Chương trình thí điểm này rất được lòng bà con ngư dân và doanh nghiệp vì lãi suất vay vốn thấp, giảm chi phí nuôi, chắc chắn đầu vào nguyên liệu cho doanh nghiệp và đầu ra cho người nuôi với giá hợp lý, có lãi cao gấp đôi so với hộ dân ngoài chuỗi liên kết.
Chính vì thế, cả doanh nghiệp và người nuôi cá tra An Giang đều mong muốn chương trình thí điểm được gia hạn, tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kiên quyết từ chối vì "chương trình thí điểm nào cũng phải kết thúc" và "tính tôi không thích nợ nần ai cả, đã hứa là phải thực hiện" như ông đã chia sẻ trong chuyến đi này.
Ổn định đầu ra nhờ chuỗi liên kết
Nhằm nắm bắt thêm tình hình thực tế, tháo gỡ những vướng mắc để sớm hoàn thiện các quy định về cho vay liên kết theo chuỗi của Nghị quyết 14/NQ-CP, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa có buổi làm việc và khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp và hộ dân tham gia chương trình thí điểm tại tỉnh An Giang.
An Giang là 1/22 địa phương tham gia thí điểm trong cả nước, được triển khai 4/30 dự án. Các dự án phần lớn gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương như cá tra, rau quả…
Tính đến cuối tháng Hai, số tiền đã giải ngân cho bốn dự án đạt 566,67 tỷ đồng, dư nợ đạt 325,11 tỷ đồng. Các dự án đều được giải ngân triển khai có kết quả tốt.
Tại buổi làm việc với một Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất-thương mại-dịch vụ Thuận An (Tafishco) tham gia chuỗi liên kết, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Tafishco cho biết, tính đến nay công ty đã triển khai thả cá giống với diện tích mặt nước 48,7 ha, đạt 68% so với diện tích dự án. Tổng số tiền Agribank chi nhánh An Giang đã giải ngân cho chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco là 231 tỷ đồng, đạt 55,5% so với tổng hạn mức được duyệt của dự án.
Bà Trinh cho biết, hiệu quả kinh tế mang lại cho các hộ nuôi có tham gia chuỗi liên kết cao hơn các hộ nuôi không tham gia chuỗi liên kết từ 500-1.000 đồng/kg.
"Tất cả dòng tiền trong hoạt động chuỗi đều được chuyển khoản qua tài khoản giao dịch tại Agribank gồm thanh toán tiền mua thức ăn nuôi cá, thanh toán tiền mua cá của người dân, xuất khẩu thu tiền của người nước ngoài, đảm bảo đầu tư đúng mục đích," bà Trinh khẳng định.
Khi khảo sát hộ ông Nguyễn Văn Tấn, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang, hộ nuôi cá tra thuộc chuỗi liên kết Tafishco được biết, gia đình ông đã có kinh nghiệm nuôi cá tra hơn 20 năm, chính vì vậy mới được chọn vào chuỗi nuôi thí điểm. Trước đây, nuôi cá thường bấp bênh, việc được mùa mất giá hoặc được giá mất mùa là chuyện bình thường. Có thời điểm giá cá xuống quá, gia đình ông phải tạm thời ngưng không thả cá giống, chờ thời điểm thuận lợi mới dám thả.
"Từ ngày tham gia vào chuỗi liên kết, tôi đã không còn lo ngại về chuyện đó, hàng tuần người của công ty xuống xem xét về kỹ thuật, đo nhiệt độ nước, hướng dẫn cách cho cá ăn... Cá chuẩn bị xuất được là có người của công ty xuống thu hoạch, lợi nhuận tăng đều theo từng vụ," ông Tấn chia sẻ.
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng nhấn mạnh, mô hình chuỗi liên kết được thực hiện tại An Giang vừa qua rất hiệu quả. Việc triển khai thực hiện cho vay thí điểm này đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tồn tại từ nhiều năm trước đây đối với hoạt động nuôi cá tra như không đòi hỏi giá trị thế chấp quá lớn để hình thành vốn vay, giá thành sản xuất thấp, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Lãi suất phải theo thị trường
Tại buổi làm việc, đại diện Tafishco đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và phê duyệt giảm lãi suất cho vay xuống mức 5,5%/năm, để hỗ trợ thêm cho nông dân liên kết trong điều kiện phải bỏ thêm chi phí để đầu tư các tiêu chuẩn, quy định nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như VietGAP, GlobalGAP, BAP…
Lý do Tafishco đưa ra là, mặc dù nhờ tham gia liên kết mà hộ nuôi cá cũng đã tiết giảm nhiều chi phí để hạ giá thành, nhưng hiện tại nhiều hộ dân vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, do tình hình tiền tệ trên thế giới không ổn định khiến giá xuất khẩu vẫn còn thấp.
Bên cạnh đó, đại diện Tafishco cũng kiến nghị cần có cơ chế thí điểm phương án bảo hiểm giá cá tra thương phẩm và vấn đề hạn chế rủi ro cho người sản xuất...
Đáp lại kiến nghị này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, Công ty Thuận An đang được vay với lãi suất thấp (từ 6 - 6,5%), mức này đã thấp hơn cả mức cho vay người nghèo và cho vay thị trường. Chính vì vậy, về lâu dài, lãi suất phải theo cơ chế thị trường để bảo đảm tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để khuyến khích các doanh nghiệp và người nông dân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, các ngân hàng thương mại, đặc biệt ở đây là Agribank, sẽ cân nhắc để áp dụng mức lãi suất phù hợp.
“Tiến tới, chúng ta cần phải làm sao để có một mặt bằng chung về lãi suất, không thể ưu đãi mãi được, vì nếu có nhiều ưu đãi sẽ làm thị trường méo mó. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ phải theo cơ chế thị trường để đảm bảo tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp,” Thống đốc Bình phân tích.
Thống đốc cũng đề nghị các công ty bảo hiểm ngành ngân hàng chủ động tham gia. Cụ thể, Công ty Bảo hiểm ABIC (thuộc Agribank) nghiên cứu phối hợp làm trọn gói từ khâu thẩm định đến cho vay và bảo hiểm giá.
Trong buổi làm việc, Thống đốc Bình cũng chia sẻ, đây là lần cuối cùng ông đến An Giang với tư cách là Thống đốc. Chuyến đi này sẽ ghi nhận những vướng mắc khó khăn trong việc thực hiện triển khai mô hình liên kết cho vay cá tra và thời gian tới đây sẽ sơ kết, tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả triển khai chương trình này để từ đó hoàn thiện cơ chế chính sách thành chủ trương của nhà nước để tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp, người nông dân và ngân hàng yên tâm triển khai thực hiện.
"Sẽ không có gia hạn, bởi chương trình thí điểm nào cũng phải có kết thúc, nhưng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân sẽ được xem xét cơ chế chính sách để hoàn thiện thành văn bản quy phạm pháp luật để người dân, doanh nghiệp triển khai. Tính tôi không thích nợ nần ai cả, đã hứa là phải thực hiện,” Thống đốc Bình quả quyết.
Theo VietNam+