Biến thách thức thành cơ hội cơ cấu lại kinh tế
Sáng 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho biết tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức khi bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhất là lãi suất, tỷ giá còn cao trong bối cảnh tình hình thế giới biến động mạnh, rủi ro gia tăng.
Sau khi phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm quan trọng.
Thứ nhất, càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải nỗ lực, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hoá người Việt Nam; "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
Thứ hai, chủ động, linh hoạt, quyết đoán đúng thời điểm, phân công rõ ràng, trách nhiệm cụ thể, đảm bảo hiệu quả công việc.

Thứ ba, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; phát huy sức mạnh hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát không thay đổi về ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng. Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025.
Về ứng phó với các chính sách của các nước, nhất là thuế quan đối ứng của Mỹ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nắm chắc tình hình.
Nhấn mạnh việc đề ra kế hoạch, giải pháp trước mắt và lâu dài, trực tiếp và gián tiếp, thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại, có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và giải pháp cụ thể, có trọng điểm và diện rộng, Thủ tướng nói: "Coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu".
Thủ tướng nêu rõ xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy, nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng không phải là thị trường duy nhất. Do đó, chúng ta rất tôn trọng, giải quyết các vấn đề quan tâm của Mỹ và tiến hành đàm phán theo thỏa thuận cấp cao giữa Tổng bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.
Đặt quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và các hiệp ước quốc tế khác, trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ với các đối tác.
Thủ tướng chỉ đạo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc và các cơ quan rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch đàm phán cụ thể với Mỹ; Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo tổ công tác, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, có kế hoạch, phương án và triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp, công việc cụ thể trên các lĩnh vực và kết nối chặt chẽ với đoàn công tác đàm phán.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương liên quan được giao tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Mỹ nói riêng; chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, các đơn vị này cũng chủ động cung cấp thông tin, phản hồi kịp thời, đầy đủ, minh bạch những vấn đề Mỹ quan tâm, nhất là về sở hữu trí tuệ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa…
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng nhấn mạnh là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Thủ tướng nêu mục tiêu 100% thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan tập trung triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành tại kỳ họp bất thường lần thứ 9; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội sửa đổi các luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Bộ Nội vụ chủ trì tham mưu, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Về đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì tăng cường kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, kịp thời điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ.
Về xuất khẩu, Bộ Công Thương chủ trì để đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Mặt khác, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp.
Về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì đôn đốc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội, Nghị quyết 03 của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với ngân hàng SCB. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng kéo dài, chống lãng phí.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2025, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 này.

Công an cấp xã giải quyết các thủ tục hành chính nào?

Đề nghị kỷ luật nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
