Chứng khoán tuần qua: Khối ngoại mua ròng kỷ lục 4.550 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong bối cảnh chỉ số VN-Index liên tục 'dò đáy' bởi tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại trở thành điểm sáng khi có tuần mua ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2022, lên tới 4.550 tỉ đồng.

Kết thúc tuần giao dịch từ 7/11 – 11/11, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 954,53 điểm, giảm 42,62 điểm (-4,27%) so với cuối tuần trước. Đây là tuần thứ hai liên tiếp chỉ số này đóng cửa tuần dưới mốc 1.000 điểm và tạo đáy mới của năm.

Tương tự, chỉ số HNX-Index giảm 9,17 điểm (-4,29%) xuống 204,56 điểm. UPCoM-Index giảm 1,83 điểm (-2,41%) xuống 74,26 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm nhẹ khi giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 10.541 tỉ đồng, giảm 0,5% so với tuần trước đó, giảm 7,6% so với trung bình 5 tuần và giảm 20% so với trung bình 20 tuần trước.

VN-Index hướng về mốc 950 điểm (Nguồn: Tradingview)

VN-Index hướng về mốc 950 điểm (Nguồn: Tradingview)

Xét theo mức độ đóng góp, NVL, HPG, TCB, EIB và MBB là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index trong tuần qua. Ngược lại, VCB, BID, GAS, SAB và MSN là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất tuần.

Về xu hướng dòng tiền, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tuần qua tăng mạnh vào nhóm ngân hàng, bất động sản, dầu khí; trong khi giảm ở nhóm chứng khoán, hóa chất và bán lẻ.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng có tuần giao dịch sôi động với tỷ trọng giá trị giao dịch đạt 23,36% toàn thị trường, cao nhất 10 tuần liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số đại diện giá ngành vẫn giảm 1,91% so với tuần trước.

BID là cổ phiếu mạnh nhất ngành với mức tăng 8,11% trong tuần vừa qua. Tiếp đến là VCB tăng 5,15%, NVB tăng 3,7%, ACB tăng 3,23%. Trong khi đó, các mã ngân hàng giảm điểm nhiều nhất là EIB (-26,03%), KLB (-14,87%), VIB (-11,39%), SHB (-11,11%).

Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản cũng ghi nhận tuần giao dịch tích cực với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 18,71% toàn thị trường, song chỉ số đại diện ngành giảm tới 7,68%.

Một số cổ phiếu như NVL, PDR bị bán giải chấp mạnh nhưng thanh khoản không có dẫn đến ngày càng nhiều lượng cổ phiếu bị bán ra. Với ảnh hưởng của các mã này, một loạt các cổ phiếu bất động sản khác cũng liên tục giảm sàn như DXG, IDC, HQC…

Trong tuần giao dịch từ 7/11 – 11/11, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 5.555 tỉ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 5.170 tỉ đồng, tập trung vào các mã DGC (-282,6 tỉ đồng), CTG (-276,7 tỉ đồng), VHM (-252,9 tỉ đồng), VNM (-247,9 tỉ đồng), SSI (-244,2 tỉ đồng).

Bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán quay trở lại trạng thái bán ròng với giá trị 768,8 tỉ đồng trên HOSE. Họ bán ròng chủ yếu các chứng chỉ quỹ FUEVFVND (-361,3 tỉ đồng), E1VFVN30 (-342,1 tỉ đồng) và FUESSVFL (-220,3 tỉ đồng).

Trong khi đó, khối tự doanh chứng khoán mua ròng nhiều nhất các mã EIB (139,3 tỉ đồng), KBC (133,3 tỉ đồng), SSI (77 tỉ đồng), VND (41,1 tỉ đồng) và VCI (39,8 tỉ đồng).

Điểm sáng trong tuần giao dịch vừa qua là việc khối ngoại mua ròng trở lại với tổng giá trị 4.554 tỉ đồng. Cụ thể, họ mua ròng 4.123,3 tỉ đồng trên HOSE, mua ròng 352,6 tỉ đồng trên HNX và mua ròng 78 tỉ đồng trên UPCoM.

Các nhà đầu tư mua ròng nhiều nhất các mã KDH (532,9 tỉ đồng), PVS (339,6 tỉ đồng), VHM (296,7 tỉ đồng) và DGC (234,6 tỉ đồng). Ngược lại, họ bán ròng HSG (-40,3 tỉ đồng), KDC (-40,2 tỉ đồng), HDB (-35,7 tỉ đồng), OCB (-30,7 tỉ đồng) và DGW (23,3 tỉ đồng)./.