|
Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cú điện đàm đầu tiên với tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh chụp ông Tập và ông Scholz ở Hamburg năm 2017 (Ảnh: DPA) |
Ngợi ca mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đức có vai trò “chủ đạo” trong việc điều hướng quan hệ hợp tác tổng thể với châu Âu, Chủ tịch Tập cũng hối thúc Berlin “đóng vai trò tích cực trong việc ổn định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)”, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
“Trung Quốc và châu Âu là hai thế lực toàn cầu độc lập và tự trị có nhiều sự đồng thuận và lợi ích chung”, ông Tập nói trong cú điện đàm đầu tiên với ông Scholz kể từ khi ông chính thức kế nhiệm bà Angela Merkel cách đây 2 tuần. “Cả hai bên nên bám sát quan hệ đối tác chiến lược toàn diện…để đảm bảo sự phát triển ổn định và lành mạnh của quan hệ Trung Quốc-châu Âu ở mọi thời điểm.”
Ông Tập nói với ông Scholz rằng Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong suốt 5 năm qua, và hai nước hưởng lợi ích đáng kể từ sự phát triển kinh tế của nhau. Ông thêm rằng hai bên có thể hợp tác trong những lĩnh vực đang lên, như năng lượng mới, năng lượng xanh và kinh tế số.
Không chỉ đích danh Mỹ, ông Tập nói rằng Trung Quốc và Đức nên tiếp tục hợp tác trong các vấn đề quốc tế, bao gồm chống đại dịch COVID-19, đóng góp công bằng vaccine ngừa COVID-19, cho đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch, biến đổi khí hậu và giảm nghèo.
“Chúng ta cần kiên quyết giải quyết các điểm nóng trong khu vực thông qua đối thoại, phản đối mọi hoạt động theo đuổi bá quyền và tâm lý chiến tranh lạnh” – ông Tập nói.
Theo biên bản về cuộc điện đàm được phía Trung Quốc công bố, Thủ tướng Scholz nói rằng Đức sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, biến đổi khí hậu và tăng cường liên lạc, nhất là về vấn đề Afghanistan và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Scholz cũng nói với ông Tập rằng Đức sẽ tìm cách thúc đẩy quan hệ EU-Trung Quốc “theo cách xây dựng” và cũng thể hiện hy vọng của ông về “việc thực thi sớm” thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và EU suy giảm nhanh chóng, bắt nguồn từ việc hai bên trừng phạt lẫn nhau xung quanh vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Trong hôm đầu tuần này, Cao ủy cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, Josep Borrell, cùng với Ngoại trưởng nhóm G7 đã đưa ra một tuyên bố nêu rõ “quan ngại sâu sắc” của họ về kết quả bầu cử Hội đồng Lập pháp Hong Kong.
Trước đó, tờ SCMP đưa tin rằng hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU, ban đầu được lên kế hoạch tổ chức vào cuối năm nay, có khả năng cao sẽ bị hoãn cho đến tháng 1/2022 do bất đồng về nhân quyền, kinh tế và thương mại giữa hai bên.
Trong khi đó, căng thẳng tăng dần giữa Trung Quốc và Lithuania sau khi Vilnius thiết lập cơ sở được xem như “đại sứ quán” ở Đài Loan, điều khiến Bắc Kinh cực lực phản đối. Bắc Kinh đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania và trong tuần trước, Vilnius nói rằng họ đã đóng cửa Đại sứ quán của mình ở Bắc Kinh, rút hết các nhà ngoại giao. Sự việc càng đặt thêm áp lực với EU khi khối này cân nhắc đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Bắc Kinh đã tỏ ra hết sức quan ngại về khả năng thay đổi quan điểm của Berlin, từ chính sách thân thiện với Trung Quốc của chính quyền Angela Merkel sang một chính sách gần gũi hơn với Mỹ. Trong một động thái thể hiện rõ nhất sự mong muốn được liên hệ với tân lãnh đạo của Đức, ông Tập đã gửi thông điệp chúc mừng tới ông Scholz chỉ chưa đầy 10 phút sau khi vị trí Thủ tướng Đức của ông được xác nhận. Ngược lại, phải 2 tuần lễ kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, ông Tập mới gửi thông điệp chúc mừng.