Mua 3.500 tấn đất hiếm để phục vụ đề tài cấp Nhà nước, chế biến xuất khẩu
Sáng 13/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án liên quan đến hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm ở mỏ Yên Phú (tỉnh Yên Bái), gây thất thoát cho Nhà nước hơn 736 tỷ đồng.
Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam, bị truy tố về hai tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo buộc, từ năm 2019-2023, ông Lưu Anh Tuấn đã giúp ông Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương) che giấu doanh thu từ việc bán đất hiếm, để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 20 tỷ đồng, gây thất thu thuế hơn 7 tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Trương Thị Hiển (kế toán Công ty Đất hiếm Việt Nam) cùng ông Lưu Anh Tuấn giúp bị cáo Huấn để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 9 tỷ đồng theo 2 hóa đơn năm 2020 và 2021, gây thất thu số tiền thuế hơn 3 tỷ đồng.
Ông Lưu Anh Tuấn còn chỉ đạo nhân viên liên hệ, trực tiếp chuyển tiền để lấy 15 hóa đơn của các Công ty cung cấp hóa chất, phản ánh số lượng vật tư đầu vào nhiều hơn thực tế mua bán với tổng trị giá hơn 16 tỷ đồng để hạch toán kế toán trái quy định, vi phạm quy định về kế toán, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền thuế là hơn 4 tỷ đồng.
Cáo buộc còn cho rằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đất hiếm Việt Nam, chỉ đạo nhân viên dùng hồ sơ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu để hợp thức cho việc xuất khẩu trái pháp luật 473.980 kg 'Tổng Oxit đất hiếm' với trị giá hơn 379 tỷ đồng, được sản xuất từ nguồn đất hiếm hàm lượng TREO 18-20% mua của Công ty Thái Dương.
Tại phiên tòa hôm nay, trái với vẻ lo lắng của các bị cáo trước đó, ông Tuấn tỏ ra khá tự tin, liên tục trình bày về tôn chỉ kinh doanh, quy trình sản xuất và những "uẩn khúc" trong cáo trạng.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Tuấn cho biết Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam do 6 cổ đông sáng lập, trong đó ông sở hữu 29% cổ phần và trực tiếp điều hành hoạt động doanh nghiệp vì có chuyên môn hóa học và “hiểu biết rõ về đất hiếm”.
Trả lời câu hỏi về mục đích chế biến sâu đất hiếm, ông Tuấn cho biết sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, phục vụ cho các ngành điện tử, hàng không và xe điện. Đặc biệt, ông nhấn mạnh: Công ty bị cáo, là duy nhất xuất khẩu sang Nhật cho đến thời điểm này.

Ông Tuấn cũng cho biết công ty mình đang thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về chế biến sâu đất hiếm, một lĩnh vực được Đảng và Nhà nước khuyến khích.
Liên quan đến nguồn nguyên liệu đầu vào, bị cáo Tuấn thừa nhận đã mua 3.500 tấn đất hiếm từ Công ty Thái Dương để phục vụ 3 đề tài cấp Nhà nước mà công ty đang thực hiện. Sau quá trình chế biến sâu tại nhà máy rộng 2,2ha ở Phủ Lý (Hà Nam), công ty thu được ôxit đất hiếm với hàm lượng 97% và độ tinh khiết dưới 0,05%. Sản phẩm này một phần phục vụ nghiên cứu, phần còn lại xuất khẩu sang Nhật Bản với tổng số lượng hơn 487 tấn (tính cả nguyên liệu nhập khẩu và sản xuất trong nước), thông qua hình thức xuất khẩu chính ngạch và khai báo hải quan điện tử.
Xin trả lại 20 sổ tiết kiệm trị giá 40 tỷ đồng
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc ký hợp đồng mua đất hiếm với bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương, bị cáo Tuấn xác nhận hai bên có ký kết hợp đồng nhưng ông Huấn yêu cầu chỉ xuất hóa đơn giá trị thấp hơn giá trị thực tế.
Khi HĐXX truy về việc hợp thức hóa phần nguyên liệu không có hóa đơn, bị cáo Tuấn nói: “Không cần hợp thức hóa đầu vào vì nguyên liệu vẫn còn trong hệ thống sản xuất”. Đối với đầu ra, bị cáo cho biết sản phẩm đã pha trộn giữa nguyên liệu hợp pháp trong nước và nguyên liệu nhập khẩu.
"Theo bị cáo việc mua bán hàng hóa không xuất đầy đủ hóa đơn bị truy tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng bị cáo thấy thế nào?", HĐXX tiếp tục hỏi.
Về cáo buộc này, ông Tuấn thừa nhận sai phạm ở khía cạnh kế toán. Tuy nhiên, bị cáo này mong HĐXX xem xét lại do đây là sản xuất phục vụ đề tài cấp Nhà nước về chế biến sâu, bản thân ông không được hưởng lợi. Ông Tuấn viện dẫn Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về việc miễn trừ trách nhiệm kinh tế trong quá trình thực hiện khoa học và đổi mới sáng tạo. Ông Tuấn nói rằng đề tài này Nhà nước chỉ hỗ trợ 10 tỷ đồng, trong khi công ty ông đã bỏ ra 80 tỷ đồng.
Về cáo buộc buôn lậu, bị cáo khẳng định toàn bộ hoạt động xuất khẩu đều đúng quy trình hải quan điện tử, phù hợp quy định pháp luật. Ông Tuấn cho rằng mã số hải quan mà công ty ông áp dụng phù hợp với Nghị định cho phép xuất khẩu các nguyên liệu đặc biệt, tinh khiết, đất hiếm cho các nước.
Tuy nhiên, sau đó bị cáo cho biết nhận tội để được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo. Ngay lập tức, HĐXX đã nhắc nhở bị cáo rằng việc nhận tội phải dựa trên sự tự nguyện và nhận thức về hành vi sai phạm, không phải là một thỏa thuận để được giảm nhẹ hình phạt.
Trong phần xét hỏi cuối, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét trả lại 20 sổ tiết kiệm trị giá 40 tỷ đồng đứng tên Phó Giám đốc công ty là bà Hương. Theo bị cáo, đây là khoản tiền đối tác Hàn Quốc chuyển cho công ty để đầu tư ngược sang thị trường Hàn Quốc, do chưa hoàn tất thủ tục nên bị cáo cho gửi tạm bằng hình thức tiết kiệm để tránh thất thoát và đảm bảo không sử dụng sai mục đích.

Phong bì nửa tỷ đồng trong túi hoa quả tặng sinh nhật cựu tổng cục trưởng

Ông chủ khai thác đất hiếm khóc: "Bị cáo có làm, nhưng chưa kịp xong thì bị bắt"
