Chọc giận Trung Quốc đại lục, Đài Loan đề nghị Mỹ bán thủy lôi và tên lửa hành trình

VietTimes – Đại diện của Đài Loan tại Mỹ, ngày 12/8 tiết lộ khi đối thoại với tổ chức tư vấn liên quan của Mỹ: Đài Loan đang thảo luận để mua thủy lôi và tên lửa hành trình để chống lại các cuộc đổ bộ hoặc tấn công của PLA; đồng thời tích cực đầu tư cho quân đội, tuyển dụng nhân lực để ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng và tăng cường khả năng tác chiến mạng.
Đài Loan đang đàm phán mua các tên lửa hành trình của Mỹ để phòng thủ bờ biển (Ảnh: newsin.us).
Đài Loan đang đàm phán mua các tên lửa hành trình của Mỹ để phòng thủ bờ biển (Ảnh: newsin.us).

Theo các trang tin Đông PhươngFX168 Financial News của Hong Kong ngày 13/8 dẫn tin của Reuters cùng ngày, bà Tiêu Mỹ Cầm (Xiao Meiqin) đại diện của Đài Loan tại Mỹ, tiết lộ hôm thứ Tư rằng Đài Loan đang thảo luận với Mỹ về việc mua thủy lôi để kiềm chế các cuộc đổ bộ và tên lửa hành trình để phòng thủ bờ biển.

Trong bài phát biểu tại Viện Hudson (Hudson Institute), bà Tiêu nói, trước những yêu sách chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan, Đài Loan đang phải đối mặt với "vấn đề sống còn" và cần phải mở rộng khả năng phòng thủ phi đối xứng của mình.

Bà nói: "Chúng tôi nói khả năng phi đối xứng là đề cập đến khả năng hình thành một biện pháp răn đe vừa tiết kiệm chi phí vừa có đủ sức sát thương, khiến  bất kỳ cuộc xâm lược nào đều trở nên rất đau đớn”.

Tiêu Mỹ Cầm cho biết, Đài Bắc hiện đang thảo luận với Mỹ về vấn đề Đài Loan mua một số năng lực phần cứng, bao gồm việc mua tên lửa hành trình có thể phối hợp với hệ thống tên lửa Hùng Phong (Xiongfeng) do Đài Loan tự phát triển để cung cấp khả năng phòng thủ bờ biển tốt hơn. Các hệ thống vũ khí khác đang được thương thảo để mua bao gồm "thủy lôi và các năng lực khác để ngăn chặn các cuộc đổ bộ hoặc tấn công”.

Bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện của Đài Loan tại Mỹ (Ảnh: Đông Phương).
Bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện của Đài Loan tại Mỹ (Ảnh: Đông Phương).

Trước đó, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết tại một hội nghị trực tuyến rằng bà đã ưu tiên coi mở rộng và tăng tốc phát triển khả năng phòng thủ phi đối xứng của Đài Loan là nhiệm vụ hàng đầu.

Bà Tiêu nói, Đài Loan cam kết duy trì sự cân bằng và ổn định trong khu vực và sẽ không mạo hiệm nhưng cũng không khuất phục. Tuy nhiên, các hành động quân sự mang tình gây hấn gần đây của Trung Quốc đại lục đã làm gia tăng khả năng phán đoán sai và ngoài ý muốn về quân sự giữa Đài Loan và đại lục. Đối mặt với các cuộc tấn công văn hóa, đe dọa vũ lực cũng như mở rộng quân sự của Trung Quốc, Đài Loan phải tăng cường phối hợp với Mỹ và các đối tác trong khu vực để đẩy nhanh sự phát triển khả năng phòng thủ phi đối xứng của Đài Loan.

Bà cũng nói rằng Đài Loan hy vọng sẽ tăng cường đối thoại với các đối tác khác trong khu vực để đảm bảo tự do hàng hải, duy trì nguyên trạng và ổn định an ninh khu vực

Bà Tiêu Mỹ Cầm nói rằng Đài Loan cũng hy vọng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ các đảo ở Biển Đông hiện đang kiểm soát. Bắc Kinh tuyên bố rằng gần như toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của họ.

Bà nói: "Đối với Đài Loan, nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi để tồn tại là tăng cường khả năng phòng thủ của mình, bao gồm phòng ngự các đảo hiện do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông”.

Theo quan điểm của Đài Loan, các hành động của Bắc Kinh ngày càng trở nên có tính đe dọa hơn và Đài Loan đã liên tục tăng cường phòng thủ.

Các nguồn tin của Mỹ vào tuần trước cho biết Washington đang lần đầu tiên đàm phán để bán ít nhất 4 máy bay không người lái tiên tiến cho Đài Loan. Trung Quốc thường xuyên lên án Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

Washington đã cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Bắc vào năm 1979 và quay sang ủng hộ Bắc Kinh, nhưng Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Đài Loan và theo luật, Washington có nghĩa vụ cung cấp cho Đài Loan các phương tiện tự vệ.

Khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh xấu đi do các vấn đề nhân quyền và thương mại, chính phủ của Tổng thống Trump đã nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với Đài Loan.

Trong tuần này, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đã trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan trong 40 năm qua. Chuyến thăm này đã bị Trung Quốc lên án và đe dọa sẽ có những biện pháp đáp trả nhưng không nói rõ là gì.

Ông Azar đã kết thúc chuyến thăm ba ngày của mình vào thứ Tư 11/8, trong thời gian ở thăm Đài Loan ông đã gặp người lãnh đạo chính quyền Đài Loan, Thái Anh Văn. Azar nói, các cuộc trao đổi của ông với các quan chức chính quyền Đài Loan liên quan đến một "thỏa thuận thương mại song phương”. Ông nói: “Mục đích chuyến thăm của tôi là làm nổi bật mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị sâu sắc giữa Đài Loan và Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, ông không nói rõ về thỏa thuận thương mại được đề xuất.

Chuyến thăm của ông Azar diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh về vấn đề Hồng Kông, thương mại quốc tế và tầm ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Ông Azza đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chuyến đi của ông đã mang theo thông điệp ủng hộ và tình hữu nghị từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời chỉ trích Trung Quốc che giấu thông tin về coronavirus mới. Đại dịch đã bắt đầu từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Đài Loan đang đàm phán mua thủy lôi của Mỹ để tăng cường khả năng chống đổ bộ đường biển (Ảnh: chinatimes.com)
Đài Loan đang đàm phán mua thủy lôi của Mỹ để tăng cường khả năng chống đổ bộ đường biển (Ảnh: chinatimes.com)

Người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Đài Loan, Ngô Chiêu Nhiếp (Wu Zhaoxie), hôm thứ Ba (11/8) nói với Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Azar, với việc Trung Quốc gây áp lực buộc Đài Loan phải chấp nhận các điều kiện để biến Đài Loan trở  thành Hong Kong tiếp theo, Đài Loan đang đối mặt với tình thế ngày càng khó khăn.

Ngô Chiêu Nhiếp nói khi tham dự một cuộc họp báo chung với Azar ở Đài Bắc: "Đại lục không ngừng gây áp lực buộc Đài Loan phải chấp nhận các điều kiện chính trị của họ. Những điều kiện này sẽ biến Đài Loan thành Hong Kong tiếp theo và cuộc sống của chúng tôi trở nên ngày càng khó khăn”.

Hôm thứ Hai (10/8), các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã chớp nhoáng vượt qua đường phân tuyến nhạy cảm của eo biển Đài Loan và bị tên lửa phòng không Đài Loan giám sát. Phía Đài Bắc cho rằng đây là một phần trong hành động quấy rối của Bắc Kinh.

Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố, các máy bay chiến đấu của PLA đã chớp nhoáng băng qua đường trung tuyến nhạy cảm của eo biển Đài Loan vào sáng thứ Hai, sau đó bị không quân Đài Loan "đánh đuổi". Bộ Quốc phòng Đài Loan dẫn lời Không quân Đài Loan nói rằng các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đại lục cũng bị theo dõi bởi các tên lửa phòng không trên mặt đất của Đài Loan.

Bộ Tư lệnh Không quân Đài Loan tuyên bố rằng việc máy bay Đại Lục cố tình xâm nhập và phá hoại tình hình (ổn định) ở eo biển Đài Loan đã phá hoại nghiêm trọng an ninh và ổn định của khu vực. Có thông tin cho rằng đây là lần đầu tiên quân đội Đài Loan thừa nhận đã sử dụng tên lửa đặt mặt đất để giám sát máy bay Trung Quốc đại lục.