Tôi làm việc cho Ông trong 8 năm và được bổ nhiệm làm Trợ lý từ năm 1993 khi Ông là Tổng Bí thư. Ngày đi làm việc đầu tiên cho Ông lại đúng vào ngày sinh nhật tròn 40 tuổi của tôi (30/6/1988). Đến nay tôi cũng chỉ còn một tháng nữa là bước sang tuổi 75, không thể nói rằng đầu óc, trí nhớ của mình vẫn hoàn toàn minh mẫn như thời trai trẻ, song cũng không đến nỗi không nhớ cho đúng một vài vụ việc liên quan đến chống lạm phát phi mã cách đây hơn 30 năm. Tôi rất không muốn viết những bài như thế này và mong rằng sẽ không phải viết thêm gì nữa, song vì có những nhìn nhận, đánh giá phiến diện đã và đang được một số người đưa ra công luận xung quanh bài học chống lạm phát phi mã 1988 – 1989, tôi nghĩ mình cần góp phần chút ít để có thêm những thông tin chuẩn xác về lịch sử.
Sau một tháng thử việc, trên khoang chuyên cơ từ Thành phố Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội, Ông Đỗ Mười bảo tôi: “Chú bỏ hết các việc khác, tập trung lo chống lạm phát cho tôi”. Đối với tôi, đó quả là một nhiệm vụ quá sức, vì tôi hầu như không được đào tạo gì về kinh tế thị trường, về bản chất của tiền tệ, về lạm phát. Những lý thuyết được dạy và các sách báo xã hội chủ nghĩa thì nói rằng trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, giá cả do Nhà nước quy định thì không có lạm phát. Vậy thì lạm phát ở Việt Nam từ đâu ra, và chống lạm phát như thế nào? Các nỗ lực, quyết sách chống lạm phát mà Chính phủ đưa ra đến lúc bấy giờ vẫn chưa có kết quả. Lạm phát vẫn diễn ra với tốc độ phi mã (đến tháng 1/1989 lạm phát vẫn ở mức 8%, nghĩa là lũy kế trên 100%/năm nếu tiếp diễn với đà tăng đó).
Tôi nghĩ chỉ có thể làm được nhiệm vụ Ông giao bằng cách huy động trí tuệ của cả giới khoa học – thực tiễn kinh tế, cả trong và ngoài nước. Ngoài một số chuyên gia được Ông Mười tiếp và lắng nghe ý kiến – và thường là tôi phải ghi chép lại các khuyến nghị đó – để Ông nghiền ngẫm, còn tôi thì học hỏi thêm, tôi cũng tìm kiếm và giới thiệu với Ông một số chuyên gia khác trong nước để ông lắng nghe, cân nhắc và lựa chọn. Tôi cũng đề xuất và được Ông chấp nhận là giao đề tài “Chống lạm phát” cho các bộ, ngành, viện, trường xây dựng thành đề án, trực tiếp trình bày để Ông xem xét. Nhiều đề án của các tổ chức và cá nhân đã được hoàn thành và Ông Mười đã trực tiếp nghe trình bày. Là giúp việc Ông về kinh tế, tôi cũng đã cố gắng tóm tắt, chắt lọc nội dung từng đề án và các đề xuất để Ông cân nhắc.
Cuối cùng, theo đánh giá của Ông, có bốn đề án được lựa chọn làm cơ sở để xây dựng thành một Đề án chống lạm phát phi mã lúc bây giờ: (1) Đề án của Viện Kinh tế thế giới thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam; (2) Đề án của Khoa Quản lý kinh tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Nguyễn Ái Quốc; (3) Đề án của Ban Kinh tế Trung ương; (4) Đề án của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Những đề án hoặc khuyến nghị của các tổ chức hoặc cá nhân khác, tuy không được lựa chọn, nhưng vẫn được gạn lọc những nhân tố hợp lý, sử dụng để xây dựng Đề án chung.
Ông Mười quyết định thành lập Tổ xây dựng “Đề án chống lạm phát” của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, giao cho Ban Kinh tế Trung ương làm đầu mối, đồng chí Chế Viết Tấn (Phó Trưởng ban lúc bấy giờ) làm Tổ trưởng. Tổ xây dựng đề án có hơn 10 thành viên, gồm các đồng chí: Chế Viết Tấn, Trần Đức Nguyên, Hà Nghiệp, Nguyễn Thanh Sơn (sau được bổ nhiệm làm phó Tổng Thanh tra Chính phủ) và một tiến sĩ toán kinh tế của Ban tên là Bang (tôi không nhớ tên đầy đủ); Võ Đại Lược thuộc Viện Kinh tế thế giới; Đào Xuân Sâm và Nguyễn Văn Nam thuộc khoa Quản lý kinh tế của Học viện chính trị quốc gia; Lương Xuân Quỳ, hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân lúc bấy giờ; Lê Xuân Nghĩa thuộc Ban Vật giá Chính phủ; và còn một số đồng chí nữa mà tôi không nhớ hết. Tôi vừa là thành viên Tổ vừa là Thư ký của tổ (cùng với anh Nguyễn Thanh Sơn), vừa là cầu nối giữa Tổ và Ông Đỗ Mười để báo cáo thường xuyên tiến độ, các nội dung đề xuất và khuyến nghị để Ông cho ý kiến chỉ đạo.
Sau nhiều buổi thảo luận, tranh luận, cân nhắc, Tổ đã hoàn thành được những nội dung cơ bản của Đề án chống lạm phát. Tôi được giao nhiệm vụ cùng anh Thanh Sơn chấp bút Đề án cuối cùng, kiến nghị Ông Đỗ Mười cho trình Hội nghị Trung ương họp vào tháng 12/1988. Tổ cũng giao anh Hà Nghiệp dự thảo sẵn một Nghị quyết của Trung ương đi kèm Đề án nhằm tăng cường hiệu lực thực thi. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ Tổ giao, viết Đề án với sự nhất trí của Tổ (anh Thanh Sơn có viết một phần). Anh Hà Nghiệp cũng đã dự thảo xong Nghị quyết để Trung ương xem xét, thông qua.
Hội nghị Trung ương họp tháng 12/1988 (có thể chênh chút ít về thời gian vì tôi nhớ không chính xác) đã không có nội dung bàn và ra nghị quyết về chống lạm phát, vì tôi được biết là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ cho rằng không cần thiết, đã có Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị trước đó về vấn đề này, cứ dựa theo đó mà làm. Vì vậy, Ông Đỗ Mười đành sử dụng quyền hạn và trách nhiệm được giao, dựa vào nội dung của Đề án chống lạm phát mà Tổ xây dựng để ban hành các quyết định và triển khai các giải pháp.
Trước khi áp dụng, Ông yêu cầu tổ chức một Hội nghị gồm đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan và một số chuyên gia đến nghe trình bày và góp ý kiến. Hội nghị được tổ chức tại Hội sở Ngân hàng Nhà nước (47 – 49 Lý Thái Tổ), lúc bấy giờ do đồng chí Lữ Minh Châu làm Tổng Giám đốc (Thống đốc). Tôi được Tổ giao nhiệm vụ trình bày Đề án tại Hội nghị. Có rất ít ý kiến đóng góp thêm hay phản đối, nhưng tôi cảm nhận được rất nhiều người dự Hội nghị tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của Đề án. Có ý kiến của một đồng chí – sau này là Bộ trưởng: “Thúy, các cậu chủ quan quá, làm sao mà đưa lạm phát xuống 40% vào năm 1990 như các cậu đề xuất được”.
Sau Hội nghị tại Ngân hàng Nhà nước, Ông Đỗ Mười lập tức cho triển khai thí điểm tại Hải Phòng – địa bàn hội tụ đủ nhiều yếu tố kinh tế – xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ và cũng là nơi gần gũi, thân thuộc với ông. Sau khoảng hơn nửa tháng thí điểm, Ông Mười quyết định cho áp dụng rộng rãi toàn quốc. Kết quả thực sự vượt quá xa so với mong đợi: lạm phát bị chặn đứng; hàng hóa từ chỗ khan hiếm trở nên dư thừa; ngân hàng huy động được khoảng 1.000 tỷ đồng tiền gửi từ xã hội trong vòng 3 tháng để cho vay trong khi Đề án dự kiến chỉ khoảng 300 tỷ đồng; lạm phát cả năm 1989 giảm xuống còn 37% thay vì phải đến năm 1990 mới xuống 40% như dự kiến...
Tuy nhiên cái giá phải trả cũng quá đắt, vượt ra ngoài dự kiến: có khoảng hơn ½ tổng số doanh nghiệp nhà nước – chủ yếu là địa phương – bị đình đốn, phá sản, với khoảng 60 vạn công nhân mất việc làm, phải nhận trợ cấp “một cục” để về tự xoay sở kiếm sống. Về lý thuyết kinh tế thì với hiểu biết hiện nay, chúng ta dễ đồng thuận rằng đó là hậu quả tất yếu, không tránh khỏi. Nếu muốn chặn đứng lạm phát, nếu muốn đồng tiền chu chuyển liên tục từ người có tiền nhàn rỗi đến người đi vay qua ngân hàng thì lãi suất phải thực dương. Nếu muốn người dân không trở thành những kho tích trữ hàng hóa (dù chưa cần thiết) thì phải khắc phục được việc giữ tiền mặt như “cầm hòn than nóng”; nếu muốn doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hiệu quả thực sự thì không thể dựa vào tín dụng bao cấp, lãi suất thấp xa so với mức tiền mất giá; nếu muốn kinh tế vĩ mô ổn định để phát triển bền vững thì không thể để lạm phát gấp hàng chục lần tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm được.
Trong nhiều cuộc họp, làm việc lúc bấy giờ, Ông Mười thường diễn đạt một cách nôm na: “Giá hàng” (nghĩa là lạm phát – LĐT) và “giá tiền” (nghĩa là lãi suất – LĐT) cũng như thuyền với nước, phải luôn gắn với nhau, thuyền lên thì nước lên, thuyền xuống thì nước xuống, thuyền không thể ở trên cao còn nước thì nằm ở dưới thấp được. Vì lạm phát vào tháng 1 và 2 năm 1988 là 8%/tháng nên Đề án kiến nghị đưa lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 9%/tháng; còn tiền gửi kỳ hạn 3 tháng là 12%/tháng; lãi suất cho vay phải cao hơn để bù đắp được chi phí vốn.
Nhưng vào khoảng đầu năm 1989 thì sự đồng thuận nói trên, theo tôi nhớ, là không dễ đạt được. Đã xuất hiện những ý kiến chỉ trích gay gắt về các biện pháp chống lạm phát mà Chính phủ chỉ đạo lúc bấy giờ. Ngay trong Bộ Chính trị, có đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã phát biểu: “Việt Nam không thể có lạm phát thấp như thế này được. Việt Nam phải lạm phát ít nhất 5%/tháng, chống lạm phát kiểu này thì doanh nghiệp chết hết”.
Tôi nhớ là Ông Đỗ Mười sau cuộc họp cấp cao đã tâm sự với tôi tại nhà riêng 11 Phạm Đình Hổ: “Có lẽ tôi phải xin nghỉ thôi chú ạ. Đảng giao cho tôi phải chống lạm phát, điều hành nền kinh tế, tôi mới áp dụng một số giải pháp mà các anh ấy đã có ý kiến như vậy. Ngay trong văn phòng ta, chỉ có tôi và chú là thống nhất với nhau thôi” (Lúc bấy giờ tôi chỉ là Thư ký kinh tế. Tham gia giúp việc Ông Mười còn có các anh cỡ Bộ trưởng như anh Đào Thiện Thi, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; anh Nguyễn Thượng Hòa, nguyên Quyền Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Chính phủ). Có lẽ tôi là một trong những người góp thêm ý kiến thuyết phục Ông Mười vẫn đi theo các định hướng, các nội dung cơ bản mà Đề án nêu ra, các quyết định chủ yếu đã lựa chọn, đưa công cuộc chống lạm phát phi mã 1988 – 1989 tới thành công.
Thực ra Ông Mười cũng buộc phải có những điều chỉnh để hạn chế bớt cả những hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng, cả những phản ứng, chưa đồng thuận trong lãnh đạo. Ông đã buộc phải chấp nhận để Ngân hàng Nhà nước giảm nhanh lãi suất huy động và cho vay; phát hành tiền để làm vốn tín dụng theo chỉ định cho các dự án hay một số doanh nghiệp; in tiền làm vốn để mua lương thực “bỗng dưng” dư thừa của nông dân (kế hoạch đầu năm 1989 là phải nhập khẩu thêm khoảng 40 vạn tấn lương thực, nhưng cả năm, ngược lại, xuất khẩu được 1 triệu tấn gạo, lần đầu tiên kể từ sau hòa bình 1954). Đồng thời, phần lớn các khoản bù đắp bội chi ngân sách vẫn dựa vào nguồn tiền in (phát hành) của Ngân hàng Nhà nước, không như ý tưởng của Đề án. Chính vì vậy mà lạm phát trở lại, mỗi năm lên đến 67 – 70% trong hai năm 1990 – 1991. Chỉ đến năm 1992, khi Hội nghị Trung ương khóa VIII họp khoảng nửa đầu năm ra Nghị quyết về kinh tế, có nội dung “Chấm dứt phát hành tiền làm vốn tín dụng và bù đắp bội chi ngân sách”, hay như câu nói dân dã, cửa miệng của Ông Mười: “Ngân sách thu lấy mà chi; Ngân hàng vay lấy mà cho vay”, cùng với những giải pháp khác, mà lạm phát ở Việt Nam mới xuống 12% vào 1992 và những năm sau đó xuống còn 1 con số, cho mãi đến sau năm 2007 có lúc mới vọt lên 18% vì nhiều lý do.
Về mặt hành chính, không có một văn bản pháp lý, một tuyên bố chính thức nào của cơ quan có thẩm quyền về ban hành Đề án chống lạm phát mà tôi nêu ở trên. Các quyết sách điều hành của Chính phủ và các chỉ đạo của Ông Đỗ Mười cũng không trích nguyên văn nội dung của Đề án. Ông Đỗ Mười có thể nói là người chỉ đạo nên nắm rất chắc tư tưởng chủ đạo của Đề án, dựa vào nội dung của Đề án gắn với thực tiễn mà Ông đã quyết tâm theo đuổi nó trong chỉ đạo, điều hành trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Do đó phải khẳng định rằng “Ông Đỗ Mười là người có công cao nhất, quyết định nhất trong công cuộc chống lạm phát phi mã thành công ở Việt Nam thời kỳ 1988 – 1989”. Góp công vào thành quả đó là tổng hợp đóng góp của nhiều tổ chức và cá nhân, cả trong và ngoài nước được đưa vào trong Đề án. Không có tổ chức và cá nhân nào – ngoài Tổ giúp việc xây dựng Đề án cuối cùng – có một Đề án chống lạm phát tương đối hoàn chỉnh trình lên Ông Mười và được Ông sử dụng làm cơ sở cho các quyết sách điều hành của mình. Mà Đề án do Tổ giúp việc xây dựng cũng là công trình tập thể, trực tiếp và gián tiếp của nhiều tổ chức và các nhân mà tôi đã nêu trên.
Cách đây khoảng mười năm, tôi có đọc một cuốn hồi ký (đã bị thu hồi) cho rằng chống lạm phát ở Việt Nam thành công là nhờ đề xuất và thực hiện chủ trương “nhập vàng về bán can thiệp” để kéo giá vàng xuống, nhờ đó mà cũng kéo giá cả hàng hóa – được xác định theo giá vàng trên thị trường – cũng xuống theo, tức là kiềm chế được lạm phát. Khi tôi được điều làm thư ký cho Ông Đỗ Mười vào giữa năm 1988 thì tôi không được nghe chỉ đạo nào của Ông theo hướng đó, còn lạm phát thì vẫn phi mã, và Tổng công ty Vàng bạc đá quý của Ngân hàng Nhà nước – tổ chức được giao nhiệm vụ nhập vàng về bán can thiệp, đã gánh chịu một khoản nợ 300 tỷ VND (theo tỷ giá lúc bấy giờ là khoảng 60 triệu USD), mãi đến năm 2002 mới được Chính phủ cho xóa nợ (Điều này tôi cũng chỉ nắm được và tham gia xử lý khi về làm lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cuối năm 1996).
Đề xuất về áp dụng lãi suất thực dương là một nhân tố rất quan trọng của thành công trong chống lạm phát phi mã được nêu trong Đề án của Viện Kinh tế thế giới và đã được đưa vào Đề án cuối cùng, cùng với nhiều đề xuất, giải pháp khác, do những tổ chức và cá nhân khác đóng góp. Nhưng theo tôi nhớ thì lãi suất thực dương không phải là đề xuất duy nhất của riêng một cá nhân nào, một tổ chức nào. Các giáo trình kinh tế học ở các nước kinh tế thị trường thì coi đó là một vấn đề sơ đẳng. Trường Đại học Kinh tế quốc dân vào năm 1988 cũng dịch và gửi biếu Ông Đỗ Mười một bản giáo trình kinh tế của Đại học Yale, Mỹ (tôi cũng được biếu một bản để “cùng học” với Ông).
Đã có những khuyến nghị của một vài chuyên gia nước ngoài về việc đó. Hơn nữa, phải trên nền tảng thực hiện đầy đủ hơn, triệt để hơn chủ trương xóa bao cấp, mở cửa, áp dụng cơ chế thị trường, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung và đường lối công nghiệp hóa theo kiểu Xô Viết... của Đại hội Đảng lần thứ VI với những giải pháp cụ thể mà Đề án nêu ra thì công cuộc chống lạm phát mới có thể thắng lợi. Xét về phương diện này thì Ông Đỗ Mười cũng là người đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức thực hiện cơ bản và toàn diện Nghị quyết đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VII.
Kể lại những câu chuyện và đánh giá nói trên, tôi mong muốn góp phần làm rõ sự kiện chống lạm phát phi mã 1988 – 1989 trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử. Tôi cũng tự cho là đã hoàn thành được nhiệm vụ mà Ông Đỗ Mười giao ngay trong những ngày đầu tiên: “gác lại mọi công việc khác, tập trung lo chống lạm phát”, chủ yếu là nhờ đã tận dụng được trí tuệ và công sức của rất nhiều tổ chức và cá nhân, kết nối lại, giải trình và thuyết phục để Ông có các quyết sách điều hành thành công. Tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ các tổ chức, cá nhân trong quá trình làm người kết nối và giúp việc cho Ông Mười, nhờ đó mà cũng có những bước trưởng thành nhất định về sau này.
Theo VnEconomy