rất hài lòng về dịch vụ từ thái độ tài xế đến chất lượng của xe. Hệ thống "book" xe trên ứng dụng cũng nhanh chóng, dễ dàng. Đặc biệt ấn tượng khi ngồi trong xe cảm giác êm ái, không bị mùi xăng bốc lên như taxi xăng truyền thống".

Taxi điện sẽ ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong tương lai không xa, việc sử dụng xe xanh sẽ góp phần nhỏ vào công cuộc cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với đó, khách hàng cũng sẽ là người được hưởng lợi từ việc chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi điện.

Xu thế chuyển đổi sang taxi điện ngày càng phát triển mạnh mẽ

Theo số liệu thống kê, hiện nay, số lượng phương tiện sử dụng năng lượng xanh vào các hoạt động kinh doanh vận tải chiếm khoảng 30% tổng số xe taxi đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Trưởng ban Ô tô - Xe máy Báo Giao thông cho biết, sau gần 2 năm kể từ thời điểm hãng taxi điện đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, những chiếc xe điện chạy taxi đã dần quen thuộc trên các cung đường khắp cả nước.

én vàng taxi.jpeg
Công ty taxi Én Vàng, đơn vị tiên phong chuyển đổi từ taxi truyền thống sang taxi điện từ tháng 4/2023 đến nay.

Hiện nay, bên cạnh thương hiệu taxi Xanh SM do GSM tự vận hành, đã có 27 doanh nghiệp, đơn vị đối tác hợp tác chuyển đổi xe điện cùng VinFast và GSM, đưa tổng số xe taxi điện của các thương hiệu trên cả nước lên hơn 20.000 xe.

Tương ứng khoảng 30% số xe taxi đang hoạt động tại Việt Nam. Sắp tới cũng có nhiều hãng taxi truyền thống đã lên kế hoạch điện hoá 100% phương tiện. Điều đó phần nào cho thấy xu hướng sử dụng ô tô điện trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Theo lộ trình tại Quyết định 876, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Điều đó cho thấy việc chuyển sang sử dụng xe điện cho hoạt động kinh doanh vận tải nói chung và taxi nói riêng là xu thế tất yếu trong sự phát triển đi lên của toàn xã hội.