Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy nổ nghiêm trọng

Trong Chỉ thị 46, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản trên địa bàn.

Kiểm soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường chưa chặt chẽ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 46 về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025.

Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy nhưng việc thực hiện tại một số địa phương còn nhiều hạn chế.

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ cháy ở Phạm Văn Đồng khiến 11 người vong. Ảnh: Quỳnh An.

Cụ thể, công tác kiểm soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường chưa chặt chẽ, việc phân công trách nhiệm chưa quyết liệt, chặt chẽ, còn nhiều cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy và việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các giải pháp phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng còn chưa được thực hiện hiệu quả.

Một số địa phương chưa phân công rõ trách nhiệm, chưa kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra về Phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng cháy chữa cháy, phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.

Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy

Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên địa bàn, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Bộ trưởng Công an khẩn trương ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vừa được Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công an cũng chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương mở đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người; tập trung kiểm tra, hướng dẫn khắc phục các sơ hở, thiếu sót, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Trong lĩnh vực xây dựng, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc cấp phép xây dựng đối với các loại hình công trình, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

"Xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép, các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang các loại hình sản xuất, kinh doanh khác mà không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy", Chỉ thị nêu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu chủ hộ gia đình, người đứng đầu nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường phòng cháy chữa cháy do UBND cấp tỉnh ban hành và hoàn thành trước 30/3/2025. Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.

Thủ tướng đề nghị cụ thể hóa trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn.