Chủ tịch FPT Trương Gia Bình gợi ý Hà Nội xây dựng dữ liệu kiến tạo thành phố thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – “Làm sao để dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống, phục vụ hiệu quả nhất, giải phóng cho công chức, viên chức khỏi những công việc buồn chán để hiệu quả cao nhất, chính xác nhất, nhanh nhất” – ông Trương Gia Bình nói.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo các bộ ngành trao đổi về giải pháp xây dựng thành phố thông minh.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo các bộ ngành trao đổi về giải pháp xây dựng thành phố thông minh.

Tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt nam – châu Á 2023, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, đánh giá rằng, Hà Nội có cơ hội là điểm sáng nhất trong hệ thống về trí tuệ nhân tạo và chip. Để thực hiện được sứ mạng vẻ vang này, thành phố thông minh là nhân tố mang tính quyết định. Hà Nội còn có vai trò dẫn dắt các thành phố khác trong công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đi vào công nghệ cao, công nghệ lõi (trí tuệ nhân tạo và bán dẫn).

Theo ông Trương Gia Bình, TP. Hà Nội cần có được một cơ chế rất đặc thù, vượt trội để thu hút tài năng của Việt Nam, của thế giới của cộng đồng Việt kiều để cùng nhau gánh vác sứ mệnh vẻ vang đó.

Nêu việc 20 năm trước, không ai biết về phần mềm nhưng đến nay Việt Nam đã có trên dưới một triệu kỹ sư công nghệ thông tin, hơn nửa trong số đó hiện đang phục vụ cả cho các nước tiên tiến, ông Trương Gia Bình nêu rõ, Hà Nội không chỉ xây dựng thành phố thông minh cho chính mình, mà còn phải đi đầu cả về phần cứng, phần mềm, nhân lực, đi đầu trong chuyển đổi xanh; tạo ra cơ hội để tất cả công ty CNTT Việt Nam và thế giới có nhiều cơ hội phát triển, lấy thành quả ở Hà Nội để mở ra các cơ hội khác.

“Tôi hy vọng Hà Nội sẽ tạo ra cơ hội cho tất cả các công ty CNTT ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới phát triển” - ông Trương Gia Bình bày tỏ.

Bàn về vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số là dữ liệu, ông Trương Gia Bình và các chuyên gia đều cho rằng việc trước nhất là cần làm cho dữ liệu đạt yêu cầu về “đúng, đủ, sạch và sống”.

“Giải phóng cán bộ viên chức của thành phố khỏi sự buồn chán và đạt hiệu quả cao nhất. Dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh nhất, ít tốn thời gian, chi phí nhất và minh bạch nhất” – Chủ tịch FPT nói và cho rằng, đó là cơ sở để chuyển đổi số hiệu quả, giúp cuộc sống của người dân Hà Nội tốt đẹp hơn “để Hà Nội ngời sáng như biểu tượng thủ đô của một Việt Nam mới”.

Cũng chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT Phan Thanh Sơn chia sẻ về việc quy hoạch, xây dựng, vận hành thông minh, bền vững dựa trên nền tảng dữ liệu.

vt_Ông Phan Thanh Sơn - Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Hệ thống Thông tin FPT đưa ra những sáng kiến về chủ đề “Quy hoạch, xây dựng, vận hành thông minh, bền vững dựa trên trên nền tảng dữ liệu”..jpg
Ông Phan Thanh Sơn - đại diện Công ty Hệ thống Thông tin FPT trao đổi về quy hoạch, xây dựng, vận hành thông minh, bền vững dựa trên trên nền tảng dữ liệu.

Theo ông Sơn, chuyển đổi số đang trong một giai đoạn mới với những xu hướng, thách thức và cơ hội mới mà chuyển đổi số đô thị và vùng (URDX) là một thành phần song hành với 3 quá trình chuyển đổi số xây dựng nền kinh tế số, chính quyền và xã hội số số trong cùng phạm vi đô thị, thành phố, vùng theo cách nhìn của quy hoạch.

Dẫn thực tế thế giới, ông Phan Thanh Sơn cho rằng, sau Covid-19, mục tiêu phát triển bền vững (SDG), cam kết NetZero, ESG đã thúc đẩy các đô thị đặt ra mục tiêu và chiến lược chuyển đổi xanh, bền vững bên cạnh thông minh cho các đô thị.

"Để thực hiện thành công và dài hạn cho các mục tiêu này chúng ta cần quay lại đặt mục tiêu cho chương trình đô thị thông minh là việc xây dựng đô thị thông minh và bền vững thông qua một chương trình, lộ trình chuyển đổi kép cho đô thị, thành phố và vùng", ông Sơn nói.

Từ kinh nghiệm thế giới, để thực hiện thành công quá trình này cần phải bắt đầu từ quá trình quy hoạch, đến xây dựng và sau đó là vận hành; từ quy mô bao quát toàn bộ đô thị, dài hạn đến triển khai thực hiện từng thành phần, hệ thống đô thị trong một mốc cụ thể dựa trên dữ liệu tích hợp, thời gian thực chung của đô thị được khai thác giá trị bằng các thành quả công nghệ và mô hình mới như AI, 3D GIS , BIM, PIM, CIM. Tiếp cận Smart City thế hệ mới cách tiếp cận, mô hình phối hợp và các công nghệ tham gia sẽ hỗ trợ cho các nhà hoạch định và lãnh đạo đô thị giải bài toán này.

Ông Sơn cũng cho rằng, chuyển đổi số đô thị và vùng cần song hành với quá trình xây dựng nền kinh tế số - đây là hành trình chuyển đổi kép. Để thực hiện thành công quá trình này Việt Nam cần phải bắt đầu từ quá trình quy hoạch, đến xây dựng và sau đó là vận hành, đầu tư mạnh mẽ vào 5 thành phần và năng lực cốt lõi mang tính chiến lược là: AI, Dữ liệu, Định danh, Giao tiếp và Điểm chạm.